Anh Minh bán rau: ‘Buôn bán cả năm rồi, không ai làm giàu trong dịch’

0
Anh Minh bán rau: ‘Buôn bán cả năm rồi, không ai làm giàu trong dịch’

Suốt 8 năm qua, anh Minh thường xuyên tặng thực phẩm cho người dân khó khăn tại khu vực. Những tấm bảng ghi lời nhắn nhủ dễ thương của anh nhận sự yêu mến từ mọi người.

Ngày 16/7, anh Phạm Hồng Minh (sinh năm 1983) không thể mở hàng bán rau như thường lệ vì phải thực hiện cách ly y tế tại nhà.

Nhiều năm qua, anh Minh đã rất quen mặt với người dân phường Bình Đa, TP Biên Hoà, Đồng Nai bởi mở ra sạp rau bán thì ít, tặng cho người khó khăn thì nhiều.

“Hồi sinh viên tôi không đủ rau ăn, giờ bán rau luôn”

Chia sẻ với Zing, anh Minh cho biết đã làm công việc bán rau gần 10 năm, hoạt động tặng rau miễn phí cho các bạn sinh viên, người dân nghèo cũng đã duy trì đến năm thứ 8.

“Hồi sinh viên tôi không có đủ rau để ăn, đi học chỉ ngồi lo lắng bát mắm bữa trưa sẽ không có tỏi. Tôi nghĩ bụng sau này đi làm công ty có thu nhập khá sẽ mua rau tặng cho các bạn sinh viên. Thế nào mà tôi lại bán rau thật. Tôi trích ra 10-30% thu nhập bán rau để mua đồ tặng cho các bạn sinh viên và người có thu nhập thấp”, anh Minh kể.

anh Minh rau tang rau cho nguoi ngheo anh 1

Anh Minh hiện phải cách ly y tế tại nhà từ ngày 6/7 đến 18/7. Hình ảnh này được chụp trước đợt dịch thứ 4.

Khi các đợt dịch Covid-19 bùng phát tại địa phương, anh Minh càng tăng cường tặng rau cho mọi người. Mỗi khi nhập rau về từ chợ đầu mối, anh bày rất nhiều tại sạp hàng và viết tấm bảng mời mọi người đến nhận.

Những lời nhắn gửi dễ thương mà anh viết như “Hôm nay hơi mệt, mua nhiều giùm chứ đừng hỏi”, “Bán rau muống đột biến giá 5 tỷ đồng“… nhận được sự thích thú, quý mến của nhiều người dân.

“Tuỳ vào tình hình nhập hàng, mỗi tuần tôi tặng đồ cho bà con 2-6 lần, mỗi lần từ 2-7 tạ rau củ tuỳ khả năng cho phép. Lâu lâu tôi còn tặng trứng cho một số người nghèo mà tôi biết hoặc mua vài tạ, vài tấn gạo, làm phiếu rồi phát cho những người khó khăn”, anh chia sẻ.

Bỏ ăn chơi để dành tiền tặng đồ cho dân nghèo

Anh Minh chia sẻ kinh phí cho hoạt động tặng rau hoàn toàn là của gia đình anh. Khi tổ chức phát gạo cho người dân nghèo, anh mới tiếp nhận tiền ủng hộ của những người thân quen khác.

“Rất nhiều người xung quanh thắc mắc: ‘Tiền đâu mà Minh nó tặng rau nhiều vậy, mà nó toàn tặng rau ngon, vài tạ mỗi lần’.

Thật ra tôi không giàu có, cũng không hề trúng số. Trước đây tôi chơi bời nhiều. Nhưng sau đó tôi bớt chơi lại, lấy tiền đó tặng đồ cho bà con. Tôi thấy cuộc sống vui vẻ và nhẹ nhõm. Vợ con thấy tôi như thế thì càng mừng”, anh nói.

anh Minh rau tang rau cho nguoi ngheo anh 6

Ngoài việc bán rau, anh Minh cũng có những nguồn thu nhập khác. Đó là mỗi khi đi gặp gỡ bạn bè, anh thấy ai có đồ muốn bán sẽ giúp tìm người có nhu cầu mua, sau đó ăn hoa hồng.

“Nhưng việc đó không kiếm được nhiều tiền, không ít lần xui toàn bị lỗ thôi”, anh Minh cười.

Hiện tại, anh Minh cho biết phải tạm dừng việc bán rau do cách ly nhưng vẫn nhập trứng gà, trứng vịt số lượng lớn về bán cho người dân với giá rẻ.

Để đảm bảo phòng dịch, anh Minh chỉ ngồi trong phòng đếm trứng. Mọi người đến mua sẽ gọi điện, vợ anh Minh giao trứng qua ô cửa.

“Tôi nằm ở nhà buồn quá, đọc trên mạng thấy người ta bán rau, trứng đắt mà nghĩ ngợi. Dịch thế này tôi còn cầm cự được chứ những người nghèo không biết sống sao.

Tôi nghĩ rằng buôn bán cả năm rồi, không ai làm giàu trong dịch cả. Bên đại lý bán lẻ 50.000-60.000 đồng/10 trái, tôi chỉ bán 40.000 đồng/10 trứng vịt to và 30.000 đồng/10 trứng gà”, anh kể.

Ít ngày sau khi hoàn thành cách ly, anh Minh cho biết sẽ tiếp tục mở hàng bán rau, tặng rau cho người dân nghèo.

“Tôi còn bán rau là sẽ còn tặng rau cho mọi người. Xung quanh nhà tôi nhiều công nhân, người già khó khăn. Tôi không giúp đỡ được gì nhiều nhặn, chỉ mong hỗ trợ mọi người phần nào cho bữa cơm mỗi ngày”, anh Minh nói.

anh Minh rau tang rau cho nguoi ngheo anh 7

Tấm bảng hiệu bán trứng của gia đình anh Minh.

Sáng 16/7, CDC Đồng Nai thông tin địa phương này tiếp tục ghi nhận thêm 102 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó, TP Biên Hòa có 65 ca, nhiều nhất là phường Trảng Dài có 11 ca, chủ yếu là ổ dịch tại Công ty Changsin, còn lại ở các phường Tân Hòa, Tân Biên, Long Bình Tân, Hố Nai.

Huyện Vĩnh Cửu có 20 ca, tại ổ dịch công ty Changshin. Các huyện Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Long Thành, Định Quán ghi nhận mỗi huyện một vài ca rải rác.

Như vậy, tổng số ca dương trong đợt dịch thứ tư là 807, trong đó nhiều ca dương tính Bộ Y tế chưa công bố nên được xem là ca nghi nhiễm.

Nguồn: News.zing.vn