Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ hứng một đợt mưa lớn diện rộng trong hai ngày tới. Nhiều nơi có thể ghi nhận lượng mưa trên 100 mm chỉ trong vài giờ.
Sáng 7/7, trong cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên Biển Đông có hướng đi và tác động phức tạp. Hình thái này không mạnh lên thành bão nhưng vẫn gây ra một đợt mưa cực đoan cho các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ.
Mưa 100-300 mm trong 2 ngày
Theo ông Khiêm, cấu trúc mây của áp thấp nhiệt đới không tập trung mà khá phân tán. Hai ngày trước, hình thái này chịu tương tác một áp thấp nhiệt đới khác ở phía ngoài Biển Đông. Do đó, áp thấp nhiệt đới bên trong đã đi nhanh hơn và tác động sớm hơn tới đất liền.
Lúc 7h sáng 7/7, tâm áp thấp nhiệt đới nằm ở phía đông nam của đảo Hải Nam (Trung Quốc). Chiều tối nay, với cường độ mạnh nhất cấp 6, giật cấp 9, áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ và gây gió giật mạnh.
Áp thấp nhiệt đới khả năng tiến vào đất liền các tỉnh phía nam Bắc Bộ rạng sáng 8/7. Ảnh: VNDMS. |
Sau đó, hình thái này tiến sâu vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa, gây ra một đợt mưa lớn diện rộng. Từ chiều 7/7 đến hết ngày 8/7, nhiều nơi ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ghi nhận lượng mưa phổ biến 100-250 mm, cục bộ có nơi mưa trên 300 mm.
“Một số nơi có thể ghi nhận lượng mưa trên 100 mm chỉ trong vài giờ. Do đó, chúng tôi cảnh báo nguy cơ ngập úng ở đô thị, lũ quét và sạt lở ở các tỉnh miền núi”, ông Khiêm nói.
Mưa lớn được dự báo tập trung ở các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An.
Chuyên gia cũng cảnh báo thêm hiện tượng dông lốc xảy ra do ảnh hưởng của rìa ngoài hoàn lưu áp thấp nhiệt đới. Đất liền các tỉnh ven biển có thể ghi nhận gió mạnh cấp 6 ở thời điểm áp thấp nhiệt đới tiếp cận bờ vào đêm 7/7.
Tại Nam Bộ, hoạt động của gió mùa Tây Nam khiến khu vực này có thể xuất hiện mưa lớn vào chiều tối và đêm nay.
Nhiều tỉnh, thành dự kiến cấm biển
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ đội Biên phòng cho biết tính đến 6h sáng 7/7, đơn vị đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 54.300 phương tiện với hơn 232.800 người biết thông tin về áp thấp nhiệt đới để tìm nơi tránh trú an toàn.
Hiện, 77 tàu với 552 người ở vùng biển Quảng Bình và Quảng Ngãi còn hoạt động trong khu vực nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới.
Trước diễn biến mưa lớn và gió mạnh trên đất liền, tỉnh Quảng Ninh và Thanh Hóa dự kiến cấm biển từ 13h ngày 7/7; tỉnh Thái Bình cấm biển từ 12h. Căn cứ vào những diễn biến tiếp theo của áp thấp nhiệt đới, các địa phương có thể điều chỉnh quyết định này.
Bộ Quốc phòng đang duy trì hơn 264.200 chiến sĩ và 1.900 phương tiện ứng trực để sẵn sàng công tác tìm kiếm, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai.
Toàn cảnh cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai sáng 7/7. Ảnh: Ngọc Hà. |
Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, yêu cầu lực lượng tiếp tục theo dõi và hướng dẫn tàu thuyền đang ở trong vùng nguy hiểm thoát ra ngoài.
Ở tuyến ven biển, văn phòng thường trực cần đôn đốc địa phương đưa người dân trên lồng bè nuôi trồng thủy sản lên bờ kịp thời. Nếu chậm trễ, khi áp thấp nhiệt đới cập bờ với cường độ mạnh nhất, người dân có thể gặp nguy hiểm.
Tối 7/7, bộ đội biên phòng tiếp tục bắn pháo hiệu để người dân ven biển thấy được tính cấp bách, sơ tán khẩn trương. Với khu vực đê biển xung yếu đang thi công, các địa phương phải có phương án bảo vệ.
“Chúng ta chỉ còn thời gian rất ngắn để ứng phó áp thấp nhiệt đới. Cần coi đây là một đợt tập diễn tập cho những tình huống nguy hiểm sau này”, ông Hoài nói.
Ông Hoài lưu ý thêm một số hồ chứa lớn ở miền Bắc đã đầy nước, địa phương cần xem việc vận hành hồ chứa để đảm bảo an toàn. Bộ phận trực ban cần triển khai việc tình hình khu vực miền núi và tăng cường lực lượng xung kích cơ sở đi kiểm tra tại địa bàn.
Sau khi ứng phó với tuyến biển, cần chuyển sang trọng tâm là ứng phó với mưa lũ và sạt lở đất ở các tỉnh miền núi.
Nguồn: News.zing.vn