88 ngày ác mộng của phượt thủ mơ kiếm tiền ở Australia

0
88 ngày ác mộng của phượt thủ mơ kiếm tiền ở Australia

Hàng năm phượt thủ từ khắp nơi trên thế giới bắt những chuyến bay đường dài tới Australia. Để đủ điều kiện xin thị thực thêm một năm tại đây, người nước ngoài cần hoàn thành một công việc bắt buộc trong 88 ngày.

Phillip Kopp, 20 tuổi, ôm mộng trở lại Australia kể từ chuyến rong ruổi khắp xứ sở kangaroo cùng cha mẹ thuở mới lên 5. Tốt nghiệp cấp 3, Phillip quyết định tới lúc thực hiện giấc mơ ngày nào. Anh đặt vé máy bay tới Australia, với dự tính dành “năm trống” để làm việc và du lịch nước ngoà. (sinh viên Âu – Mỹ thường dành một năm sau khi tốt nghiệp để đi du lịch, họ gọi đó là gap year – năm trống).

Phillip (trái) ở Australia. Ảnh: News.

Phillip (trái) ở Australia. Ảnh: News.

Nhưng hy vọng của chàng trai 20 tuổi lụi tắt ngay trong ngày đầu tiên tới một nông trại anh đào tại Griffith, New South Wales. Thay vì trả theo giờ, ông chủ tính lương với giá 1 AUD (16.500 đồng) cho mỗi kg anh đào Phillip hái.

Theo Phillip, các trung tâm môi giới việc làm cũng tính phí cung cấp việc làm cho các phượt thủ. “Họ bắt chúng tôi phải trả một khoản tiền khổng lồ cho tiền xe cộ, phí môi giới mà không báo trước. Họ trừ trực tiếp vào lương của chúng tôi”, anh phản ánh.

Mildura là một thị trấn nông sản tại Victoria, nơi các phượt thủ thường xuyên tìm việc hái trái cây. Họ khẳng định một cặp vợ chồng nhà thầu tại quận Sunraysia nợ hơn 48 lao động khoảng 30.000 AUD (hơn 495 triệu đồng) từ tháng 11/2018 đến tháng 1 năm nay. Valerie Fonoilaepa và Paulo Ropi bị tố cáo trả công thấp hơn mức tối thiểu. 

Selina Frey, 19 tuổi, đến từ Đức, tố hai người này nợ 237 AUD (3,9 triệu đồng) cho 10 giờ làm trong nông trại ớt hồi tháng 12 năm ngoái. Do không có phiếu trả lương xác nhận thời gian làm việc, Selina không thể xin cấp visa ở lại Australia thêm một năm và buộc phải trở về Đức sớm hơn dự định.

“Sau tất cả, tôi quyết định không làm việc trong nông trại nữa. Tôi chỉ được trả công cho 38 ngày làm việc. Cách họ đối xử với những phượt thủ nước ngoài như chúng tôi thật tồi tệ”, Selina nói.

Hái ớt trong nông trại ở Mildura. Ảnh:   News.

Hái ớt trong nông trại ở Mildura. Ảnh: News.

Valerie Fonoilaepa và Paulo Ropi phủ nhận những cáo buộc trên và khẳng định có thể in sao kê tài khoản ngân hàng để chứng minh. Tuy nhiên, qua kiểm tra giấy tờ đăng ký, Fair Work Ombudsman, tổ chức giám sát công bằng lao động tại Australia, cho biết Paulo Ropi phải thanh toán khoản nợ lương.

Nhiều phượt thủ đòi nhà thầu trả lương đã nhận lại vô số tin nhắn đe dọa tố cáo họ với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh vì không có visa lao động hợp lệ. Điều kiện sống để làm việc ở các trang trại của phượt thủ cũng tồi tàn: phòng ngủ chật chội, thiếu thức ăn, nước uống trong khi các phượt thủ gần cạn tiền.

Chủ nông trại ớt đã làm ăn với vợ chồng Fonoilaepa từ năm 2008, nói, ông không hay biết những lao động nước ngoài do đối tác môi giới đều không có giấy tờ hợp pháp. Ông chỉ trả tiền theo dịch vụ do vợ chồng Fonoilaepa cung cấp và ngừng hợp tác khi biết chuyện gì thực sự xảy ra.

Thu hoạch trái cây là nghề nhiều phượt thủ chọn để thực hiện đủ điều kiện xin visa thêm một năm ở Australia. Ảnh: Backpacker Jobs Australia.

Thu hoạch trái cây là nghề nhiều phượt thủ chọn để thực hiện đủ điều kiện xin visa thêm một năm ở Australia. Ảnh: Backpacker Jobs Australia.

Nhiều phượt thủ được thuê hái sung ở Coomealla, New South Wales cũng tố cáo hai nhà thầu nợ tiền và phiếu trả lương từ tháng 12 năm ngoái. Những chủ nông trại trồng sung thuê Fonoilaepa và Ropi môi giới từ chối trả lời báo chí về vấn đề này.

Cùng với những lao động nước ngoài, các chủ khách sạn và người địa phương cũng cho biết cặp vợ chồng trên này chưa thanh toán nhiều khoản nợ từ năm 2014. 

Bảo Ngọc (Theo News)

Nguồn: Vnexpress.net