(TITC) – Chiều ngày 26/8/2019, tại Hà Nội, Bộ Du lịch Ấn Độ phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức chương trình xúc tiến du lịch “Một Ấn Độ diệu kỳ” nhằm trao đổi, giới thiệu thông tin các sản phẩm dịch vụ đa dạng của Ấn Độ đến với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam.
Quang cảnh buổi giới thiệu chương trình “Một Ấn Độ diệu kỳ”
Tham dự chương trình có ông Pranay Verma – Đại sứ nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam, ông Gyan Bhushan – Tổng vụ trưởng, Cố vấn kinh tế Bộ Du lịch Ấn Độ, ông Ngô Hoài Chung – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cùng các doanh nghiệp du lịch của hai nước Việt Nam – Ấn Độ và một số cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu tại chương trình, ông Pranay Verma – Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho biết ngành Du lịch Ấn Độ đang trên đà phát triển, khách du lịch nước ngoài tới Ấn Độ ngày càng tăng. Ấn Độ đón khoảng 10,56 triệu lượt khách nước ngoài vào năm 2018, tăng 5,2% so với năm 2017, trong đó có 31.427 khách đến từ Việt Nam, với mức tăng 32,21%. Theo báo cáo của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), Ấn Độ xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng Power Ranking và nhảy từ vị trí thứ 7 lên vị trí thứ 3 trong năm 2018.
Ông Pranay Verma – Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam phát biểu tại chương trình
Đại sứ Pranay Verma nhấn mạnh, Việt Nam và Ấn Độ có rất nhiều tiềm năng cùng sự tương đồng về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, bên cạnh đó cả hai nước đều là những quốc gia tại Châu Á đang tập trung phát triển du lịch, chính vì thế sẽ có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ, hợp tác, cùng phát triển trong lĩnh vực du lịch.
Ông Pranay Verma cho biết, trong 3 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng về trao đổi khách giữa hai nước trung bình khoảng 30%/năm. Năm 2018, trao đổi khách giữa hai nước đã đạt trên 163 nghìn lượt là chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, Ấn Độ đề ra mục tiêu tăng lượng khách du lịch từ Việt Nam, qua các cách tiếp cận đa chiều, bao gồm các chiến lược marketing chủ động trong quan hệ đối tác với các công ty du lịch.
Phát biểu tại chương trình, ông Ngô Hoài Chung – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây hợp tác du lịch Việt Nam – Ấn Độ phát triển mạnh, nhiều hoạt động hợp tác, xúc tiến du lịch trong khuôn khổ song phương và đa phương đã được triển khai hiệu quả, thu hút sự tham gia của các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch hai nước. Việt Nam trở thành điểm đến ngày càng phổ biến đối với khách du lịch Ấn Độ và Ấn Độ đã là một trong những điểm đến du lịch được nhiều người Việt Nam lựa chọn.
Ông Ngô Hoài Chung – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lich phát biểu tại chương trình
Ấn Độ được biết đến là một quốc gia nổi tiếng với các di sản thiên nhiên, văn hóa và tôn giáo phong phú đa dạng như kiến trúc của đền thờ, cung điện, pháo đài là những tác phẩm điêu khắc vĩ đại, có tính nghệ thuật cao.
Ông Ngô Hoài Chung cho rằng, năm 2018, trao đổi khách giữa hai nước đã đạt trên 163 nghìn lượt, trong đó, khách Việt Nam đi du lịch Ấn Độ hơn 31 nghìn lượt và khách Ấn Độ đến Việt Nam đạt trên 131 nghìn lượt. Với việc mở bán vé đường bay thẳng từ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đến Delhi bởi hãng hàng không VietJet Air từ ngày 19/8/2019 và việc Indigo – một trong những hãng hàng không lớn nhất của Ấn Độ chính thức khai trương đường bay thẳng Ấn Độ – Việt Nam dự kiến trong tháng 10/2019 sẽ tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa hai nước.
Tổng cục Du lịch Việt Nam đánh giá cao những hoạt động xúc tiến du lịch mà Bộ Du lịch Ấn Độ và Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức tại Việt Nam. Chương trình xúc tiến Du lịch Ấn Độ tại Hà Nội sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm, điểm đến du lịch phong phú, hấp dẫn, qua đó thông tin về Du lịch Ấn Độ sẽ đến gần hơn với du khách Việt, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp du lịch 2 bên gặp gỡ, trao đổi, hợp tác.
Trong khuôn khổ chương trình, ông Gyan Bhushan – Tổng vụ trưởng, Cố vấn kinh tế Bộ Du lịch Ấn Độ giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn của Ấn Độ. Là điểm đến của sự khám phá với văn hóa và di sản cổ đại, Ấn Độ có 38 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận là nơi thu hút lượng khách lớn từ khắp thế giới. Ấn Độ là cái nôi đầu tiên của Phật giáo, nơi hành hương của hàng ngàn Phật tử mỗi năm, với nhiều công trình di tích nổi tiếng như Lumbini, Nepal – nơi Đức Phật ra đời; Bodh Gaya – nơi Đức Phật thành đạo; Sarnath – nơi đầu tiên Đức Phật giảng pháp, Kushinagar – nơi Đức Phật nhập niết bàn…Ngoài ra, Ấn Độ còn có nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc như: du lịch mạo hiểm tại dãy núi Himalaya, du lịch sinh thái, du lịch khám chữa bệnh, du lịch đánh Golf, du lịch MICE, du lịch y tế, du lịch kết hợp với Yoga và du thuyền.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch Ấn Độ đã thực hiện nhiều chính sách nhằm thu hút khách du lịch như cơ chế cấp thị thực điện tử, hiện nay đang được áp dụng cho 169 quốc gia bao gồm Việt Nam và có giá trị tại 28 cửa khẩu hàng không và 5 cửa khẩu tại các cảng biển. Bộ Du lịch Ấn Độ cũng đã công bố một trang thông tin Ấn Độ Diệu kỳ – Incredible India mới và ứng dụng trên nền tảng di động trong đó quảng bá Ấn Độ như một điểm đến linh thiêng, xoay quanh những trải nghiệm quan trọng như tâm linh, di sản, mạo hiểm, văn hóa, yoga, khám chữa bệnh vv… An ninh và an toàn đối với du khách là một trong những quan tâm hàng đầu của Bộ Du lịch Ấn Độ thông qua việc triển khai đường dây nóng tư vấn 24/7 với nhiều loại ngôn ngữ khác nhau và miễn phí.
Tại chương trình, một số tiết mục văn nghệ truyền thống của Ấn Độ đã được biểu diễn giới thiệu tới các đại biểu.
Tin, ảnh: Hồng Thủy
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn