Akhyar Rashid đã ghi bàn và mang về quả phạt đền giúp Malaysia lên đầu bảng AFF Cup 2020.
Không phải Guilherme de Paula, ngôi sao nhập tịch duy nhất trong đội hình, cũng không phải Safawi Rasid, Syafiq Ahmad hay bất cứ cây săn bàn chủ lực nào khác, Muhammad Akhyar bin Abdul Rashid được nhắc đến nhiều nhất sau chiến thắng 3-1 của tuyển Malaysia trước Campuchia hôm 6/12.
Sinh năm 1999, Akhyar Rashid là cầu thủ trẻ nhất ra sân trong đội hình xuất phát. Pha xử lý kỹ thuật khiến đối thủ phạm lỗi trong vùng cấm, cú dốc bóng phản công loại bỏ 2 hậu vệ trước khi cứa lòng vào góc xa khung thành Campuchia là 2 lần Akhyar Rashid mang về bàn thắng cho tuyển Malaysia.
Màn trình diễn ấy giúp cầu thủ 22 tuổi nhận danh hiệu Cầu thủ hay nhất trận và được nhắc đến nhiều trên báo chí Malaysia. Nhưng 3 năm trước, Akhyar Rashid đã xuất hiện ở sân chơi AFF Cup, sau gần thời gian làm mưa làm gió ở các giải trẻ khu vực và châu lục.
Akhyar Rashid tỏa sáng giúp Malaysia thắng 3-1 Campuchia ở lượt đầu bảng B AFF Cup 2020. Ảnh: FAM. |
Trước khi được HLV Tan Cheng Hoe triệu tập lên tuyển quốc gia lần đầu, Akhyar Rashid đã dự 4 giải đấu khác nhau trải dài ở các cấp độ U19, U23 và Olympic.
Vòng chung kết U23 châu Á 2018 là giải đấu thành công của U23 Việt Nam với lứa 1995-1996. U23 Malaysia cũng xuất hiện ở giải đó, với đội hình có đến gần nửa danh sách là những cầu thủ từ 20 tuổi trở xuống. Akhyar Rashid nằm trong số đó, đá chính 3 trận, giúp U23 Malaysia vào tứ kết khi mục tiêu ban đầu chỉ là học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.
Akhyar Rashid tiếp tục xuất hiện trong đội hình Olympic Malaysia dự Asian Games 7 tháng sau đó. Anh đá chính 3 trận, cùng đội vượt qua vòng bảng có Hàn Quốc, Bahrain, tiến vào vòng knock-out trước khi chịu thua Nhật Bản với tỷ số tối thiểu.
Lukman Hakim (sinh năm 2002) được ví như thần đồng, gây chú ý khi chơi bóng ở châu Âu thì ở trong nước, Akhyar Rashid là ngôi sao sáng nhất lứa 1999. Năm 2018, Akhyar Rashid đã được đá 17 trận ở giải bóng đá chuyên nghiệp cao nhất Malaysia trong màu áo Kedah.
Nhận ra tiềm năng của Akhyar Rashid, đội bóng giàu thành tích nhất Malaysia Johor Darul Tazim (JDT) không thể ngồi yên. Họ chiêu mộ cầu thủ này từ Kedah bằng mọi giá, chấp nhận bị kiện do vướng phải rắc rối về thủ tục chuyển nhượng. Nhưng JDT đã không nhìn nhầm người. Năm 2019, Akhyar Rashid giành danh hiệu Cầu thủ trẻ hay nhất Malaysia Super League, sau 19 trận ra sân cho JDT.
Một suất lên tuyển là điều được báo giới Malaysia cho là thuyết phục, khi Akhyar Rashid được HLV Tan Cheng Hoe điền tên vào danh sách dự AFF Cup 2018. Akhyar Rashid chơi 6 trận, trong đó có 1 trận đá chính trước tuyển Việt Nam ở vòng bảng, trước khi vào sân đều đặn từ ghế dự bị trên con đường vào chung kết của tuyển Malaysia.
Cách sử dụng Akhyar Rashid cho thấy HLV Tan Cheng Hoe không hề vội vàng với những tài năng trẻ. Ông tiếp tục mang cầu thủ này theo đội tuyển ở nhiều giải đấu lớn tiếp theo như Asian Cup 2019 và vòng loại World Cup 2022. Mỗi chiến dịch, Akhyar Rashid đều được đá chính ít nhất 1 trận.
Người hâm mộ Việt Nam có lẽ không quên hình ảnh Akhyar Rashid đỡ Đỗ Duy Mạnh đứng dậy sau pha va chạm trong trận đấu giữa hai đội ở cuối vòng loại thứ hai World Cup 2022. Những cuộc cọ xát với các đối thủ tại sân chơi châu lục giúp Akhyar Rashid trưởng thành rất nhiều.
Tuyển Malaysia ở kỷ nguyên Tan Cheng Hoe không chỉ gây ấn tượng bởi lối đá tấn công hoa mỹ, nó còn cho thấy đường lối rõ ràng trong việc phát triển các cầu thủ trẻ. Giữa những khó khăn bộn bề và tổn thất lực lượng trong quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2020, sự xuất hiện của Akhyar Rashid đã báo hiệu điều gì đó tươi mới ở tuyển Malaysia lần này.
Không còn nhiều cầu thủ nhập tịch và Mã kiều, đã đến lúc Malaysia trình làng những cầu thủ bản địa trẻ trung và khao khát cống hiến.
Nguồn: News.zing.vn