Nhiều thanh niên Đông Nam Á chuyển qua phát sóng trực tiếp trong thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, việc này không dễ kiếm tiền như vậy.
10h mỗi ngày, Nauman Pasha lại ngồi vào bàn máy tính, đeo tai nghe và bắt đầu một ngày làm việc mới.
Thay vì họp mặt với đồng nghiệp qua Zoom, anh chỉ chuyên tâm chơi game, nói chuyện với 43.000 người theo dõi từ Singapore, Indonesia và Malaysia thông qua hình thức livestream.
Trước đây, người đàn ông 32 tuổi này từng làm quản lý mảng kỹ thuật số ở các chương trình, dự án. Anh bắt đầu thử sức với phát sóng trực tiếp khi dịch bệnh bùng phát.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, Nauman Pasha chuyển sang livestream chơi game và gắn bó với công việc này suốt hơn một năm qua. Ảnh: Handout. |
“Khi ở nhà tránh dịch, tôi quyết định chơi game thường xuyên hơn. Nghe một người bạn giới thiệu, tôi quyết định thử livestream. Tôi thấy công việc này thú vị, lại đem đến nguồn thu nhập ổn định nên gắn bó với nó suốt hơn một năm qua”, anh nói với SCMP.
Nauman Pasha không phải trường hợp duy nhất chuyển sang phát sóng livestream giữa mùa dịch. Hàng nghìn thanh niên châu Á đang lập kênh riêng trên các nền tảng mạng xã hội, sáng tạo đa thể loại nội dung nhằm kiếm tiền từ nhu cầu giải trí tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội.
Cơn sốt livestream bùng nổ mùa dịch
Thực tế, việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội không phải trào lưu mới. Nhiều người trẻ coi công việc này như “nghề tay trái”, giúp họ kiếm thêm thu nhập. Theo SCMP, trung bình 1 triệu lượt xem trên một video YouTube có thể giúp họ thu về khoảng 5.000 USD.
Khi hàng triệu người trên toàn thế giới phải ở nhà vì Covid-19, xu hướng này ngày càng trở nên phổ biến. Năm 2020, lượng người dùng mạng xã hội tăng với tốc độ nhanh nhất trong 3 năm liên tiếp, chạm mốc 4,2 tỷ người, theo báo cáo từ We Are Social.
Mỗi ngày, Shu Faye Wong sẽ phát sóng trực tiếp khoảng 4-8 giờ từ lúc nửa đêm, tiếp tục làm việc toàn thời gian vào buổi sáng hôm sau. Ảnh: Handout. |
Một nghiên cứu chung giữa Google, Temasek và Bain chỉ ra Đông Nam Á là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất với 40 triệu người lần đầu livestream trên tổng số 400 triệu tài khoản Internet vào năm 2020.
Ngoài ra, tình trạng thất nghiệp gia tăng vì Covid-19 cũng đóng vai trò thúc đẩy người trẻ thử sức với loại hình phát sóng trực tiếp.
Natalie Pang, giảng viên cấp cao tại khoa Truyền thông và Truyền thông mới ở ĐH Quốc gia Singapore, cho biết: “Tôi nghĩ đại dịch không phải yếu tố duy nhất tạo ra xu hướng này, song nó thúc đẩy mọi người dành nhiều thời gian online hơn. Sáng tạo nội dung trực tuyến cũng vì thế mà mở rộng tập khán giả”.
Một báo cáo từ Streamlabs và Stream Hatchet cho thấy nền tảng phát sóng trực tiếp Twitch chứng kiến sự tăng vọt về thời gian xem, từ 11 tỷ giờ lên 18,41 tỷ sau một năm.
Nhờ chính sách hỗ trợ từ các nền tảng mạng xã hội, người sáng tạo nội dung có thể dễ dàng kiếm tiền từ việc livestream. Do đó, ngày càng nhiều người trẻ đổ xô lên các kênh này.
“Khoản donate (tiền ủng hộ) lớn nhất tôi từng nhận từ người xem là tầm 700 USD“, Shu Faye Wong, một streamer trên Twitch, nói. Cô gái 25 tuổi này sở hữu 19.300 lượt theo dõi, thường phát sóng 4-8 tiếng mỗi lần vào nửa đêm.
Không dễ kiếm tiền từ livestream
Khi ngày càng nhiều người dấn thân vào lĩnh vực phát sóng trực tiếp, sự cạnh tranh giữa các streamer cũng ngày càng tăng. Họ buộc phải nỗ lực hơn nữa để giữ vững danh tiếng, thu hút khán giả mới và kiếm tiền từ các sản phẩm của mình.
Chia sẻ với SCMP, Marky Evan, chàng thanh niên người Singapore, nói anh làm bếp trưởng tại một quán cà phê vào ban ngày, phát sóng trực tiếp vào ban đêm. Mỗi ngày, anh dành 4-5 giờ để livestream ca hát, vẽ tranh, chơi game, tùy thuộc vào tâm trạng.
Tuy nhiên, anh chỉ kiếm được khoảng 500 USD/tháng. Số tiền này không đủ cho anh tồn tại ở một thành phố có mức lương trung bình là 3.364 USD.
Do mức thu nhập khả dụng ở Đông Nam Á thấp hơn các khu vực khác, khán giả khó lòng donate (ủng hộ tiền) nhiều cho streamer mình thích. Ảnh: Fortune. |
“Việc này khó hơn mọi người tưởng rất nhiều. Dù tôi có nghỉ việc và chỉ tập trung sáng tạo nội dung, tôi cũng không thể kiếm được hơn 1.000 USD/tháng”, anh giãi bày.
Bên cạnh đó, do mức thu nhập khả dụng ở Đông Nam Á thấp hơn các khu vực khác, các nhà sáng tạo nội dung cũng khó kiếm nhiều tiền từ người theo dõi.
So với khán giả phương tây, người xem ở khu vực Đông Nam Á không thể thoải mái vung tay donate khoảng 5 USD/tháng để hỗ trợ cho các streamer họ thích.
Do đó, để tăng thu nhập, các streamer thường nhận quảng cáo. Pasha tiết lộ anh phải liên hệ với hàng trăm nhà quảng cáo tiềm năng trước khi nhận được lời đồng ý từ một đơn vị.
Mới đây, anh đã thuê một văn phòng làm việc ở trung tâm Singapore. Pasha cho biết anh sẽ tiếp tục phát sóng trực tiếp, dù thị trường có xu hướng bão hòa.
“Tôi không chỉ livestream để chơi game, mà còn muốn gặp gỡ nhiều người. Tôi thực sự yêu thích công việc này. Vì thế, tôi luôn nỗ lực làm việc, thậm chí thuê cả studio để tập trung làm nội dung. Có lẽ, tôi sẽ duy trì công việc này suốt phần đời còn lại”.
Nguồn: News.zing.vn