Ai đã từng du lịch sang Lào sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy các quán bán phở (và các món ăn tương tự như phở) gần như có mặt ở khắp nơi trên đất bạn.
Người Lào ưa thích và có thể ăn phở vào bất kỳ bữa ăn nào trong ngày. Du khách nước ngoài đến Lào cũng vậy.
Nếu có dịp thực hiện một chuyến đi dọc dài đất nước Triệu voi, từ Pakse ở Nam Lào đến Vientiane rồi lên Louang Prabang, Sam Nua ở Bắc Lào, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp những quán bán phở Việt hay các món ăn dạng phở trên cung đường dài vài trăm cây số.
Chưa ai rõ và cũng chưa có nghiên cứu nào về lai lịch của món phở ở Lào song hiển nhiên nó được du nhập sang đất này từ quê hương của phở: Việt Nam. Như bất kỳ món ăn nào khác được du nhập từ nơi khác đến một xứ sở xa lạ, hẳn là phở Việt phải trải qua giai đoạn tự thích nghi và có thể biến đổi ít nhiều để phù hợp với các điều kiện đặc thù ở nơi nó mới “nhập cư”.
Du khách phương Tây ăn phở Việt trên đất Lào
Điều đó có thể thấy ở khá nhiều món ăn Gô-loa khi du nhập vào Việt Nam vào thời Pháp thuộc, điển hình là món bánh mì thịt mà nay đã trở thành một thương hiệu ẩm thực Việt tại nước ngoài.
Phở ở Lào cũng vậy. Dù công thức chế biến món phở ở Lào không thay đổi là bao so với phở ở “chính quốc”, song đã có những “cải biên” – nhất là sự thêm thắt nhiều loại thực vật, rau xanh vào tô phở.
Chẳng hạn du khách Việt sang Lào muốn ăn phở sẽ ngạc nhiên khi thấy có vài miếng bắp cải, vài lát cà chua trong tô phở bò hoặc gà. Trong đĩa rau sống ăn kèm, bên cạnh giá sống và húng quế lại có vài khúc đậu đũa sống, vài lá rau thơm hơi lạ miệng với người Việt.
Và thay vì nước mắm thì trên bàn nhiều quán phở ở Lào có một loại nước xốt – thường được chế biến từ cà chua và đậu phộng – dùng để chấm rau hoặc để nêm thêm vào tô phở, đáp ứng khẩu vị của người bản xứ.
Ai thích ăn cay thì sẽ hài lòng bởi người Lào thường ăn phở với đủ loại ớt: ớt khô, ớt bột, ớt ngâm giấm và ớt sa tế.
Phở Zap ở thủ đô Lào luôn đông khách
Du khách Việt tại quán Phở Zap
Chuẩn bị sẵn tô phở cho khách ở quán Zap
Thủ đô Vientiane là địa phương có nhiều quán phở nhất ở Lào, bởi đó là nơi có đông du khách người Việt, có nhiều cơ sở kinh doanh của người Việt sinh sống ở Lào, trong đó có không ít gia đình đã lập nghiệp trên đất bạn qua nhiều thế hệ.
Quán phở nổi tiếng nhất Vientiane là Phở Zap trên đường Phai Nam. Do có nhiều khách sạn mà chủ là người Việt – cũng là nơi lưu trú của du khách Việt sang Lào – cách Phở Zap không xa nên quán lúc nào cũng đông khách Việt.
Phở Zap ra đời từ năm 1958, chủ quán là người gốc Quảng Bình sang Lào lập nghiệp hơn nửa thế kỷ trước.
Phở Zap được coi là gìn giữ được tinh hoa phở Việt, đặc biệt là nước dùng được ninh với xương bò, quế, hồi thơm phức. Chỉ cần bước vào quán là người Việt nhận ra ngay hương vị quê nhà thoang thoảng trong không khí.
Một tô loại nhỏ ở đây có giá 17.000 kip (tương đương 50.000 đồng Việt Nam), tô cỡ trung là 20.000 kip, tô lớn 25.000 kip. Phở Zap bán từ sáng sớm cho tới 3 giờ chiều thì nghỉ.
Ngoài phở, du khách đến Lào có thể trải nghiệm những món ăn tương tự như phở (phải chăng là những “biến tấu” trên cái nền của phở Việt?).
Chẳng hạn như món khao piak: khác biệt rõ nét nhất giữa phở và khao piak là ở sợi bánh – nếu bánh phở mềm và mỏng thì sợi khao piak dày hơn, chắc hơn, gần giống với sợi bánh canh hay sợi mì udon của Nhật.
Khao piak được nấu với thịt heo hoặc thịt gia cầm, chất lượng cũng như hình thức có khác nhau ở từng địa phương. Tô khao piak của quán Nam Phou Coffee được coi là ngon nhất ở Vientiane, thực khách có thể chọn khao piak với thịt heo chiên giòn hoặc với thịt gà hay thịt vịt.
Khao piak có thể ăn kèm với rau muống, rau cải xanh và không thể thiếu gừng cùng hành phi. Giá khao piak rẻ hơn phở: tô nhỏ chỉ 13.000 kip, tô lớn 16.000 kip. Người ta còn ăn kèm quẩy chiên giòn với khao piak, mỗi chiếc quẩy giá 1.000 kip.
Tô khao piak xem ra không khác tô phở gà Việt Nam là bao
Ở vùng Thượng Lào, khao soi là món ăn rất phổ biến (người Thái ở các tỉnh giáp biên giới với Lào cũng ăn khao soi). Sợi khao soi cũng làm bằng bột gạo tựa như bánh phở. Tô khao soi có thịt heo chặt miếng to, cà chua, giá, hành lá, tương hột, ớt, tỏi, rau mùi…
Món khao soi cũng có những cách chế biến và gia giảm nguyên liệu, gia vị khác nhau tùy theo nhà hàng. Người Lào vùng cao ăn rất cay để chống lại cái lạnh, do vậy tô khao soi còn được họ nêm thêm rất nhiều ớt bột cũng nhướt sa tế cay xé lưỡi.
Trên các diễn đàn du lịch online, du khách phương Tây đến Lào đã được cảnh báo chớ có dại mà thử món ớt sa tế cay “nổ trời” ấy! Còn bạn, nếu có dịp đến với vùng Thượng Lào bạn có gan trải nghiệm nó không?
Khao soi ở vùng Thượng Lào
Ngoài ra, bên Lào còn có món khao pun, mee ka tee và nhiều món ăn khác có dạng như phở Việt hoặc là những biến tấu của phở Việt.
Song theo trang mạng ẩm thực và du lịch nomadicEats.com thì “phở Việt Nam (Vietnamese noodle soup) vẫn là vua của mọi món ăn dạng noodle soup”. Đó là một chân lý không bàn cãi!
Theo Thu Thảo
Doanh nhân Sài Gòn
Nguồn: DANTRI.COM.VN