Ngày 12/2 (tức ngày 16 tháng Giêng), lễ hội Kinh Dương Vương (Đại Đồng Thành, Thuận Thành) chính thức khai hội nhằm kỷ niệm 4.896 năm Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương khai sơn, sáng thủy. Lễ hội được tổ chức từ ngày 16 đến 18 tháng Giêng. Ngoài việc cầu mong Quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng, lễ hội còn thể hiện lòng tự tôn dân tộc, gìn giữ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, hướng về nguồn cội của con Lạc, cháu Hồng khắp cả nước.
Màn trống khai hội tại đền thờ Kinh Dương Vương (thôn Á Lữ, Đại Đồng Thành, Thuận Thành)
Trong tâm thức người Việt, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ được coi như những vị Thủy tổ mở nước, nguồn cội của dân tộc nên hàng năm cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về con dân đất Việt trong cả nước lại hành hương về khu di tích lăng và đền Kinh Dương Vương để bái yết, tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của những bậc thủy tổ có công khai sơn sáng thủy lập nên nước Xích Quỷ, nhà nước có chủ quyền đầu tiên của nước Việt.
Đền và lăng Kinh Dương Vương tại thôn Á Lữ từ lâu được các triều đại phong kiến coi là chốn linh thiêng bậc nhất, xếp vào loại miếu thờ Đế vương. Vào dịp tế lễ Vua, quan các triều đại đều trực tiếp về đây để thắp hương bái tổ. Hiện trong Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý như ngai thờ Kinh Dương Vương, 15 sắc phong, thần phả, văn tế, hoành phi, câu đối ca ngợi về người được thờ như: “Nam bang thuỷ tổ” (Thuỷ tổ nước Nam), “Nam tổ miếu” (Miếu thờ ông Tổ nước Nam”, “Bách Việt Tổ” (Vua Tổ nước Nam)…
Hàng năm, nhân dân và chính quyền địa phương đều long trọng tổ chức lễ hội Kinh Dương Vương nhằm bày tỏ lòng thành kính, tri ân Đức vua Thủy tổ, đồng thời giáo dục truyền thống tốt đẹp cho con cháu nhớ về nguồn cội. Lễ hội được bắt đầu bằng hàng loạt nghi lễ truyền thống như rước nước về thờ tại đền và lăng, rước bài vị của các vị thành hoàng làng ở một số thôn lên đền và lăng Kinh Dương Vương. Trong đoàn rước luôn có các hoạt động văn hóa đặc sắc như: Múa lân, múa rồng…
Sau phần lễ trang nghiêm, phần hội cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa phong phú, như hát Quan họ trên thuyền, hát Chèo, Tuồng, Ca trù, múa rối nước…. đặc biệt là hát Trống quân, một loại hình nghệ thuật đặc sắc có từ lâu đời của người dân huyện Thuận Thành. Bên cạnh đó nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống cũng được đưa vào phục vụ nhân dân và du khách như kéo co, đập niêu, đu tiên, tổ tôm điếm, cờ tướng, bóng chuyền, vật, dưỡng sinh… Ban tổ chức lễ hội còn trưng bày giới thiệu những sản phẩm nghề truyền thống của địa phương như gốm Luy Lâu, tranh Đông Hồ, tương Đình Tổ, nem Bùi Xá, thi Gà Hồ… Các nghi thức truyền thống và hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của lễ hội Kinh Dương Vương được diễn ra đến hết ngày 18 tháng Giêng (tức ngày 14/2).
Theo Ban tổ chức, do năm nay trùng với dịp kỷ niệm 185 năm thành lập tỉnh và 20 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh nên lượng du khác thập phương về bái tổ, dâng hương dự tính sẽ đông hơn mọi năm, vì thế các phương án phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh y tế… đều được huyện xây dựng và triển khai ngay từ những ngày đầu của năm 2017. Trong thời gian diễn ra lễ hội, đội kiểm tra liên ngành 814 của huyện thường xuyên phối hợp với xã Đại Đồng Thành rà soát các điểm kinh doanh và dịch vụ văn hóa, bảo đảm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hoạt động tôn giáo trái phép, các hoạt động mê tín dị đoan, lưu hành văn hóa phẩm không lành mạnh, góp phần làm cho lễ hội ngày một văn minh.
Nguyên Đức
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn