Rất nhiều sân bay trên thế giới bị bỏ hoang, chìm vào quên lãng. Dưới đây là 8 sân bay không còn được sử dụng, khiến nhiều người sợ hãi khi ghé thăm, theo thống kê của “The Sun”.
Sân bay quốc tế Nicosia (Síp): Được xây dựng vào những năm 1930 nhằm mục đích phục vụ quân sự, Nicosia sau đó trở thành sân bay quốc tế, đón 800.000 hành khách mỗi năm. Ngày nay, nơi đây bị bỏ hoang, cơ sở hạ tầng mục nát và không ai được xâm nhập vào khi chưa có sự cho phép của chính quyền địa phương. |
Sân bay trung tâm Ciudad Real (Tây Ban Nha): Ciudad Real, hay còn gọi Don Quijote, là sân bay tư nhân đầu tiên ở Tây Ban Nha, vận chuyển 10 triệu khách du lịch mỗi năm. Sau khi tốn gần 1,2 tỷ USD để xây dựng, năm 2012, nơi đây phá sản và bị bỏ hoang. Năm 2015, Ciudad Real được mua với giá gần 9.000 USD. |
Berlin Tempelhof (Đức): Berlin Tempelhof từng được Đức Quốc xã tiếp quản và sử dụng làm sân bay. Năm 2008, phi trường này chính thức ngừng hoạt động và hiện là không gian công cộng để trượt ván, trượt patin… |
Sân bay Croydon (Anh): Croydon là sân bay quốc tế đầu tiên trên thế giới sử dụng kiểm soát không lưu. Do diện tích quá nhỏ, lượng hành khách đông, sân bay phải đóng cửa vào năm 1959 và hiện là khách sạn và bảo tàng. |
Sân bay quốc tế Khải Đức (Hong Kong, Trung Quốc): Xây dựng vào năm 1925, với địa hình bao quanh bởi các dãy núi, hồ nước và những căn hộ cao chót vót, Khải Đức là một trong những sân bay hạ cánh đáng sợ nhất thế giới. Nơi đây đã đóng cửa vào năm 1998. |
Sân bay quốc tế Ellinikon (Hy Lạp): Ellinikon từng là sân bay quốc tế của Hy Lạp trong hơn 60 năm. Phi trường này từng là nơi sử dụng cho Thế vận hội Olympic 2004. Từ năm 2001, sân bay đóng cửa và trở thành nhà ở của người vô gia cư. |
Sân bay quốc tế Yasser Arafat (Dải Gaza): Nằm ở Dải Gaza thuộc Trung Đông, sân bay Yasser Arafat chính thức hoạt động vào năm 1998 với sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Sân bay bị bỏ hoang khi các vụ đánh bom liên tiếp phá hủy nơi đây. |
Sân bay Jaisalmer (Ấn Độ): Jaisalmer là một trong những sân bay bị bỏ hoang mới nhất tại Ấn Độ. Phi trường được xây dựng vào năm 2013 với chi phí hơn 13 triệu USD nhưng chưa từng đi vào hoạt động, khiến các thiết bị máy móc bám đầy bụi. |
Nguồn: News.zing.vn