Ấn tượng hệ thống bảo tàng Đà Nẵng

0
206

Sở hữu hệ thống bảo tàng đa dạng và độc đáo, tọa lạc tại những địa điểm tuyệt đẹp, mỗi bảo tàng tại thành phố Đà Nẵng có những nét đặc trưng riêng, với những bộ sưu tập vô cùng giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học truyền thống và hiện đại của Việt Nam và đậm nét những dấu ấn của khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh Quân Khu 5 và Bảo tàng Khu 5

Trong hệ thống bảo tàng và các khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh Quân Khu 5 trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật và tài liệu khoa học khái quát toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt bảo tàng có nhiều hiện vật quý hiếm thể hiện tấm lòng son sắt, thủy chung của đồng bào, cán bộ và chiến sĩ khu 5 đối với Bác Hồ và tình cảm sâu nặng của Bác Hồ đối với đồng bào, chiến sĩ khu 5. Sau ngày miền Nam giải phóng, theo nguyện vọng, tình cảm của đồng bào khu 5 đối với Bác Hồ kính yêu, khu nhà sàn được xây dựng năm 1976 theo đúng tỉ lệ nhà sàn Bác Hồ ở Hà Nội, bên ngoài là vườn cây, ao cá… tạo nên không gian vừa thiêng liêng vừa gần gũi, ấm áp hơi thở của Người.

Bảo tàng Khu 5 khánh thành năm 1982 trong hệ thống các bảo tàng toàn quân cùng trong khuôn viên, là Bảo tàng lịch sử quân sự cách mạng. Nơi đây trưng bày hàng ngàn hình ảnh, tư liệu, hiện vật về sự ra đời, chiến đấu và chiến thắng của các lực lượng vũ trang khu 5 hơn 70 năm trong hai cuộc kháng chiến, trong đó có nhiều tổ hợp, hiện vật quý hiếm thể hiện sự sáng tạo, độc đáo, hiệu quả của sức mạnh chiến tranh nhân dân ở khu 5. Không gian ngoài trời trưng bày hiện vật như máy bay, xe tăng, xe bọc thép, pháo….

Bảo tàng Đà Nẵng

Bảo tàng điêu khắc Champa. Ảnh: Huỳnh Văn Truyền

Bảo tàng Đà Nẵng là một trong những bảo tàng lớn và hiện đại của khu vực miền Trung với không gian trưng bày có những điểm nhấn riêng. Nơi đây đang lưu giữ nguồn tài liệu hiện vật phong phú, đa dạng về đời sống kinh tế – xã hội, văn hóa của thành phố qua các thời kỳ lịch sử; trưng bày nhiều chủ đề về: Lịch sử tự nhiên và xã hội Đà Nẵng, Lịch sử đấu tranh cách mạng, Chứng tích chiến tranh ở Đà Nẵng và vùng phụ cận, Văn hóa các dân tộc ở Đà Nẵng và Quảng Nam với trên 2.500 hiện vật, tư liệu, hình ảnh. Đến với Bảo tàng Đà Nẵng, du khách được về với những hoài niệm cổ xưa, nhìn lại những bước chuyển mình của thành phố qua những hiện vật với bao điều thú vị về vùng đất thơ mộng, phát triển và mến khách. Chính ở nơi đây, câu chuyện về Đà Nẵng từ xa xưa và trên đường phát triển hội nhập được kể lại trọn vẹn, chân thực và sinh động.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

Tọa lạc bên bờ sông Hàn với vẻ  đẹp cổ kính, kiến trúc độc đáo, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là công trình lịch sử, văn hóa đã hơn 100 năm tuổi, là bảo tàng quốc gia hạng I với lượng du khách đến mỗi năm đều tăng, bình quân mỗi ngày hơn 900 lượt khách, trong đó khách quốc tế hơn 90%. Nơi đây lưu giữ và trưng bày bộ sưu tập hiện vật đá độc đáo, phong phú về những dấu ấn văn hóa Chăm đại diện cho nhiều phong cách nghệ thuật điêu khắc Champa trong gần 10 thế kỷ thăng trầm của vương quốc này trên dải dất miền Trung. Hiện tại đây còn lưu giữ bộ sưu tập qúy giá hơn 2.000 hiện vật, nổi bật là các bộ trưng bày Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm, nhiều bức phù điêu trang trí với những họa tiết, hoa văn tinh xảo và phòng trưng bày mở rộng với nhiều hiện vật phong phú. Đặc biệt, bảo tàng có 3 bảo vật quốc gia: tượng Bồ tát Tara, đài thờ Mỹ Sơn E1 và đài thờ Trà Kiệu. Du khách có thể chiêm ngưỡng, nghe giới thiệu từng hiện vật hoặc các thông tin thể hiện hai ngôn ngữ Anh và Việt. Vào ngày 15 và 30 hàng tháng, du khách được hòa mình trong các vũ điệu Apsara huyền sử, âm điệu sôi nổi của kèn saranai, trống baranưng và các tiết mục múa lễ hội thể hiện đời sống tinh thần phong phú của người Chăm xưa và nay.

Bảo tàng Văn hóa Phật giáo

Pho tượng Quan Âm tống tử trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo. Ảnh: Lệ Hà

Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên của Việt Nam thuộc chùa Quán Thế Âm trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn. Nơi đây lưu giữ hơn 500 cổ vật quý hiếm và đa dạng của nhiều quốc gia trong khu vực châu Á đã được sưu tập hơn 20 năm, với hơn 200 cổ vật đã được giám định, trưng bày. Mỗi cổ vật gắn liền với những câu chuyện, truyền thuyết, huyền thoại của tín ngưỡng tôn giáo hướng đến đời sống tinh thần – tâm linh cao quý, cuộc sống an bình, thịnh vượng. Bảo tàng có nhiều bộ tượng cổ như Thích Ca, Di Đà, Bồ tát Quan âm, Bồ Tát Mật Tông, Dược Sư, Di Lặc… và nhiều bộ pháp khí đa dạng về chất liệu như: ngọc, hổ phách, đồng, sắt, đá, gang, gỗ, sơn mài, giấy dó… với nhiều loại hình có giá trị đặc biệt về nghệ thuật. Bên cạnh đó là nhiều bức tượng đặc biệt quý hiếm như tượng Bồ tát Quan Âm cưỡi long ngư, tượng trưng cho sự che chở trước sóng to gió lớn nơi biển cả, bức tượng Quan Âm tống tử với Đức Bồ tát ẵm một đứa bé trên tay, bộ 8 tượng Phật Mật tông, bức tranh sơn mài khảm cừ hình đức Phật nhập niết bàn, nhiều pho tượng Phật mang phong cách Champa…

Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng

Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: Lệ Hà

 Bảo tàng Đồng Đình

Tọa lạc trên một ngọn đồi thoai thoải, dưới những tán cây xanh mướt, không gian núi rừng nên thơ, du khách đến với Bảo tàng Đồng Đình – Khu vườn của ký ức – vừa chiêm ngưỡng bộ sưu tập hiện vật độc đáo, vừa đắm mình với hơi thở của thiên nhiên. Nơi đây bảo tồn, trưng bày những giá trị văn hóa cổ xưa đã được chủ nhân sưu tập từ nhiều địa phương vùng đất Tây Nguyên – Nam Trung Bộ trong gần 50 năm qua. Các chuyên đề trưng bày với đặc trưng riêng và ấn tượng sâu sắc như: khu trưng bày cổ vật, khu tác phẩm mỹ thuật, nhà ký ức làng chài, nhà trưng bày dân tộc học với những bộ suu tập nhà rường, gốm cổ, tranh, tranh, làng chài… Trong đó có một số hiện vật thuộc văn hóa Sa Huỳnh cổ đại, bộ sưu tập gốm Chămpa cổ đại, gốm Gò Sành (Bình Định), gốm Đại Việt, bộ sưu tập gốm sứ mậu dịch…

Ông Huỳnh Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Đà Nẵng cho biết: “Hệ thống bảo tàng tại Đà Nẵng với những nét đặc trưng riêng, vừa là di sản văn hóa đồng thời là sản phẩm du lịch độc đáo mang dấu ấn của vùng đất miền Trung – Tây Nguyên. Những người làm công tác bảo tàng nơi đây luôn chủ động sưu tầm những hiện vật giá trị, đào tạo bồi dưỡng và tổ chức các hoạt động chuyên đề, chuyên sâu phong phú đã thu hút nhiều đối tượng, du khách tham quan và giáo dục truyền thống quê hương đất nước”.

ThS.  Hoàng Thị Lệ Hà
Tạp chí Du lịch

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn