Aristides – người công minh (phần 1)

0
191

Aristides được kính trọng trên toàn cõi Hy Lạp vì lòng công minh. Nhờ có ông, người Athens được quyền lãnh đạo liên minh chống lại quân Ba Tư xâm lược. Ông không thiên vị bất kỳ ai, không muốn bênh vực bạn bè, cũng không muốn làm họ giận vì bị từ chối nên ông đối xử bình đẳng với tất cả mọi người.

Aristides.

Aristides – Người công minh.

Aristides là bạn thân của Cleisthenes – chính khách đã tiêu diệt nền độc tài và mang lại nền dân chủ cho Athens. Còn đối thủ số 1 của ông là Themistocles – một thống chế của Hy Lạp, người xây dựng hạm đội Athens và mang lại chiến thắng Salamis (480 TCN) của người Hy Lạp trước người Ba Tư, đặt nền tảng cho ngôi bá chủ của Athens ở Hy Lạp. Họ đối nghịch nhau cả về tính cách lẫn đường lối chính trị. Themistocles là người ưa phiêu lưu, khôn ngoan và nhanh nhẹn. Còn Aristides lại là người kiên định, ít nói, yêu sự thật và công lý. Ông không bao giờ lừa dối ai, cũng không bao giờ nịnh bợ hay lăng mạ người khác chỉ để đùa vui.

Khâm phục Lycurgus và quý cách sống của người Sparta, Aristides tán thành xã hội quý tộc hơn là nền dân chủ. Ông đặt ra các nguyên tắc cho bản thân mình. Aristides thấy mối quan hệ thân thiết với những người có chức quyền khiến con người dám làm điều sai và làm họ ảo tưởng thoát khỏi sự trừng phạt bởi những việc làm xấu xa. Ông cho là một người lương thiện không bao giờ được ỷ lại hay dựa vào bạn bè, mà chỉ nên tin vào sự chính trực của bản thân.

Còn Themistocles tham gia phái dân chủ, nơi các thành viên kiếm lợi lộc nhờ sự giúp đỡ của bạn bè. Themistocles từng nói: “Ta không bao giờ muốn giữ chức vụ chẳng làm lợi cho những người bạn của ta hơn những người xa lạ, những kẻ mà ta chẳng thấy thích thú gì”. Khi Themistocles cùng phe của mình thi hành những sửa đổi có hại, Aristides thấy ông có nghĩa vụ phải chống lại Themistocles.

Themistocles luôn tìm cách tăng cường ảnh hưởng và quyền lực của mình. Nhưng dù Themistocles có đề xuất một ý tưởng tốt thì Aristides luôn tìm cách chống lại để hạn chế ảnh hưởng của Themistocles. Sự thù oán giữa hai phe phái và giữa hai cá nhân trở nên tồi tệ tới mức mỗi khi Aristides muốn đề xuất một đạo luật, ông phải nhờ một người khác nói hộ.

Aristides chỉ quan tâm đến việc làm lợi cho Athens chứ không mảy may muốn làm giàu cho bản thân hay giành thêm quyền lực. Mỗi khi có sai lầm, ông luôn tự nhận lỗi, bất chấp việc mọi người coi đó là một hành động ngốc nghếch. Có lần, Aristides đề nghị một điều luật và được Hội đồng 400 đồng ý, bất chấp sự phản đối của Themistocles và phe ông ta. Tuy nhiên, sau khi đề xuất này được đưa ra cho dân chúng xem xét, có vài ý kiến phản đối rất hợp lý và đúng đắn, Aristides lại đứng lên phản bác đạo luật của chính mình.

Trong cuộc đời đầy thăng trầm, Aristides không bao giờ hãnh diện về sự kính trọng mà dân chúng dành cho ông. Ông cũng không bao giờ chán nản khi gặp thất bại, mà luôn thể thiện lòng tự trọng và điềm tĩnh, đồng thời tỏ ra khinh miệt những động cơ vụ lợi của những người có chức quyền. Aristides quan niệm, mọi công dân lương thiện phải có nghĩa vụ lao động vì lợi ích của mọi người chứ không nên mong chờ được ban thưởng.

Aristides cương quyết bảo vệ một nền công lý thực sự chứ không phải hình thức. Tình bạn hay tư thù cá nhân không bao giờ ảnh hưởng đến phán xét của ông. Có lần, Aristides được xử thắng kiện, các quan toà khinh ghét bị cáo đến mức không cho anh ta được nói trước khi tuyên án như luật định. Nhưng Aristides đã quỳ xuống cạnh bị cáo, xin cho y quyền được nói.

Khi người dân thành Athens bầu Aristides làm người giữ ngân khố, ông phát hiện Themistocles (người giữ chức vụ này trước đó) đã biển thủ một số tiền lớn. Khi Aristides đưa ra bằng chứng, Themistocles và phe ông ta vô cùng tức giận. Họ tìm mọi cách sa thải ông khỏi chức vụ này, thậm chí còn đòi phạt tiền Aristides vì tội lạm dụng chức vụ. Song những công dân ưu tú nhất của Athens cho rằng, đây là một việc sai trái, nên họ thuyết phục dân chúng bãi bỏ khoản tiền phạt và cho phép Aristides tiếp tục giữ vụ này.

Sau đó, Aristides không nhắc đến việc biển thủ công quỹ. Vì vậy, những kẻ gian lận lại cho rằng ông là một người đầy tớ trung thành và tận tuỵ nhất của dân chúng. Và rồi chính những kẻ này lớn tiếng ủng họ tiếp túc trông giữ ngân sách trong nhiệm kỳ tiếp theo. Sau khi được tái cử với đa số dân chúng ủng hộ, Aristides nói với người Athens: “Khi tôi thi hành bổn phận của mình một cách trung thực nhất thì các bạn phạt tiền rồi sa thải tôi. Còn khi tôi không nói gì về những kẻ biển thủ công quỹ thì các bạn lại gọi tôi là người trung thực và cho tôi làm tiếp công việc. Tôi muốn các bạn biết rằng, ngày hôm nay tuy được khen thưởng nhưng tôi cảm thấy nhục nhã hơn là bị lăng mạ vì làm đúng chức trách của mình. Thật đáng hổ thẹn khi các bạn chỉ muốn làm hài lòng những kẻ xấu hơn là muốn duy trì tính liêm chính trong thành phố của chúng ta”. Rồi ông cho dân chúng xem danh sách những vụ biển thủ công quỹ trong sự kinh ngạc tột độ của những kẻ kiếm lợi.

Khi hạm đội Ba Tư tiến đến Marathon, đem theo một đoàn quân khổng lồ nhằm xâm chiếm Athens, Aristides được cử là một trong 10 viên thống chế chỉ huy quân đội chống lại quân xâm lược. Quyền chỉ huy tối cao của quân đội Athens được thay đổi luân phiên giữa 10 vị thống chế này. Đến lượt mình, Aristicles đã nhường quyền chỉ huy cho Miltiades, người ông cho là giỏi hơn cả. Những vị thống chế khác cũng gạt bỏ hiềm khích cùng lòng kiêu hãnh cá nhân, noi theo Aristides vì lợi ích chung. Miltiades được giao toàn quyền chỉ huy đối với kẻ thù.

Trong trận Marathon (năm 490 TCN), Aristides tham chiến trung tâm, nơi giao chiến dữ dội nhất. Sau khi trận đánh kết thúc, hạm đội Ba Tư mất hết ý chí định tháo lui, nhưng gió và hải lưu lại làm họ trôi về phía thành Athens. Người dân Athens cử Aristides ở lại chiến trường thu chiến lợi phẩm, còn họ quay về bảo thành phố. Vô vàn vàng bạc cùng các đồ quý giá khác của quân Ba Tư bị loại bỏ lại trong lều và trên chiến trường nhưng Aristides không cho phép bất cứ người lính nào được chiếm làm của riêng. Ông muốn đảm bảo chiến lợi phẩm được chia đều cho mọi công dân.

Trong số những đức tính của Aristides, người dân Athens khâm phục nhất sự công minh của ông. Chính vì thế, họ đặt tên cho Aristides là Người công minh. Vua chúa và những nhà độc tài không bao giờ thích một biệt danh như thế mà muốn biệt danh thể hiện sự kinh sợ và hung bạo hơn là đức hạnh. Các vị thần không những hơn hẳn loài người về quyền năng và còn hơn cả về sự bất tử và công minh. Trong ba điều này, con người nên cố gắng học hỏi và đạt đến sự công minh. Những trận động đất có khả năng huỷ diệt vô cùng lớn, không gian vũ trụ rộng lớn không có tận cùng, nhưng không ai có được sự công minh nếu không hiểu lẽ phải và có kiến thức uyên thâm. Chúng ta nghĩ rằng các vị thần hạnh phúc vì họ bất tử, sợ vì họ có sức mạnh phi thường nhưng cũng yêu quý họ vì họ công bằng.

Con người luôn tìm kiếm sự bất tử và sức mạnh mà quên đi sự công minh, phẩm chất duy nhất mà con người khả dĩ đạt được. Sức mạnh và sự công minh thể hiện trong cuộc sống của các vị thần, còn sức mạnh nhưng bất công là cuộc sống của ác quỷ.

Những tôn vinh mà người dân thành Athens dành cho Aristides và việc mọi người đều ca ngợi đức hạnh của ông làm Themistocles vô cùng ghen tức. Do vậy, Themistocles vu cáo Aristicles là muốn chiếm ngôi vua nên mới công bằng như vậy.

Bấy giờ, lòng đố kỵ và kiêu ngạo của những người bình dân Athens lớn hơn bao giờ hết. Sau chiến thắng Marathon, mọi công dân đều bực tức với những ai muốn đứng cao hơn người khác. Vì thế, ngay khi dân chúng tôn vinh Aristides vì sự công bằng và khiêm tốn, họ lại quyết định đày ông đi biệt xứ (năm 482 TCN).

Cuộc lưu đày này được dân chúng quyết định bằng hình thức bỏ phiếu. Những mảnh gốm được sử dụng như những lá phiếu. Khi quyết định bỏ phiếu lưu đày được ban ra, mọi công dân Athens đều đến tập trung ở chợ, viết tên người mình muốn lưu đày lên mảnh gốm. Nếu ít hơn 6.000 lá phiếu thì không ai bị trục xuất. Còn nếu có đủ phiếu, người nào có tên nhiều trên mảnh gốm nhất sẽ bị lưu đày trong 10 năm.

Vào ngày bỏ phiếu, một người mù chữ từ nông thôn lên thành Athens và hỏi chính Aristides cách viết chữ Aristides lên mảnh gốm. Aristides hỏi người này rằng, người Aristides có làm gì hại anh ta không. Anh này trả lời: “Không. Thậm chí tôi chẳng biết Aristides là ai. Nhưng tôi chán nghe người ta gọi mãi ông ta là Người công minh”. Không nói một lời, Aristides giúp anh ta viết tên mình vào lá phiếu. Sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, Aristides buộc phải rời khỏi Athens. Ông lớn tiếng cầu nguyện các vị thần đừng bao giờ để dân Athens có dịp được nhớ đến ông nữa.

Còn tiếp

(Theo sách Những anh hùng Hy Lạp cổ đại)

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn