Ăn chặn tiền hỗ trợ người nghèo đợt dịch, kẻ vi phạm bị xử lý ra sao?

0
95

Kẻ chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự, nếu giá trị tài sản chiếm đoạt trên 1 tỷ đồng thì hình phạt là án tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Công an quận Bình Tân (TP.HCM) vừa khởi tố Phan Thanh Minh (Phó trưởng Khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa B) về tội Tham ô tài sản. Cảnh sát cáo buộc ông Minh đã ăn chặn tiền từ các gói hỗ trợ cho người dân khó khăn ở khu phố này vì dịch Covid-19.

Với việc bị khởi tố tội danh về tham ô, bị can trên sẽ bị xử lý như thế nào?

Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Tân khởi tố Phan Thanh Minh về tội Tham ô tài sản, theo Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 là có căn cứ. Bởi hành vi của bị can đã tác động đến tài sản mà người này có trách nhiệm quản lý. Đó là tài sản của Nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân phân phát đến nhóm đối tượng nằm trong diện được hỗ trợ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tham ô tài sản là tội phạm có tính chất chiếm đoạt, người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

An chan tien ho tro anh 1

Theo luật sư, mọi hành vi chiếm đoạt tiền – hàng cứu trợ cần bị xử lý nghiêm. Ảnh minh họa: Hải Nam.

Ở tội danh này, người vi phạm chỉ cần chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2 triệu đồng trở lên là có thể bị xử lý hình sự. Nếu giá trị tiền – hàng chiếm đoạt trên 1 tỷ đồng thì hình phạt là án tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Đối với vụ án xảy ra tại quận Bình Tân, cơ quan điều tra sẽ đánh giá tính chất, mức độ và hậu quả hành vi, giá trị số tiền – hàng mà bị can chiếm đoạt để xem xét khung tội danh.

Bị can thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền – tài sản được dùng vào mục đích “cứu trợ người dân trong diện bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19”, tức là đã xâm phạm đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, bị can có thể bị xem xét tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm đ, khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015, khung hình phạt 7-15 năm tù.

Ngoài ra, người thực hiện hành vi đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn và lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để phạm tội, nên sẽ bị xem xét các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ Luật Hình sự 2015.

Vụ án là bài học cảnh tỉnh cho các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp nhận và phân phát tiền, hàng cứu trợ người gặp khó khăn do dịch bệnh. Hành vi chiếm đoạt tiền – hàng cứu trợ gây bức xúc trong nhân dân, rất đáng bị lên án. Cần xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn