Luật sư cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của tài xế và đơn vị quản lý. Nếu có lỗi, những người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về một trong 3 tội danh.
Trưa 22/11, ôtô 16 chỗ do tài xế Lèo Văn Xịch (46 tuổi, ở huyện Sông Mã, Sơn La) điều khiển chở 19 học sinh sau giờ tan trường. Khi lưu thông, cửa xe bị bung chốt khiến 2 học sinh văng khỏi ôtô, một nạn nhân tử vong tại chỗ, còn một em bị thương nhẹ.
Lãnh đạo Ban An toàn giao thông tỉnh Sơn La cho biết tài xế Xịch chưa có giấy phép lái xe phù hợp với loại ôtô điều khiển. Phương tiện do Công ty TNHH Du lịch và thương mại Phú An ký hợp đồng với ông Sầm Văn Hướng (ở xã Chiềng Sơ, Sông Mã) vận chuyển hành khách hàng ngày theo lộ trình từ xã Chiềng Sơ đến trường THCS Chiềng Sơ và ngược lại.
Theo dõi sự việc, nhiều người đặt câu hỏi ai phải chịu trách nhiệm với phụ huynh của các học sinh trong trường hợp này?
Chiếc xe gặp sự cố khiến một học sinh tử vong. Ảnh: M.C. |
Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị) nhận định cần xác định nguyên nhân khiến cửa xe bị bung chốt, từ đó đánh giá ai có lỗi và ai phải chịu trách nhiệm pháp lý trong tình huống này. Có 3 trường hợp có thể xảy ra.
Thứ nhất, nguyên nhân cửa xe bung có thể do các em đùa nghịch, xô đẩy hoặc vặn, ấn cửa. Nếu tình huống này xảy ra, cơ quan chức năng cần làm rõ có hay không yếu tố lỗi của các học sinh trên xe.
Thứ hai, nếu lái xe không tuân thủ quy tắc về việc giảm tốc độ khi vào đoạn đường cua, có địa hình dốc khiến cửa bung, kết hợp với việc chưa có giấy phép lái xe phù hợp thì cần xem xét trách nhiệm pháp lý của người này. Nếu bị xác định có lỗi, tài xế Xịch có thể phải chịu trách nhiệm về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.
Thứ ba, đơn vị điều động xe đã không kiểm tra độ an toàn của ôtô trước khi giao cho tài xế. Nếu đây là nguyên nhân khiến xe bung chốt cửa dù di chuyển trong điều kiện bình thường, không bị tác động của ngoại lực chủ ý, cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm của người trực tiếp điều động hoặc giám sát tình trạng kỹ thuật của phương tiện. Khi xác định có lỗi, họ có thể bị xử lý về tội Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn theo Điều 262 Bộ luật Hình sự 2015.
Trong khi đó, thạc sĩ Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) đánh giá cần tập trung làm rõ trách nhiệm của tài xế Xịch trong vụ việc này.
“Anh Xịch không có giấy phép lái xe theo quy định, khi điều khiển ôtô vào cua thì cánh cửa bung khiến 2 học sinh văng ra ngoài. Có thể nhận định tài xế này đã không kiểm soát được tay lái, không làm chủ được tốc độ khi vào cua dẫn tới hậu quả chết người. Nếu anh ta kiểm soát được tốc độ, dù cánh cửa bị bung khi tới khúc cua, chưa chắc các học sinh đã văng ra ngoài”, luật sư Giáp nhận định.
Với nhận định này, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa đánh giá tài xế có thể bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ với tình tiết định khung “không có giấy phép lái xe” theo quy định ở điểm a, Khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. Khung hình phạt được áp dụng là 3-10 năm tù.
Đối với đơn vị quản lý tài xế và phương tiện, nếu đủ căn cứ xác định lãnh đạo hoặc cá nhân có trách nhiệm liên quan biết rõ việc tài xế Xịch không đủ điều kiện lái xe 16 chỗ nhưng vẫn điều động người này lái ôtô gây hậu quả thiệt hại về người, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo Điều 263 Bộ luật Hình sự 2015.
Với tình tiết làm chết một người, người phạm tội đối diện mức án tối đa là 3 năm tù.
Nguồn: News.zing.vn