GS Nguyễn Anh Trí cho rằng TP.HCM cần tận dụng tốt nhất và triệt để 15 ngày giãn cách xã hội để dập dịch Covid-19.
Trao đổi với Zing, GS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, nhấn mạnh đợt bùng phát tại TP.HCM là tiếng chuông cảnh báo cho tất cả địa phương trên cả nước. Với đợt giãn cách xã hội lần thứ 3, vị chuyên gia này cho rằng đây là thời khắc vàng để thành phố dập dịch.
Giãn cách là nỗ lực cao nhất để dập dịch
– TP.HCM phát hiện ca ngày 26/5 và ngày 31/5 quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15+, sau đó là Chỉ thị 10 nhưng dịch chưa được khống chế. Theo ông, nguyên nhân nào khiến nỗ lực này chưa đạt hiệu quả như mong muốn?
– Theo tôi có 3 nguyên nhân sau:
Thứ nhất, trước làn sóng bùng phát Covid-19 thứ 4 ở Việt Nam, chúng ta chứng kiến nhiều nước xung quanh như Lào, Campuchia, xa hơn là Indonesia, Malaysia, Philippines, đặc biệt Ấn Độ dịch bệnh hoành hành dữ dội.
Do đó, đợt 30/4 và 1/5, chúng ta đều nghĩ rằng dịch sẽ bùng phát ở các tỉnh sát biên giới Campuchia như Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang. Không ai ngờ, dịch lại bùng phát ở phía Bắc, từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, rồi Hà Nội.
Lúc này, dường như, công tác phòng chống dịch Covid ở TP.HCM đã có chút chùng xuống, chỉ trong 3-5 ngày thôi, khi cả nước đang dồn sức cho miền Bắc. Sau đó, khi xuất hiện một vài đốm dịch lây lan, thành phố đã vào cuộc hơi muộn.
TP.HCM vốn rất đông dân, năng động, đi lại, chuyển dịch nhiều. Khi mầm bệnh tiềm ẩn ngay từ bên trong và rồi dịch bùng phát lên, tỷ lệ khá lớn các F0 bị mất dấu ngay từ đầu. Lúc này, TP.HCM đã tập trung cao trở lại để chống dịch, thần tốc xét nghiệm, nhưng hơi lúng túng trong cách tổ chức. Thêm nữa, công bằng mà nói, lúc đó không ít người dân thành phố chưa thực hiện 5K nghiêm túc.
Đường phố TP.HCM đông đúc trước giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 vào chiều 8/7. Ảnh: Duy Hiệu. |
Thứ 2, tôi đồng ý chủ trương tiêm vaccine của TP.HCM hoàn toàn đúng nhưng khi tổ chức tiêm thì lại để lơ là nguyên tắc 5K. Tôi quan sát trên báo chí, truyền hình và nhận thấy người dân chen chúc đến Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11) tiêm vaccine. Ai nhìn thấy cũng đều lo lắng. Việc đeo khẩu trang là rất quan trọng, nhưng không thay thế được đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m.
Biến chủng Delta lây lan rất nhanh trong cộng đồng, việc không tuân thủ 5K, đặc biệt việc giãn cách là điều rất nguy hiểm.
TP.HCM cần nhận ra những điều này để rút kinh nghiệm. Có lẽ, chúng ta phải tốn rất nhiều công sức mới đẩy lùi được đợt bùng phát này
Giáo sư Nguyễn Anh Trí
Ngoài ra, thành phố có chủ trương xét nghiệm cho 5 triệu người trong một khoảng thời gian khoảng 10 ngày. Chủ trương này là đúng. Nhưng cách tổ chức lấy mẫu làm xét nghiệm lại không tốt. Đó là vi phạm quy định 5K, mọi người chen chúc nhau để làm xét nghiệm, đeo khẩu trang nhưng không giữ khoảng cách.
Thứ 3, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố yêu cầu người dân có giấy xét nghiệm âm tính mới được đi lại. Điều đó vô tình đã làm đông đúc hơn tại các điểm lấy bệnh phẩm, tình hình càng bị mất kiểm soát.
Nhìn vào bức ảnh hàng nghìn người chen lấn để tiêm vaccine, lấy mẫu xét nghiệm và giành lấy một tờ kết quả xét nghiệm, chúng tôi đã nghĩ đợt làm xét nghiệm này chính là cơ hội xấu làm dịch lây lan và bùng nổ mạnh hơn.
Tôi cho rằng TP.HCM cần nhận ra những điều này để rút kinh nghiệm. Có lẽ, chúng ta phải tốn rất nhiều công sức mới đẩy lùi được đợt bùng phát này.
– Theo ông trong 15 ngày giãn cách này, TP.HCM cần tận dụng như thế nào, làm gì để đạt hiệu quả?
– Trước tiên, tôi hiểu quyết định thực hiện thực hiện Chỉ thị 16 của TP.HCM rất khó khăn, nhưng đúng đắn, nên làm và quyết liệt thực hiện. Chúng ta đều hiểu rằng giãn cách, cách ly ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân. Nhưng tôi tha thiết mong muốn người dân đồng tâm, hợp lực, hợp tác và chấp hành để làm tốt việc này.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Anh hùng Lao động, đại biểu Quốc hội (Hà Nội), nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Ảnh: NVCC. |
Tôi cho rằng đây là thời điểm rất quan trọng. Giãn cách 15 ngày tiếp là điều kiện tốt để dập dịch. Nhưng nó không phải “chìa khóa vàng” mà vẫn chỉ là điều kiện. Người dân cần chấp hành, tập trung cao độ, chấp nhận những khó khăn về đời sống, thua thiệt kinh tế. Việc này nói thì dễ nhưng để làm được và thành công thì không hề đơn giản.
Thứ 2, thành phố cần phải tiếp tục đẩy mạnh tất cả hoạt động xét nghiệm, tiêm vaccine. Chúng ta đang chiến đấu với kẻ thù vô hình, nên phải xét nghiệm để tìm ra người nhiễm bệnh. Vaccine là giải pháp tối ưu để bảo vệ cộng đồng được bền vững và lâu dài.
Nhưng chúng ta phải điều chỉnh cách tổ chức và thực hiện hai nội dung này bằng cách đeo khẩu trang, giãn cách thật tốt. Thành phố nên tổ chức lấy mẫu ở nhiều địa điểm, chia thành nhóm; sử dụng công nghệ thông tin để điều chỉnh người đến làm xét nghiệm cho chủ động và hợp lý.
Lúc đầu có thể chỉ một vài người bị nhiễm. Nhưng do lơ là chỉ một chút thôi, virus đã lây lan sâu vào thành phố, bùng phát ở khắp nơi
Giáo sư Nguyễn Anh Trí
Từng đơn vị, cơ quan, khu phố…, phải lên lịch trước và thông báo cho người dân về địa điểm, giờ giấc để đến làm xét nghiệm và tiêm vaccine cũng vậy. Điều này làm cho người dân chủ động đến tiêm, đến lấy mẫu; và cũng giúp giảm áp lực cho nhân viên y tế, đặc biệt làm giảm khả năng lây lan cho cộng đồng. Chỉ cần một vài điều chỉnh như vậy, hiệu quả của các biện pháp chống dịch sẽ tăng lên ngay.
Việt Nam và TP.HCM đều đã có kinh nghiệm chống dịch Covid-19, lại thêm được sự góp sức từ 10.000 nhân viên y tế do Bộ Y tế gửi vào. Tôi có niềm tin chắc chắn TP.HCM sẽ chiến thắng dịch trong 15 ngày giãn cách quan trọng này.
‘Tiếng chuông cảnh báo các tỉnh, thành phố khác’
– Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội…, xuất hiện thêm một số ca dương tính mới. Phải chăng dịch có xu hướng chuyển dịch ngược về phía Bắc?
– Rất có thể! Việc lây lan vẫn đang diễn ra trong cộng đồng và chúng ta không thể nhận biết được. Qua kinh nghiệm ở đợt bùng phát này, từ Bắc đến Nam, tôi nhận thấy rằng dịch xảy ra rất bất ngờ, tuyệt đối không được chủ quan, dù chỉ một ca F0.
Tôi còn nhớ cách đây mấy tuần, khi phát hiện những ca F0 đầu tiên ở TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế cũng đã từng nói “dịch đã âm thầm lây lan trong cộng đồng từ lâu”. Tôi cho rằng đây là nhận định đúng. Lúc đầu có thể chỉ một vài người bị nhiễm. Nhưng do lơ là chỉ tý chút thôi, virus đã lây lan sâu vào thành phố, bùng phát ở khắp nơi.
– Từ bài học kinh nghiệm của TP.HCM, theo ông, các tỉnh, thành nên làm gì để tránh nguy cơ bùng phát dịch nghiêm trọng?
– Các nghiên cứu và qua kinh nghiệm thực tiễn cho thấy dịch Covid-19 giai đoạn này chủ yếu là biến chủng Delta có khả năng phát tán mạnh, lây lan nhanh.
Đợt bùng phát ở TP.HCM là tiếng chuông cảnh báo cho các địa phương. Hiện tại, từ Phú Yên, Nghệ An cho đến Hà Nội đã có số người nhiễm không ít. Dù ổ dịch còn nhỏ, tôi đề nghị tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm.
Tối 7/7, UBND Hà Nội đã đề nghị người dân hạn chế ra ngoài khi không có việc cần thiết, đã tạm cấm việc tụ tập để tập thể dục tại các nơi công cộng…. Tôi rất ủng hộ các biện pháp này.
Nhiều người dân TP.HCM xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 để có giấy chứng nhận âm tính. Ảnh: Duy Hiệu. |
– Theo giáo sư, chúng ta có biện pháp nào để hạn chế ảnh hưởng của Covid-19?
– Dịch Covid-19 vẫn diễn biến với quy mô toàn cầu, rộng, nặng nề, phức tạp, khó lường về diễn biến và khó biết về tác nhân, nhất là các biến chủng mới. Cuộc chiến này quá gay go, không tiếng súng, không một lời thách thức mà ác liệt và tàn nhẫn.
Do đó, đầu tiên, chúng ta cần xác định câu chuyện phòng dịch này còn kéo dài, không thể chấm dứt trong vài tháng và có lẽ trong một vài năm tới, nhất là năm sau nữa. Đây là đại dịch toàn cầu, phải tất cả thế giới chấm dứt được dịch thì chúng ta mới khống chế được. Không quốc gia nào có thể một mình dập tắt được dịch.
Biện pháp 5K là sáng tạo rất hữu hiệu của Việt Nam và chắc sẽ còn có giá trị trong thời gian dài
Giáo sư Nguyễn Anh Trí
Chúng ta phải thực hiện nghiêm túc yêu cầu 5K của Bộ Y tế. 5K là sáng tạo rất hữu hiệu của Việt Nam và chắc sẽ còn có giá trị trong thời gian dài. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới vẫn còn chủ quan, đã bỏ khẩu trang trong các hoạt động tập thể như xem bóng đá, hội hè hoặc nơi phố xá đông người. Tôi cảm thấy rất lo lắng về điều đó.
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “giãn cách rộng, hợp lý; phong tỏa hẹp, chính xác và chặt chẽ” là rất đúng. Quyết liệt và bền bỉ làm cho được điều đó.
Chúng ta cần phải thần tốc xét nghiệm để phát hiện người mang virus SARS-CoV-2. Muốn làm tốt hơn, chúng ta cần tìm kiếm thêm nguồn hóa chất sinh phẩm, công nghệ mới để tăng năng lực xét nghiệm.
Đẩy mạnh hơn nữa việc tìm kiếm các nguồn vaccine có chất lượng để tiêm chủng thật nhiều, thật nhanh cho nhân dân. Phải quyết tâm tiêm chủng đạt trên 70% dân số để sớm có miễn dịch cộng đồng chủ động. Đây là giải pháp chống dịch Covid bền vững và căn cơ.
Và điều quan trọng nhất đó là toàn dân phải thống nhất, đoàn kết cùng Chính phủ chống dịch Covid-19; có ý thức trách nhiệm thật cao trong việc bảo vệ tính mạng cho chính cá nhân mình, gia đình và cho cả cộng đồng.
Tôi có niềm tin Việt Nam sẽ sớm đẩy lùi được đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 này.
Nguồn: News.zing.vn