Nguyên nhân xuất phát từ hành vi cẩu thả, thiếu trách nhiệm và vi phạm quy tắc nghề nghiệp của tài xế ôtô đưa đón. Trách nhiệm trực tiếp thuộc về lái xe và phụ xe (nếu có).
Liên quan vụ nam sinh lớp 6 trường THCS Ama Trang Lơng tử vong sau tai nạn, Công an huyện Krông Năng (Đắk Lắk) nhận định nguyên nhân do tài xế ôtô đưa đón quên đóng cửa xe. Khi tài xế đánh lái, nạn nhân ngã ra ngoài rồi bị phương tiện này cán tử vong.
Vậy, trách nhiệm trong vụ chết người này thuộc về ai? Cơ quan chức năng xử phạt ra sao đối với người vi phạm?
Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn luật sư Hà Nội
Sự việc xảy ra để lại hậu quả thương tâm, là mất mát rất lớn đối với gia đình nam sinh lớp 6. Nguyên nhân xuất phát từ hành vi cẩu thả, thiếu trách nhiệm và vi phạm quy tắc nghề nghiệp của tài xế ôtô đưa đón. Trách nhiệm trực tiếp thuộc về lái xe và nhân viên phục vụ trên xe (nếu có).
Vụ tai nạn còn cho thấy doanh nghiệp hoặc cá nhân sở hữu phương tiện liên quan (nếu có) có thể không thường xuyên tổ chức tập huấn, phổ biến các quy tắc, kỹ năng đưa đón học sinh cho tài xế và phụ xe.
Ngoài ra, nhiều khả năng nhà trường đã tùy tiện trong việc lựa chọn, ký hợp đồng với một nhà xe không đủ năng lực, thiếu chuyên môn khi làm việc trong lĩnh vực đưa đón học sinh.
Cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ, hình ảnh, đồ vật, phương tiện, lời khai của những người liên quan để xác định nguyên nhân, đánh giá tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi.
Căn cứ nhận định của Công an huyện Krông Năng, tài xế và phụ xe (nếu có) có thể bị xem xét xử lý về các hành vi Vô ý làm chết người hoặc Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính. Khung hình phạt gồm cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù lên đến 12 năm.
Nếu đủ căn cứ, nhà xe và nhà trường có thể bị xem xét trách nhiệm bồi thường cho phía gia đình học sinh, theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015. Các chi phí bồi thường gồm: Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, chi phí hợp lý cho việc mai táng và những tổn thất về tinh thần.
Để tránh vụ việc tương tự, các nhà trường cần chọn những nhà xe có đủ năng lực trong việc đưa đón học sinh. Tài xế và nhân viên phục vụ trên xe cũng phải được tập huấn thường xuyên về chuyên môn, kỹ năng ứng phó các tình huống rủi ro có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý địa phương cần thường xuyên theo dõi, giám sát việc ký kết giữa các cơ sở giáo dịch với nhà xe; phổ biến nội quy khi lên và xuống xe cho học sinh.
Nguồn: News.zing.vn