Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đã họp với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và các đơn vị liên quan về việc xử lý hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái và thống nhất 3 nhóm giải pháp chính.
Trước tình hình hàng hóa, container tại cảng Cát Lái tồn đọng lâu ngày do giãn cách xã hội khiến dung lượng đạt mức hết công suất, trong cuộc họp diễn ra chiều 1/8 giữa Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, 3 nhóm giải pháp chính đã được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề này.
Thứ nhất là nhóm giải pháp nhằm tăng năng lực giải phóng hàng ra khỏi cảng. Cục Hàng hải giao Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP.HCM phối hợp với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn rà soát và làm việc cụ thể với từng chủ hàng có hàng tồn tại cảng để đưa ra phương án thống nhất cùng chủ hàng tháo gỡ vướng mắc sớm nhận hàng.
Thứ hai là nhóm giải pháp tăng năng lực khai thác của bãi cảng. Cục Hàng hải giao Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn chủ động điều chỉnh việc chất xếp container giữa các khu vực bãi container hàng nhập, container hàng xuất, container rỗng cho phù hợp để tăng khả năng tiếp nhận container hàng nhập.
Đồng thời, nâng tối đa khả năng xếp dỡ container trên bãi, điều chuyển bớt các container rỗng ra ngoài phạm vi cảng, điều chỉnh thời gian tiếp nhận container hàng xuất phù hợp…
Nhóm giải pháp thứ ba là giảm lượng hàng nhập về cảng. Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu tạm thời ngưng chuyển container hàng nhập từ các cảng khu vực Cái Mép, cảng Tân Cảng Hiệp Phước về cảng Tân Cảng Cát Lái.
Theo Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, dung lượng tồn bãi Cát Lái luôn chạm mức hết công suất. Ảnh: Duy Hiệu. |
Chủ hàng nhận trực tiếp ở khu vực Cái Mép hoặc cảng Tân Cảng Hiệp Phước, các ICD, các cảng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nơi gần nhà máy, doanh nghiệp của mình. Trừ các trường hợp đặc biệt, căn cứ năng lực tiếp nhận của cảng Tân Cảng Cát Lái giao cho Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn chủ động giải quyết.
Đồng thời, làm việc với các chủ hàng, hãng tàu hạn chế số chuyến tàu hoặc giãn tiến độ nhập container hàng nhập về cảng đối với hàng nhập của các doanh nghiệp, nhà máy đang giảm quy mô và sản lượng sản xuất.
Ngoài ra, trên cơ sở khảo sát năng lực tiếp nhận của các cảng lân cận, Cục Hàng hải Việt Nam giao Cảng vụ Hàng hải TP.HCM xây dựng phương án điều tiết tuyến tàu cập cảng Cát Lái sang các cảng lân cận trong trường hợp cảng Cát Lái phải tạm thời ngưng tiếp nhận tàu.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại Chi cục Hàng hải Việt Nam TP.HCM để trực tiếp phối hợp với các doanh nghiệp cảng nhanh chóng xử lý vướng mắc phát sinh, bảo đảm duy trì hoạt động các cảng.
Theo tính toán của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, kế hoạch làm hàng của cảng Tân Cảng Cát Lái sẽ tiếp tục duy trì đến ngày 15/8. Kế hoạch này sẽ tiếp tục được cập nhật và điều chỉnh hàng ngày, hàng tuần để giảm thiểu nguy cơ ngừng hoạt động của cảng.
Tuy nhiên, đại diện cảng Cát Lái cho biết, với tình hình TP.HCM và các tỉnh lân cận tăng cường thêm các giải pháp giãn cách để phòng, chống dịch, các nhà máy, xí nghiệp tiếp tục phải hạn chế hoặc dừng sản xuất thì sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Cát Lái và các cảng trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các hãng tàu sẽ phải điều chỉnh lịch tàu vào các cảng của khu vực.
Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, năng lực tiếp nhận của các cảng, ICD, bãi, kho hàng các nhà máy, xí nghiệp hết công suất thì nguy cơ không chỉ cảng Cát Lái mà các cảng khác tại khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Vũng Tàu phải lần lượt tạm ngừng tiếp nhận tàu là khó tránh khỏi.
Liên quan đến vấn đề này, Ông Nguyễn Xuân Sang cho biết Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải trên cả nước có kế hoạch chuẩn bị trong tình huống diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chủ động xây dựng kế hoạch điều tiết hàng hóa trong từng khu vực cảng biển và giữa các khu vực với nhau.
Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã báo cáo Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.HCM, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan sớm giải quyết các kiến nghị của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn.
Nguồn: News.zing.vn