Giao thông, vỉa hè, nạn “chặt chém”… là một số trong những điều hai phượt thủ Mỹ không thích thú tại Việt Nam.
Trên hành trình vòng quanh thế giới, Hannah và Adam đến Đông Nam Á. Hai phượt thủ này khẳng định rất thích Việt Nam, tuy nhiên có những điều chưa tốt họ không thể phủ nhận. Adam chia sẻ về 7 điều anh không muốn nhớ về Việt Nam sau chuyến du lịch đầu năm 2017, nhưng cũng không ngăn cản du khách quay trở lại mảnh đất này.
Không thể đi bộ trên vỉa hè
Với Adam, vỉa hè tại Việt Nam là bãi đỗ xe máy, tiệm ăn và chỗ bán hàng chứ không phải phần dành cho người đi bộ. Nếu ai đó có thể tìm thấy lối đi trên vỉa hè, chỉ vài giây sau sẽ có người lái xe từ dưới đường lên, tiến thẳng tới phần còn trống khiến người đi bộ phải dừng lại.
Khách Tây phải “nhắm mắt mà đi” trên đường phố Hà Nội. Video: Tiến Đạt.
“Chặt chém”
Mọi thứ tại Việt Nam dường như có nhiều mức giá. Kỷ niệm khiến Adam nhớ nhất là chuyến xe từ Đà Nẵng đi Huế với mức giá 60.000 đồng/vé. Tuy nhiên, khi anh đặt túi vào khoang xe khách, tài xế nói rằng anh phải trả thêm 100.000 tiền vận chuyển hành lý. Anh chỉ phá lên cười và để đồ vào. Adam cho rằng người lái xe nghĩ rằng anh rất ngốc.
Chen lấn khi xếp hàng
Hàng lối và thứ tự không có ý nghĩa tại Việt Nam, bất cứ ai xô đẩy hoặc mạnh bạo hơn sẽ được đứng trước. Nhiều người thường tỏ ra bối rối và đi quanh hàng cho đến khi họ giành được chỗ đầu tiên, rồi nhìn chằm chằm vào vé, hóa đơn hoặc bất cứ cái gì trên tay như thể họ không biết mình vừa làm gì.
Cảnh chen lấn xếp hàng chờ lên thuyền ở Tràng An. Video: Thanh Tuyết.
Adam vẫn không nguôi cơn giận khi nghĩ về sự cố trong một siêu thị đông đúc tại Việt Nam. Một gia đình mua sắm cùng nhau, chỉ có người con gái đứng đợi thanh toán trong khi những người còn lại chọn đồ. Mỗi người đều trở lại với một giỏ đầy và cố chen vào hàng. Hannah ra hiệu rằng họ phải đứng cuối hàng, cô và Adam đã đợi hơn 20 phút. Sau đó, cả gia đình dồn hết 5 giỏ vào tay cô gái đứng trước họ và thanh toán.
Mọi thứ đều nhỏ
Hai phượt thủ đều rất cao lớn. Nhưng hầu hết những thứ tại Việt Nam đều rất nhỏ, từ ghế ngồi cho tới nhà tắm.
Xe máy
Adam nhận định du khách sẽ không thể hiểu về lời phàn nàn này nếu họ chưa từng đến Việt Nam. Không có quyển sách hướng dẫn du lịch nào lý giải về sự hỗn loạn của giao thông tại đất nước này.
Giao thông Sài Gòn trong video của Adam và Hannah.
Thói quen xấu tại nơi công cộng
Phượt thủ Mỹ cho rằng mọi người hoàn toàn có thể ngoáy mũi. Nhưng điều tệ nhất là khi một người bán hàng vừa ngoáy mũi vừa làm bánh mì cho bạn.
Mặc cả khi mua đồ ăn
Adam từng phải tranh cãi khi mua đồ lưu niệm và nhiều thứ khác trên đường du lịch. Nhưng anh ghét nhất việc phải tranh cãi về những mức giá vô lý khi ăn uống. Adam đưa ra kim chỉ nam dành cho du khách đến Việt Nam là trả hơn 1/4 giá được đưa ra ban đầu.
Điều đáng nhớ
Ngoài những điều họ kể trên, Hannah và Adam cho rằng Việt Nam rất tuyệt. Giá cả phải chăng, họ đã ăn uống như những ông vua bà hoàng, cảm thấy an toàn và không gặp vấn đề gì nghiêm trọng trong chuyến du lịch tại đây. Hai phượt thủ Mỹ có một danh sách dài những điều họ luôn nhớ về đất nước này và chuẩn bị kế hoạch quay trở lại.
Một số blogger khác đóng góp thêm cho những chia sẻ của hai phượt thủ Mỹ:
Anne Marie cho rằng cô sẽ không nhớ về những câu chào mời của các chủ hàng. Sau khi từ Việt Nam trở về, cô rất ghét mỗi khi có người nói rằng cô nên vào xem hàng.
Ngoài việc ngoáy mũi, blogger Robert Lane nhắc đến một thói quen xấu của người bản địa là vứt rác trên nền và để lại bàn ăn bừa bộn sau khi dùng bữa trong nhà hàng.
Nhắc đến xe cộ, phượt thủ Scotland Clazz nói rằng cô thực sự nhớ những tiếng còi trên đường phố Việt Nam. Cô nghĩ đây chính là thứ lột tả vẻ hỗn loạn của giao thông trong thành phố mà cô rất yêu thích. Clazz không chắc mình sẽ nhớ những lần sang đường tại đất nước này.
Mời độc giả tham gia thăm dò ý kiến hoặc để lại bình luận về những điều khiến du khách khó chịu tại Việt Nam.
Nguồn: Vnexpress.net