
Theo luật sư, nhân viên trực tiếp tiêm phòng cùng lãnh đạo quản lý đơn vị sẽ là những người phải chịu trách nhiệm chính. Tùy thuộc hậu quả, họ sẽ bị xử lý ở các mức độ khác nhau.
Ngày 3/11, Trạm Y tế xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội), tổ chức tiêm chủng cho các cháu 1-6 tháng tuổi. Quá trình tiêm chủng, 18 cháu đã bị tiêm nhầm vaccine Covid-19 của hãng Pfizer. Sau đó, những em nhỏ này đã được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để chăm sóc, theo dõi.
UBND huyện Quốc Oai thừa nhận đây là sự cố rất nghiêm trọng và đã yêu cầu tạm đình chỉ các cán bộ y tế liên quan tới sự việc để xem xét trách nhiệm, rà soát lại quy trình tiêm chủng cho trẻ em.
Trong trường hợp 18 em nhỏ bị tiêm nhầm vaccine gặp vấn đề về sức khỏe, các cán bộ này có thể bị xử lý ra sao?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp – Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa
Sự việc xảy ra do lỗi vô ý, xuất phát từ ý thức cẩu thả, chủ quan của các nhân viên y tế cũng như lãnh đạo. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự việc, những người liên quan sẽ bị áp dụng biện pháp xử lý phù hợp.
Với những động thái ban đầu từ chính quyền địa phương, chắc chắn các cán bộ, nhân viên y tế xã Yên Sơn sẽ bị xử lý kỷ luật, bất chấp hậu quả sự việc ra sao. Các biện pháp áp dụng đối với họ có thể là khiển trách, cảnh cáo hoặc buộc thôi việc.
![]() |
Cổng khoa cấp cứu Bệnh viện Xanh Pôn, nơi tiếp nhận 18 em nhỏ bị tiêm nhầm vaccine. Ảnh: Quốc Vương. |
Dưới góc độ hành chính, căn cứ Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi tiêm nhầm vaccine cho trẻ nhỏ của các cán bộ, nhân viên y tế có thể được xếp vào nhóm hành vi Không tiêm chủng đúng chỉ định, không bảo đảm an toàn trong khi tiêm chủng.
Theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 9 Nghị định này, người vi phạm sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.
Về các hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức vi phạm sẽ bị đình chỉ toàn bộ hoặc một phần hoạt động trong thời gian 1-3 tháng còn cá nhân vi phạm có thể bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian tương tự.
Trường hợp hành vi tiêm nhầm vaccine dẫn đến hậu quả chết người, những nhân viên trong tổ tiêm chủng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong 2 tội danh. Đó là Vô ý làm chết người (Điều 128) hoặc Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 129 Bộ luật Hình sự 2015).
Tùy thuộc các tình tiết định khung, mức án nặng nhất dành cho 2 tội danh này lần lượt là 10 và 15 năm tù.
Bên cạnh đó, nếu tình huống này xảy ra, cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, phụ trách đơn vị, mà cụ thể ở đây là Trạm Y tế xã Yên Sơn. Nếu có đủ chứng cứ cho thấy vị lãnh đạo đã chủ quan, tắc trách, thực hiện không đúng nhiệm vụ theo quy trình được giao, họ có thể bị xử lý về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015. Khung hình phạt nặng nhất với tội danh này là 7-12 năm tù.
Dưới góc độ dân sự, các cá nhân liên quan có trách nhiệm chi trả tiền viện phí, khám chữa bệnh cùng chi phí liên quan cho gia đình các cháu bé. Trường hợp sức khỏe của các cháu bị ảnh hưởng do bị tiêm nhầm vaccine, những người liên quan sẽ phải bồi thường một khoản chi phí hợp lý do hành vi thiếu trách nhiệm của mình gây ra. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, dựa trên Bộ luật Dân sự 2015.
Nguồn: News.zing.vn