7 nguyên tắc cha mẹ cần lưu ý khi nói chuyện với con

0
68

Để giúp trẻ mở lòng khi trò chuyện và tránh mâu thuẫn, cha mẹ cần thể hiện thái độ tôn trọng, tập trung lắng nghe và cho phép trẻ bày tỏ quan điểm cá nhân.

nguyen tac khi tro chuyen cung con anh 1

1. Tránh công kích cá nhân: Khi nói chuyện với con, cha mẹ cần đưa ra những lời khuyên mang tính chất xây dựng, tránh công kích cá nhân hoặc xúc phạm trẻ như “con thật lười biếng”, “con thật kém cỏi”… Những lời công kích có thể gây tổn thương và phá hủy lòng tự trọng của trẻ. Thậm chí, lời nói của cha mẹ có thể khiến đứa trẻ ám ảnh suốt đời. Thay vì chỉ trích con, cha mẹ có thể bày tỏ ý kiến bằng cách hỏi han và thể hiện sự quan tâm con. Ví dụ: “Hôm nay con có vẻ mệt, có phải con đang lo lắng chuyện gì không?”, “Dạo này con làm bài thi không tốt lắm, bố mẹ có thể giúp gì cho con không?”. Nguyên tắc là cha mẹ cần tập trung hỏi nguyên nhân và tránh đưa ra những lời bình luận mang tính công kích. Điều này sẽ giúp trẻ mở lời và cảm thấy thoải mái hơn khi tâm sự. Ảnh: Active Moms Network.

nguyen tac khi tro chuyen cung con anh 2

2. Không tỏ thái độ coi thường: Nhiều cha mẹ có tâm lý mình là bề trên, có quyền coi thường, bác bỏ lời con nói. Trong vài trường hợp, cha mẹ “cạnh tranh” với con để thể hiện quyền lực của mình. Cách thể hiện thái độ này sẽ khiến con bạn cho rằng các em không được cha mẹ coi trọng, lời nói của các em không mang giá trị trong gia đình. Khi nói chuyện cùng con, cha mẹ cần đặt mình ngang hàng với con như một người bạn. Qua đó, trẻ sẽ dễ tiếp nhận và có cái nhìn khác về những cuộc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái. Ảnh: Creative Child Magazine.

nguyen tac khi tro chuyen cung con anh 3

3. Tập trung lắng nghe: Một nguyên tắc quan trọng khi nói chuyện với con là tập trung lắng nghe. Bạn cần nhìn thẳng vào mắt con khi nói chuyện, tránh làm việc riêng như dùng điện thoại, xem tivi hoặc đọc sách. Nếu trẻ nói chuyện nhưng bạn không tập trung lắng nghe, các em sẽ cảm thấy lời nói của bản thân không có trọng lượng và cha mẹ không quan tâm cuộc trò chuyện này. Ảnh: TODAY.

nguyen tac khi tro chuyen cung con anh 4

4. Nghe nhiều hơn nói: Khi trò chuyện cùng con, cha mẹ nên để con bày tỏ hết suy nghĩ, bản thân chỉ tập trung lắng nghe và mở lời khi cần thiết. Nếu cha mẹ nói không ngừng hoặc chỉ biết bác bỏ lời con nói, trẻ sẽ không có cơ hội nói hết suy nghĩ của mình và cảm thấy thất vọng vì không được lắng nghe. Chìa khóa để xây dựng một cuộc trò chuyện hoàn hảo là lắng nghe con bằng cả trái tim. Nếu trẻ cần lời khuyên, bạn hãy để trẻ bày tỏ xong rồi góp ý sau. Ảnh: Raising Children Network.

nguyen tac khi tro chuyen cung con anh 5

5. Tránh nói tục: Một số người lớn cho rằng nói tục là cách tốt nhất để thể hiện cảm xúc. Tuy nhiên, “lối tắt” trong cách diễn đạt của người lớn hoàn toàn không phù hợp khi trò chuyện với trẻ. Cha mẹ là người gần gũi với con, là hình mẫu để trẻ noi theo và áp dụng khi giao tiếp với xã hội. Nếu cha mẹ nói tục thường xuyên, trẻ sẽ bắt chước và cho rằng những lời này hoàn toàn bình thường, được phép sử dụng rộng rãi. Ảnh: Motherhood Story.

nguyen tac khi tro chuyen cung con anh 6

6. Cho phép trẻ bày tỏ ý kiến, quan điểm cá nhân: Một số cha mẹ cảm thấy khó khăn khi để con bày tỏ ý kiến cá nhân. Lý do là họ cảm thấy điều này đang hạ thấp quyền lực của người làm cha mẹ, hoặc họ sợ trẻ nghĩ rằng cha mẹ đang nhượng bộ con cái. Tuy nhiên, nguyên tắc để xây dựng một cuộc trò chuyện bình đẳng là cả hai bên đều được bày tỏ quan điểm cá nhân. Bạn cần lắng nghe và cho phép trẻ nói nhiều hơn. Nếu trẻ đưa ra quan điểm chưa tốt, cha mẹ có thể phân tích cái đúng, cái sai để trẻ hiểu và rút kinh nghiệm. Những đứa trẻ biết thảo luận sẽ học được cách suy nghĩ trước khi nói, đồng thời xây dựng kỹ năng đưa ra quyết định và quản lý cảm xúc. Ảnh: CNN.

nguyen tac khi tro chuyen cung con anh 7

7. Không nổi nóng: Nổi nóng sẽ phá hủy toàn bộ cuộc trò chuyện gia đình, đồng thời khiến trẻ sợ hãi và từ đó không dám nói chuyện với cha mẹ. Nếu tức giận, bạn có thể nói với trẻ là bạn đang không vui và cần thời gian lấy lại bình tĩnh. Cha mẹ nên dành thời gian ở một mình hoặc đi dạo, hít thở để xóa bỏ những cảm xúc tiêu cực rồi sau đó quay lại nói chuyện với con. Khi đã đủ bình tĩnh, bạn hãy phân tích cho trẻ biết vì sao bạn tức giận. Cách làm này sẽ tránh tạo ra mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, đồng thời giúp trẻ rút ra bài học cho riêng mình. Ảnh: New York Post.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn