Số thuốc điều trị Covid-19 này sẽ được các hãng dược phẩm của Ấn Độ cung cấp cho Việt Nam trong vòng 30 ngày tới.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã thành lập “Nhóm phản ứng nhanh về thuốc và Vaccine”.
Nhóm này huy động Thương vụ, cán bộ phụ trách kinh tế của Đại sứ quán, phòng khoa học công nghệ và lực lượng chủ chốt vào cuộc đàm phán với các hãng dược phẩm Ấn Độ về việc cung cấp thuốc điều trị Covid-19 cho Việt Nam.
Sau thời gian làm việc với rất nhiều công ty dược phẩm lớn ở Ấn Độ như Hetero, Dr. Reddy, Cipla, Jubilant, Mylan, Zydus và Cadila… các doanh nghiệp này cam kết sẽ cung cấp cho Việt Nam khoảng 1 triệu liều thuốc điều trị Covid 19 Remdesivir trong vòng 30 ngày tới.
Theo kinh nghiệm từ Ấn Độ, để kiềm chế đại dịch Covid 19 nhanh và hiệu quả, bên cạnh việc đẩy nhanh công tác tiêm vaccine, việc tìm thuốc điều trị khẩn cấp cho bệnh nhân nặng cũng đóng vai trò quan trọng.
Trong các buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương Ấn Độ, quốc gia này cho biết sẽ xem xét tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục xuất khẩu.
Do đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh và gây ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của người dân Ấn Độ hồi cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm nay, Chính phủ nước này đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu thuốc điều trị Covid-19. Quyết định này sau đó được nới lỏng thành hạn chế xuất khẩu vào ngày 14/6.
Đại sứ Phạm Sanh Châu làm việc với đại diện Bộ Công Thương Ấn Độ. Ảnh: MOIT. |
Để được xuất khẩu, doanh nghiệp cần hoàn thiện thủ tục tại Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ hoặc các văn phòng đặt tại các trung tâm kinh tế lớn.
“Việc sớm mua được thuốc biệt dược cần thiết từ Ấn Độ hy vọng sẽ giúp chúng ta sớm kiềm chế và chiến thắng đại dịch Covid-19”, Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ.
Trả lời trước Quốc hội Ấn Độ ngày 3/8, ông Mansukh Mandaviya, Bộ trưởng Bộ Y tế nước này cho biết năng lực sản xuất thuốc Remdesivir đã tăng mạnh từ 3,8 triệu liều/tháng vào thời điểm tháng 4, lên 12,25 triệu liều trong tháng 6. Trong đó, số nhà máy được cấp phép sản xuất cũng tăng từ 22 nhà máy hồi tháng 4 lên 62 nhà máy vào thời điểm hiện tại.
Trong nước, Bộ Y tế cũng đang tiến hành các bước để cấp phép cho một số loại thuốc điều trị Covid-19.
Mới đây nhất, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế sẽ sớm cấp phép, đưa thuốc Remdesivir vào phác đồ điều trị. Cơ quan này giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cùng các chuyên gia nghiên cứu, đưa ra hướng dẫn.
Remdesivir được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt từ cuối tháng 10/2020 để điều trị bệnh nhân Covid-19. Hiện hơn 50 quốc gia cũng sử dụng thuốc này trong phác đồ điều trị.
Cùng với đó, các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng chống Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 17,6 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik-V, Sinopharm.
Bộ Y tế đã phân bổ hơn 16 triệu liều vaccine theo 16 đợt cho các địa phương, bộ ngành, đơn vị. Tính tới sáng 2/8, cả nước đã có gần 6,5 triệu liều vaccine đã được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân. Trong đó có gần 660.000 người đã tiêm đủ 2 mũi.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn