70% khách đi du lịch không đặt tour truyền thống

0
126

Xu hướng du lịch trực tuyến khiến lượng khách đặt tour truyền thống giảm nhanh, buộc các doanh nghiệp tìm hướng đi mới để bắt kịp nhu cầu thị trường.

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), du lịch trực tuyến đang phát triển mạnh ở nhiều quốc gia. Tỷ lệ khách đặt dịch vụ du lịch trực tuyến tăng khiến các tour truyền thống giảm mạnh. Năm 2015, 82% khách du lịch đặt các tour truyền thống nhưng đến nay còn 30%. Tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận du lịch trực tuyến ở Việt Nam là 66%. Ở Nhật Bản, con số này lên đến 93%.

Hiện nay, khách du lịch có thói quen lên kế hoạch du lịch thông qua ứng dụng di động, trực tiếp đặt nhà hàng, phòng nghỉ và các dịch vụ online. Báo cáo của Trekksoft chỉ ra 75% người dùng từ 18 đến 34 tuổi sử dụng các kênh trực tuyến để đặt dịch vụ; 87% người trẻ coi di động là vật dụng du lịch quan trọng nhất.

Xu hướng mới của du lịch buộc các doanh nghiệp trong nước thích ứng để bắt kịp nhu cầu khách hàng, thay đổi cách kinh doanh, bán tour hiện nay. Đây cũng là nội dung được tập trung thảo luận trong Ngày du lịch trực tuyến 2019 diễn ra hôm 26/6 tại Hà Nội.

Báo cáo của Google và Temasek chỉ ra, quy mô du lịch trực tuyến Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD trong năm 2018 và ước tính đạt 9 tỷ USD vào 2025, với mức tăng trưởng 15% mỗi năm.

Báo cáo của Google và Temasek chỉ ra, quy mô du lịch trực tuyến Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD trong năm 2018 và ước tính đạt 9 tỷ USD vào 2025, với mức tăng trưởng 15% mỗi năm.

Hiện hàng triệu người Việt sử dụng các ứng dụng du lịch hàng tháng, nhưng hơn 80% là các ứng dụng nước ngoài như Booking, Agoda, TripAdvisor… Ông Ngô Minh Đức, CEO của Gotadi, ứng dụng đặt các dịch vụ du lịch thừa nhận doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh với các thương hiệu lớn trên thế giới. “Một năm trang Booking dành 100 triệu USD để phát triển công nghệ, thứ chúng ta khó có thể đạt được”, ông Đức nói.

Ông Phạm Hải Văn, đại diện Haravan, startup cung cấp giải pháp bán hàng đa kênh cho rằng, các doanh nghiệp phải tìm mọi cách để cung cấp dịch vụ online, bởi 60% khách du lịch hiện sử dụng Google Map để tra cứu thông tin về điểm đến, ăn uống, lưu trú. “Nếu một khách sạn, homestay không xuất hiện trên mạng là điểm trừ lớn khi không thu hút được khách đến lần tiếp theo, quan trọng hơn là không có thông tin khách hàng”.

Dữ liệu khách hàng đang là mối quan tâm hàng đầu của các đơn vị lữ hành, khách sạn hiện nay. Ông Tuấn Hà, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết từ thông tin khách hàng, các công ty du lịch có thể phân tích hành vi, sở thích người dùng để cải thiện trang web, đưa ra quảng cáo phù hợp với mục đích mời gọi khách mua dịch vụ.

“Hành vi người dùng có thể được thống kê như vị trí con trỏ chuột, trình tự đọc hay cookies. Một số công cụ miễn phí ngày nay cung cấp khả năng theo dõi và phân tích khoảng 1.000 khách hàng và nhiều hơn nữa nếu trả phí”, ông Hà nói.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị du lịch của Việt Nam đang bỏ tiền mua phần mềm quản lý nhưng chưa quan tâm đúng mức, cập nhật không thường xuyên gây lãng phí, kém hiệu quả khiến cơ sở dữ liệu hạn chế.

Ngoài ra, chất lượng nhân lực du lịch Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hội nhập quốc tế. Trong 1,3 triệu lao động du lịch có 42% được đào tạo đúng chuyên môn, 38% từ các ngành khác chuyển sang, số còn lại được đào tạo tại chỗ. Khoảng 60% lao động biết sử dụng máy tính ở mức cơ bản. 

Đại diện Agoda cho biết bốn xu hướng công nghệ mà mạng lưới này đang tập trung phát triển là nội dung đa chiều, tăng tính tương tác, cập nhật theo thời gian thực và kết hợp con người với công nghệ. Trong khuôn khổ Ngày du lịch trực tuyến, VITA và VECOM đã ký kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời, VITA cũng ký thỏa thuận hợp tác với mạng xã hội video TikTok.

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn