Aristides – Người công minh (phần cuối)

0
169

Nhờ sự công bằng và chính trực của Aristides và sự lịch lãm, ôn hoà của một thống chế Athens khác là Cimon nên họ được các đồng minh kính trọng hơn Pausanias.

Aristides.

Aristides hướng dẫn người ăn mày viết tên ông lên phiếu bầu, khiến ông bị lưu đày.

Nhưng ba năm sau, chính những người Athens đã bãi bỏ cuộc lưu đày và gọi ông trở về. Vua Xerxer của Ba Tư với đội quân lên tới 1 triệu chiến binh đang lên đường tấn công Hy Lạp, trả mối nhục thua ở trận Marathon. Nhiều thành bang Hy Lạp đã đầu hàng. Họ không dám đứng lên, sát cánh với Athens chống lại Xerxer. Người Athens lo sợ việc đối xử tồi tệ sẽ khiến Aristides chống lại họ. Nhưng họ đã nhầm, trước khi lệnh lưu đày được huỷ bỏ, ông đi khắp nơi kêu gọi những thành bang Hy Lạp khác đoàn kết chống lại quân xâm lược.

Dù địch thủ không đội trời chung của ông là Themistocles được cử làm tổng tư lệnh, nhưng Aristides sẵn sàng tuân theo sự chỉ huy của Themistocles. Trong khi người Hy Lạp đang luận bàn xem có nên rút ra khỏi đảo Salamis không, thì ngay đêm đó, hạm đội Ba Tư đã bao vây khắp mọi ngả, còn người Athens không biết rằng, họ không còn lối thoát. Aristides tìm cách len lỏi qua hạm đội Ba Tư bằng một chiếc thuyền nhỏ, đến lều chỉ huy của Themistocles. Ông nói: “Hãy dẹp bỏ những cuộc đối đầu vô nghĩa và nhỏ nhen của chúng ta. Hãy bắt đầu một cuộc đua tài trong danh dự để bảo vệ Hy Lạp. Ngài sẽ chiến đấu với tư cách tổng chỉ huy, còn tôi là cố vấn và là trợ thủ. Tôi hiểu bản thân ngài muốn được giao chiến trên biển với quân Ba Tư dù nhiều người không tán thành. Còn quân Ba Tư lại muốn có trận đánh đó vì hạm đội của chúng đã bao vây khắp nơi. Không có cách nào trốn thoát ngoài việc phải chứng tỏ chúng ta là những chiến binh dũng cảm, dù muốn hay không”.

Đến lúc đó, Themistocles mới nói cho Aristides biết kế hoạch ông suy tính và nhờ Aristides giúp thuyết phục những người vẫn muốn trốn thoát, vì Aristides có uy tín hơn. Tại hội đồng chiến tranh, một thống chế nói với Themistocles rằng, dường như Aristides không tán thành phương án đó vì ông ngồi im lặng. Đến lúc đó, Aristides mới nói ông sẽ không im lặng nếu Themistocles không đưa ra được cách đánh khôn ngoan nhất. Ông im lặng không phải vì bất bình mà là thể hiện sự tán thành của ông.

Aristides dẫn một ít quân đến đảo Psyttalea gần đó, lúc này đang bị quân Ba Tư chiếm đóng. Aristides chiếm hòn đảo này rồi xây dựng nơi đây thành một nơi trú ngụ cho những chiến thuyền Hy Lạp bị hư hại trong những cuộc chiến sắp tới. Thực tế sau đó chứng minh, hòn đảo này vô cùng quan trọng vì những trận đánh lớn đều diễn ra gần đó. Sau thắng lợi tại trận thủy chiến ở đảo Salamis (năm 480 TCN), Themistocles nói riêng với Aristides nên tiếp tục tiến quân đến đốt cầu phao do vua Xerxer cho xây bắc qua sông Hellespont để cắt đứt đường rút của quân Ba Tư. Aristides không đồng ý mà cho rằng, nên giữ lại cây cầu đó để Xerxer có đường rút lui. Nếu không, khi bị dồn vào đường cùng và không còn lối thoát thân, toàn bộ quân Ba Tư sẽ đánh lại quân Hy Lạp với toàn bộ sức cùng lực kiệt. Sau đó, Themistocles sai một tên quan thái giám bị bắt làm tù binh đến nói với vua Ba Tư rằng, ông sắp sửa sai quân đốt cầu phao. Xerxer hoảng sợ, vội vã vượt cầu phao bỏ chạy, để lại 300.000 quân tinh nhuệ của mình dưới quyền chỉ huy của Mardonius tiếp tục cuộc chiến tranh.

Mardonius gửi chiến thư thách thức người Hy Lạp, nói rằng thất bại Salamis quá nhỏ và quân Ba Tư sẽ nghiền nát quân Hy Lạp trong một trận đánh trên bộ, nếu Hy Lạp đồng ý dàn quân đánh nhau chiến trường rộng lớn vùng Thessaly. Ngoài mặt thì vậy, nhưng Mardonius bí mật gửi sứ giả đến Athens xin xây lại thành phố (Athens bị Xerxer phá huỷ hoàn toàn) để Athens từ bỏ liên minh Hy Lạp chống quân Ba Tư. Người Sparta nghe được tin này cũng sai sứ giả đến Athens, hứa cung cấp lương thực và tiền bạc để Athens không đầu hàng.

Theo lời khuyên của Aristides, người Athens trả lời người Sparta như sau: “Chúng tôi tha thứ cho lời cầu xin của người châu Á, những kẻ nghĩ rằng vàng bạc có thể mua được tất cả mọi thứ vì với họ, giàu sang là cao quý hơn hết. Nhưng lời đề nghị của các bạn đã xúc phạm chúng tôi, không lẽ chúng tôi cần được trả tiền trong cuộc chiến giành độc lập cho chính mình hay sao?”.

Khi cả hai con đường ngoại giao và hối lộ đều thất bại, Mardonius dẫn quân tiến về Athens. Một lần nữa, người Athens lại rút về đảo Salamis. Aristides được cử làm sứ giả đến Sparta xin cứu viện. Dù ông thúc giục, người Sparta chỉ vờ hứa hẹn sẽ gửi quân nhưng lại cười khẩy mỗi khi Aristides than phiền về sự chậm trễ của họ. Cuối cùng, họ nói rằng quân Sparta thực sự đã hành quân tới rồi. Aristides liền nói với người Sparta đừng lừa dối bạn bè mà nên dùng những mưu mẹo đó cho kẻ thù.

Khi trở về Athens, Aristides được bầu làm chỉ huy đội quân Athens. Một lực lượng gồm 8.000 chiến binh trang bị vũ khí nặng hành quân tới Plataea để hội quân với 5.000 chiến binh Sparta tinh nhuệ và các chiến binh từ các thành bang Hy Lạp khác. Thống chế Pausanias của Sparta chỉ huy liên minh. Sau đó, quân Ba Tư tiến đến Plataea và đóng quân ở đây (năm 479 TCN). Các nhà chiêm tinh tiên đoán rằng, quân Hy Lạp sẽ thắng nhưng phải áp dụng chiến thuật phòng ngự.

Quân Sparta chiếm lĩnh cánh phải. Không ai nghi ngờ quyền làm điều đó của họ vì với người Hy Lạp cổ đại, cánh phải trong mỗi trận đánh là vị trí danh dự, chỉ những đội quân cao quý mới được chiếm giữ. Một cuộc khẩu chiến diễn ra giữa người Athens và người Tegea xem ai sẽ giữ cánh trái. Aristides giải quyết mối bất hoà này bằng lời tuyên bố: “Vị trí dàn quân không hề mang lại hay cướp đi danh dự của chúng ta. Chúng tôi, những người Athens sẽ chiến đấu hết sức mình bất kể ở vị trí nào. Các bạn hãy hoàn toàn tin tưởng vào sự vững chắc của vị trí đó. Chúng tôi đến đây không phải để đánh nhau với các bạn mà để chiến đấu với kẻ thù của chúng ta. Và chúng tôi không phải ở đây để khoe khoang khoác lác về những gì tổ tiên chúng tôi làm, mà để chứng tỏ danh tiếng của chính mình. Trận đánh này sẽ chứng tỏ chiến binh của thành bang nào thực sự dũng cảm, bất kể họ chiến đấu ở vị trí nào”.

Sau lời tuyên bố này, mọi người đều đồng ý rằng, vị trí cánh trái xứng đáng dành cho quân Athens.

Nhưng tình hình trở nên xấu đi khi một số người giàu có của Athens lo sợ cho tài sản của mình nên nghĩ chuyện làm phản. Aristides phát hiện ra nhưng không biết bao nhiêu kẻ dính líu đến âm mưu này. Ông quyết định không mất thời gian điều tra kỹ lưỡng mà chỉ bắt giữ 8 kẻ phản bội. Ông thả hai kẻ muốn làm phản nhất chạy thoát sang phía Ba Tư, rồi cho phép số còn lại được trốn đi nếu họ muốn. Nhưng ông nói rằng, nếu họ chiến đấu hết sức mình, họ có thể xoá tan mọi nghi ngờ của dân chúng vì những hành động đó chứng tỏ lòng yêu nước. Những người mưu phản khác cũng cảm thấy nhẹ nhõm vì không bị phát hiện. Họ chiến đấu dũng cảm hơn.

Quân Hy Lạp đã chiếm giữ những vị trí hiểm trở và then chốt tại chân núi Cithaeron, còn 3.000 quân Megara chiếm giữ vùng đồng bằng. Vì thế, Mardonius điều toàn bộ lực lượng kỵ binh Ba Tư khổng lồ đến tấn công số quân Megara này. Quân Ba Tư bắn nhiều tên tới mức quân Megara hoàn toàn bị cắt rời khỏi đội quân Hy Lạp còn lại. Thống chế Pausanias kêu gọi những chiến binh tình nguyện đến cứu quân Megara nhưng người Athens chỉ có một mình Aristides xung phong.

Ba trăm quân Athens xông vào giải cứu. Chỉ huy kỵ binh Ba Tư là Masistus, một chiến binh dũng cảm, thấy quân Hy Lạp đến nên xông lên giao chiến. Một trận đánh dữ dội đã diễn ra như thể toàn bộ cuộc chiến tranh phụ thuộc vào kết quả cuộc giao tranh này. Ngựa của Masistus bị thương, đẩy chàng ngã. Bộ giáp của Masistus và cơ thể của chàng nặng đến nỗi chàng không thể đứng lên được. Tuy vậy, quân Athens cũng không thể làm chàng bị thương vì khắp người chàng được bọc bởi giáp vàng, đồng và sắt. Cuối cùng, một chiến binh Athens đâm một nhát dao qua khe mũ sắt, kết liễu cuộc đời Masistus.

Khi thấy chỉ huy của mình bị giết, kỵ binh Ba Tư rất hoảng sợ nên bỏ chạy. Sự vĩ đại trong chiến thắng này của quân Hy Lạp không phải ở số lượng quân Ba Tư bị giết (thực ra là không đáng kể), mà ở sự hoảng loạn và sợ hãi trong các trại quân Ba Tư khi biết tin về cái chết của Masistus, chiến binh được coi là dũng cảm và khoẻ nhất Ba Tư.

Sau trận giao chiến nhỏ này, hai bên đều giữ thế phòng ngự trong nhiều ngày liền. Các nhà chiêm tinh của hai bên đều tiên đoán, ai tấn công trước sẽ thua. Mardonius và quân Ba Tư lâm vào tình trạng thiếu lương thực và đồ tiếp tế, còn quân Hy Lạp ngày càng có thêm viện binh. Đó là lý do buộc Mardonius phải vượt sông tấn công.

Quân Hy Lạp được cảnh báo từ trước nên dàn trận sẵn sàng ứng chiến. Pausanias quyết định xếp quân Athens vào cánh phải để đón quân Ba Tư. Lúc đầu, quân Athens phản đối sự bố trí này. Sau khi nghe Aristides thuyết phục, họ vui vẻ chấp nhận. Khi đổi vị trí cho quân Sparta, quân Athens cổ vũ tinh thần chiến đấu của nhau rằng: “Quân Ba Tư tấn công chúng ta lần này không thể có lòng dũng cảm hay vũ khí tốt hơn những kẻ đã bị chúng ta đánh bại ở trận Marathon”. Mardonius đáp lại bằng cách thay đổi đội hình. Cả hai đều rất bối rối và không hiểu ý đồ của nhau.

Đêm đó, nguồn cung cấp nước ở dòng sông gần đó bị kỵ binh Ba Tư làm bẩn nên quân Hy Lạp phải chuyển đến đóng trại gần nguồn nước khác. Trong bóng tối, họ không giữ được đội hình nên nhiều người bị lạc và tình hình rất lộn xộn.

Quân Sparta bị tụt lại phía sau vì Amompharetus rất ương bướng, không chịu lui quân. Chàng là một chiến binh Sparta dũng cảm và đang chỉ huy một toán quân nhỏ. Chàng bực tức vì trận chiến bị hoãn và với chàng, việc rút lui này là một thất bại. Amompharetus tuyên bố không muốn làm theo những người Hy Lạp hèn nhát khác. Chàng thề sẽ cùng toán quân bé nhỏ của mình ở lại, chống chọi toàn bộ quân Ba Tư. Cuối cùng, thống chế Pausanias đành để mặc chàng, và đưa số quân còn lại hội với những đạo quân Hy Lạp khác.

Khi bình minh lên, vì thấy chỉ có Amompharetus cùng với một ít quân ở lại trong trại của Hy Lạp, Mardonius cho rằng, số quân còn lại đã hèn nhát bỏ chạy nên ra lệnh tấn công. Toàn bộ quân Ba Tư tiến lên trong tiếng trống trận vang lừng. Nghe thấy tiếng trống trận, Pausanias liền ra lệnh cho quân Sparta quay lại chiến đấu. Nhưng số quân Hy Lạp khác đóng trại quá rải rác và lộn xộn đến mức phải mất một lúc lâu mới quay lại được. Khi quay lại, quân đội Hy Lạp chỉ là những nhóm chiến binh nhỏ lẻ chứ không phải là một lực lượng lớn.

Lực lượng Ba Tư tham chiến đầu tiên là cung thủ cưỡi ngựa. Họ bắn tên như mưa vào quân Sparta. Quân Sparta không đánh trả vì Pausanias đã ra lệnh cho họ không làm bất cứ điều gì cho đến khi có điềm lành từ cuộc tế lễ. Callicrates, chiến binh Sparta dũng cảm nhất, bị tên bắn chết. Chàng hét lên rằng, chàng không tiếc mạng sống mà chỉ hổ thẹn vì đi từ Sparta đến đây, chưa làm được gì mà đã chết. Tuy vậy, kỷ luật của quân Sparta rất nghiêm. Họ kiên nhẫn chịu đựng làn tên của quân Ba Tư. Cho đến khi nhận được điềm báo chiến thắng từ cuộc tế lễ, Pausanias mới ra lệnh phản công.

Ngay lập tức, các chiến binh Sparta giơ cao những ngọn giáo dài và toàn bộ đội quân trông giống như một con thú dữ khổng lồ xù lông, sẵn sàng giao chiến. Giờ đây, quân Ba Tư mới thấy cuộc chiến đấu với những người không hề run sợ trước cái chết này sẽ rất dữ dội, nên họ chỉ dám đứng xa, núp sau những tấm khiên bằng cây liễu gai và tiếp tục bắn những trận mưa tên. Quân Sparta lập thành đội hình phalanx, từ từ tiến lên thành một khối vững chắc chọc thủng hàng ngũ kẻ thù. Quân Ba Tư chống cự rất dũng cảm nhưng đà tiến quân của đội hinh phalanx Sparta quá mạnh không thể chống lại được.

Quân Athens nghe thấy tiếng giao chiến liền nhanh chóng lên đường. Trên đường, họ gặp một số người Hy Lạp đã đầu hàng quân Ba Tư nhất định không chịu nhường đường. Quân Athens phải chiến đấu để mở đường vượt qua. Tuy nhiên, chỉ sau khi mất tên chỉ huy, những kẻ phản bội này mới bỏ chạy toán loạn, chẳng có bụng dạ nào để tham chiến. Họ đã bị những người giàu có đầu hàng quân Ba Tư ép buộc phải chiến đấu chống lại quân Hy Lạp. Sau khi giết khoảng 300 người, quân Athens lại tiến lên.

Trong khi đó, quân Sparta đã chọc thủng đội hình quân Ba Tư và giết chết Mardonius. Quân Ba Tư rút về trại cố thủ sau những bức tường bằng gỗ. Quân Sparta tìm cách đột nhập vào trong, nhưng họ không có kinh nghiệm tấn công thành luỹ. Liền đó, quân Athens kịp tiến lên, tăng thêm sức công phá. Họ phá vỡ bức tường rồi xông vào giết sạch quân Ba Tư. Trong số 300.000 quân của Mardonius, chỉ có 40.000 trốn thoát, còn quân Hy Lạp chỉ thiệt hại 1.360 người.

Sau chiến thắng này, quân Athens và Sparta lại tranh nhau công lao tới mức sắp sửa lao vào chém nhau, nếu Aristides không đứng lên hoà giải. Aristides thuyết phục cả hai bên để những đạo quân Hy Lạp còn lại quyết định ai xứng đáng với chiến thắng này.

Cleocritus của vùng Corinth đứng lên trình bày ý kiến. Mọi người đều nghĩ ông sẽ đòi vinh dự cho đạo quân Corinth, vốn là thành bang nổi tiếng thứ ba của Hy Lạp. Tuy nhiên, ông cho rằng, vinh dự này thuộc về Plataea, nơi bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhất. Aristides đại diện cho người Athens và Pausanias đại diện cho người Sparta đều đồng ý. Nhờ đó, cuộc tranh cãi được giải quyết.

Lời tiên tri của ngôi đền Delphi nói rằng, sự hiện diện của những kẻ dã man (ám chỉ quân Ba Tư) đã làm nhơ bẩn mảnh đất này, nên người Hy Lạp phải tắt hết lửa, châm lại từ ngọn lửa thuần khiết lấy từ ngôi đền của thần Apollo. Một chiến binh tên là Euchidas đã chạy bộ từ Plataea đến Delphi để mang ngọn lửa về cho người Hy Lạp. Chiến binh này đã chạy một mạch đến đó, tắm mình trong dòng nước tinh khiết, đội một vòng nguyệt quế lên đầu và tiến vào đền thờ để xin ngọn lửa từ bàn thờ thần. Lấy lửa xong, chàng chạy một mạch trở về Plataea trước khi mặt trời lặn, cúi chào dân chúng, trao ngọn lửa thiêng cho họ, rồi gục xuống chết. Chỉ trong một ngày, chàng đã vượt qua 125 dặm đường.

Sau trận đánh ở Plataea, người dân thành Athens hân hoan đón mừng hoà bình, dân chủ. Dân chúng trở nên kiêu ngạo hơn bao giờ hết. Người nghèo đói được đối xử công bằng như người giàu. Aristides quyết tâm đứng ra dẫn dắt nền dân chủ non trẻ chứ không chịu để nền dân chủ này bị đè bẹp. Ông đề nghị mọi công dân đều tham gia chính quyền, được bỏ phiếu, bất kể giàu nghèo.

Themistocles nói với người Athens rằng, ông có một ý định nếu thực hiện sẽ mang lại lợi ích to lớn cho thành Athens, nhưng không thể nói công khai cho tất cả mọi người. Họ quyết định ông sẽ nói điều đó cho một mình Aristides. Đề nghị của Themistocles là đốt hết tàu thuyền của đồng minh. Như vậy, Athens sẽ làm bá chủ trên biển và là thành phố vĩ đại nhất của Hy Lạp. Aristides không cho dân chúng biết điều Themistocles nói với mình, mà chỉ nói rằng không có gì mang lại lợi ích cho Athens như điều Themistocles đề nghị, nhưng cũng không có gì nhục nhã hơn. Nghe thấy vậy, người Athens yêu cầu Themistocles từ bỏ kế hoạch, dù nó là gì đi nữa.

Tuy vậy, cuộc chiến tranh giữa người Ba Tư và người Hy Lạp vẫn chưa chấm dứt nên Aristides dẫn quân Athens đến tham gia liên minh Hy Lạp. Thống chế Pausanias của Sparta đã làm cho đồng minh bất bình vì kỷ luật quá hà khắc, mà theo họ là không cần thiết. Binh lính dù phạm lỗi nhỏ nhất cũng bị đánh roi da hoặc đứng một ngày với mỏ neo vác trên vai. Thuộc cấp của Pausanias cho rằng, ông ta quá lạm quyền và hống hách.

Nhờ sự công bằng và chính trực của Aristides và sự lịch lãm, ôn hoà của một thống chế Athens khác là Cimon nên họ được các đồng minh kính trọng hơn Pausanias.

Một số quân đồng minh đến gặp Aristides, thúc giục ông lên nắm quyền tổng chỉ huy. Một ngày, khi Pausanias đi kiểm tra hạm đội Hy Lạp thì hai chiếc thuyền khác vượt lên thuyền chở Pausanias. Viên thống chế chửi mắng và đe doạ rằng, điều mà hai chiếc thuyền vừa làm không những sẽ phải nhận một hình phạt đích đáng mà còn gây liên luỵ cho các thành phố quê hương họ. Những người trên hai chiếc thuyền trả lời rằng, Pausanias phải cảm ơn các vị thần vị họ đã ban cho ông chiến thắng ở Plataea. Nếu không, ông đã bị trừng phạt vì tội kiêu ngạo.

Sau đó, người Sparta đã chứng tỏ tinh thần cao thượng của mình. Khi thấy người chỉ huy lầm đường lạc lối, đánh mất sự tôn trọng của đồng minh, họ tự nguyện nhường quyền lãnh đạo cho người Athens. Họ nhớ tới lời dặn của Lycurgus rằng, điều quan trọng nhất là phải giữ sự chính trực cho mình, chứ đừng ra oai áp chế người khác.

Liên minh Hy Lạp muốn người Athens trao cho Aristides quyền quyết định phần đóng góp của mỗi thành bang để duy trì cuộc chiến tranh. Chính sự công bằng của Aristides trong việc thực hiện trách nhiệm này khiến ông nổi tiếng khắp mọi thành bang Hy Lạp.

Khi bắt đầu làm việc, Aristides rất nghèo, nhưng khi hoàn thành, ông còn nghèo hơn. Sau này, người Hy Lạp coi công việc quản lý của ông là biểu tượng của “Kỷ nguyên vàng” về sự trung thực và công bằng. Những người kế nhiệm ông sau này tự động tăng thuế lên nhiều lần để có những khoản tiền lớn xây dựng các công trình, phát triển nghệ thuật và phúc lợi cho người dân, đi ngược lại mục đích ban đầu của việc đóng góp này.

Aristides luôn tự hào về sự thanh bạch của mình. Tự nguyện sống nghèo khổ dối với ông là biểu hiện của danh dự, nhất là khi ông có quyền chức. Bất chấp những vinh quanh giành được, ông luôn tự hào là không lợi dụng quyền chức để làm giàu.

Khi Aristides chết vì tuổi già, ông được người Athens yêu quý đến mức họ lo liệu đám tang của ông rất chu đáo và cung cấp đầy đủ của cải cho con cháu ông sống sung túc. Plato cho rằng, chỉ có Aristides mới xứng đáng được ngưỡng mộ. Themistocles, Cimon, Pericles mang lại sức mạnh và sự thịnh vượng cho Athens, nhưng chỉ có Aristides mới mang lại sự công bằng cho người dân.

(Theo sách Những anh hùng Hy Lạp cổ đại)

Phần 1

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn