Á hậu sinh năm 1988 cho biết cô bình tĩnh khi đi vào khu cách ly, lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.
Tâm sự với Zing, Hoàng My cho biết sau hơn một tháng làm tình nguyện viên da tay cô bị tróc, da mặt bị sần và giảm cân vì mệt mỏi. Tuy nhiên, cô cảm thấy vui khi được cống hiến và làm việc ý nghĩa vì người dân TP.HCM.
Trưởng thành hơn khi làm tình nguyện viên
– Động lực nào khiến Hoàng My quyết định tham gia đội tình nguyện viên, hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và giúp người dân TP.HCM?
– Đăng ký làm tình nguyện viên, tôi chỉ muốn góp một chút công sức, chung tay cùng mọi người chống dịch. Điều kiện của người tình nguyện viên là sống một mình, có sức khỏe và tài chính không quá vất vả. Tôi nghĩ mình đủ nên tham gia thôi.
Trước đây, tôi làm công việc điều phối người đến xét nghiệm, tiêm vaccine. Bây giờ, tôi đi siêu thị giúp dân, đến khu phong tỏa lấy mẫu xét nghiệm.
Tôi cứ làm việc thôi, cũng không biết khi nào tới lượt mình bị Covid-19. Gần đây, dịch quá phức tạp, lây nhanh. Dù đi siêu thị mua đồ giúp dân hay đến các khu phong tỏa lấy mẫu đều có thể bị lây nhiễm nếu không cẩn trọng.
Hoàng My đến khu phong tỏa tại quận 1 lấy mẫu xét nghiệm. . |
– Gia đình nói gì khi chị đăng ký làm tình nguyện viên, tiếp xúc với không ít F0?
– Khi làm tình nguyện, cứ 3 ngày, tôi đều xét nghiệm một lần để đảm bảo an toàn cho bản thân, cộng đồng. Mẹ rất tôn trọng quyết định của tôi. Ban đầu, mẹ tôi cũng hơi lo. Nhưng người lớn tuổi hình như có cái nhìn thoáng, không quá lo sợ nên mẹ ủng hộ tôi. Mỗi ngày, bà đều mang đồ ăn cho con gái như một cách động viên tinh thần.
Hôm nào, tiếp xúc với nhiều F0, tôi nhắc mẹ không đứng gần, để đồ ăn rồi đi về.
– Tiếp xúc với gần với người dân, chị đánh giá ý thức chống dịch của mọi người thế nào?
– Những mối quan hệ trước của tôi đa số là người có điều kiện, học thức, cách cư xử và lối sống khác. Đây là lần đầu tôi dấn thân sâu vào cuộc sống, tiếp xúc và nói chuyện với các tầng lớp trong xã hội.
Khi làm tình nguyện viên điều phối việc xét nghiệm và tiêm vaccine, tôi thấy nhiều người hành xử thiếu bình tĩnh. Khi phải chờ đợi lâu trong nắng nóng, họ nổi đóa. Có những người đàn ông nổi nóng như muốn đánh mình luôn.
Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều người hiền lành, ấm áp, hành xử khiến mình ấm lòng. Tôi nghĩ bất cứ thành phần nào trong xã hội cũng đều có người này người kia. Có bác lớn tuổi trân trọng, cảm ơn sự giúp đỡ của tình nguyện viên khiến tôi rất vui. Dù khi đi làm, tôi hoàn toàn không kỳ vọng người ta cảm ơn mình đâu.
– Với người giận dữ, nổi nóng, chị phản ứng ra sao?
– Tiếp xúc với người có cách hành xử giống mình, tôi thấy đó là điều hiển nhiên. Vì vậy, gặp những người cư xử không bình tĩnh, tôi cũng nóng chứ. Nhưng sau đó, thấy nhiều người cực khổ, tôi lại thương sự không hiểu biết của họ và không bực nữa.
Và tôi nhận ra, khi mình im lặng hoặc nói nhẹ nhàng, bản thân sẽ đỡ mệt hơn.
Đối diện với nhiều người trong xã hội, tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn. Tôi học được một điều, với những người chưa hiểu mình nên kiên nhẫn.
Tôi cũng nhìn thấy hình ảnh ba mẹ mình ở trong đó. Vì họ sống khác hoàn cảnh, thế hệ nên cư xử, suy nghĩ cũng khác mình. Do đó, tôi cảm thông hơn với họ.
Không còn cảm giác sợ khi tiếp xúc với F0
– Cảm giác của chị khi gỡ dây phong tỏa, đi vào những khu cách ly để lấy mẫu xét nghiệm thế nào?
– Ban đầu, đến những khu có F0, tôi cũng sợ co rúm người lại. Sau đó, đến nhiều khu phong tỏa hơn, tiếp xúc với nhiều F0, dường như tôi cũng miễn nhiễm với cảm giác sợ. Một phần tôi yên tâm hơn vì mình mang đồ bảo hộ, che chắn kỹ càng.
Á hậu cho biết cô đã miễn nhiễm với nỗi sợ khi tiếp xúc với F0. |
– Chị bảo vệ bản thân ra sao khi thường xuyên tiếp xúc với F0?
– Tôi uống Vitamin C, thực phẩm bổ sung hàng ngày. Sau mỗi ngày làm việc, tôi đều khử khuẩn rồi mới cởi đổ. Tiếp đó, lại khử khuẩn thêm một lần nữa. Chúng tôi thường nói với nhau rằng tắm cồn mỗi ngày. Vì thế, da tay tôi bị tróc, da mặt cũng bị sần. Khi về nhà, tôi cởi đồ, tắm giặt ngay. Tôi cũng khử khuẩn các vật dụng và lấy cồn xịt khắp nhà.
– Á hậu khi đi làm tình nguyện viên khác gì với mọi người?
– Thực ra tôi nghĩ mình bình thường như bao người khác. Tôi không quan tâm mọi người nói gì, nghĩ gì, việc mình thì cứ bình tâm làm thôi. Đối với tôi, ai làm tình nguyện viên với mục đích gì cũng đều phải chịu cực và vượt qua nỗi sợ chết. Tôi nghĩ mỗi người đều hiểu giá trị và sự cống hiến của mình thế nào.
– Chị từng chia sẻ kế hoạch đi và sống ở nhiều nước trên thế giới. Sau dịch, kế hoạch đó liệu có thay đổi?
– Tôi mong hết giãn cách, dịch sớm được kiểm soát để có thể đi được nhiều nơi. Đợt dịch này đã thay đổi mọi kế hoạch của tôi. Trước tôi muốn đi và sống ở nhiều nơi trên thế giới. Đợt này, tôi cảm thấy gắn bó với Việt Nam hơn. Việc làm tình nguyện viên khiến tôi thấy mình được cống hiến.
Sau này, tôi cũng mong được kết nối với những người chung tư tưởng để làm được nhiều việc xã hội hơn.
Hoàng My cùng đoàn tình nguyện vào khu phong tỏa lấy mẫu. |
– Việc chị tham gia các lớp học về điện ảnh, cũng là bước chuẩn bị dấn thân với phim ảnh sắp tới?
– Trong thời gian dịch, tôi học một khóa 5 tuần về viết kịch bản. Đây là khóa học mà tôi nhận được học bổng nên không dại gì từ bỏ. Chính việc học khiến cuộc sống của tôi thêm thú vị và có nhiều kiến thức mới.
Về việc làm phim điện ảnh, tôi không lên kế hoạch mà để mọi thứ tùy duyên. Hiện tại, tôi có mối quan hệ với nhiều nhà làm phim nên có thể lửa gần rơm lâu ngày sẽ cháy.
Nguồn: News.zing.vn