Bắc Ninh: Níu giữ nhịp phách ca trù

0
149

Ca trù là loại hình nghệ thuật sang trọng cổ truyền của người Việt. Tuy nhiên cách trình diễn không cần đông người, như câu ca của nghề “đào đẹp, kép xinh, trống oai vị”. Vai trò thứ ba “trống oai vị” lại chỉ dành cho người có chức sắc, sành ca trù “cầm chầu”, thành ra đoàn hát chỉ cần hai người “đào, kép” là đủ. Đào là người hát kiêm gõ phách giữ nhịp. Kép là người chơi đàn đáy đệm cho đào hát.

Nghệ nhân ca trù Nguyễn Trọng Lộ, Nguyễn Thị Điện, Nguyễn Trọng Thỉnh (từ trái qua phải)

Bắc Ninh là địa phương có truyền thống hiếu học và khoa bảng do đó cũng là nơi sành chơi ca trù, với trung tâm nổi tiếng lâu đời là làng nghề ca trù Thanh Tương (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), như sách “Kinh Bắc phong thổ kí” thời Lê viết “Kẻ Tướng đi hát được xâu tiền dài”. Ngoài ra còn một số trung tâm khác như Tiểu Than (Gia Bình), Đông Tiến (Yên Phong). Tuy nhiên, đến nay cả ba trung tâm ca trù chỉ còn cặp đàn đáy kiêm cầm trống chầu là hai nghệ nhân Nguyễn Trọng Lộ và Nguyễn Trọng Thỉnh ở Thanh Khương. Cụ Nguyễn Trọng Lộ đã 80 tuổi, còn cụ Nguyễn Trọng Thỉnh cũng đã 70 tuổi.

Cụ Nguyễn Trọng Lộ xuất thân trong gia đình có truyền thống ca trù. Lớp trước có cụ Nguyễn Thị Thục là bà bác dâu là đào giỏi. Tiếp theo có hai vợ chồng người bác Nguyễn Trọng Sung, Nguyễn Thị Huê là cặp đào kép nổi tiếng, từng vào Huế biểu diễn hầu vua. Cụ Sung không có con, nên dốc lòng truyền dạy ngón đàn cho cháu. Cụ Lộ kể, cách truyền dạy truyền khẩu nhưng có bài bản. Muốn chơi đàn đệm hát được thì trước hết phải thuộc các bài hát khác nhau, nay quy thành các thể hát ca trù. Tiếp theo học xướng nốt nhạc thành lời. Một bản nhạc ca trù thường có ba trổ: nhạc dạo, nhạc giãi và nhạc đệm. Nhạc dạo và nhạc giãi tương đối cố định, còn nhạc đệm rất tùy hứng, cốt hợp với lời và nhịp đào hát là được. Tuy nhiên cụ Sung vẫn quy thành lời nhạc theo từng bài. Khi thuộc lời nhạc mới bắt tay vào tập đàn. Cụ Lộ là người sớm va chạm với ca trù nên tai nhạc khá chuẩn, học đàn tiến bộ nhanh. Bấy giờ hát ca trù đã bị mai một, nghề không còn hành được nữa, nhưng nể bác nên cụ Lộ vẫn chịu khó học cho bác vui. Và việc học đàn đã không uổng. Năm 1964 cụ Lộ đã được tuyển vào học trường Văn hóa nghệ thuật Hà Bắc. Ở đây cụ học nhạc chèo và là tay trống chèo cự phách. Cây đàn đáy ba dây tơ “hàng, trung, hiếu” đành treo lên vách làm kỉ niệm. Học xong cụ được giữ lại trường làm giảng viên. Năm 1979 do hoàn cảnh gia đình khó khăn cụ nghỉ thôi việc. 

Năm 2005 cụ Lộ lại cầm cây đàn đáy trong công cuộc khôi phục nghệ thuật hát ca trù của địa phương. Bấy giờ làng nghề còn sót lại một đào là cụ Nguyễn Thị Thiệp, và một kép là cụ Nguyễn Văn Đức. Do thiếu người cầm trống chầu nên cụ Nguyễn Trọng Thỉnh, là cháu họ cụ Lộ, người cũng từng là nhạc công đoàn Quan họ chuyển sang học trống. Cụ Thiệp truyền dạy cho nhiều người học hát, nhưng chỉ có hai ca nương trẻ là Trần Thị Kim Tuyến và Nguyễn Thị Tân tiếp thu đủ khả năng biểu diễn được. Tuy nhiên cụ Đức tuổi cao đã chẳng theo nghiệp được bao lâu, chỉ còn cụ Lộ vẫn cố gắng níu nhịp phách ca trù cho làng nghề. Cụ Lộ cũng đã mở lớp truyền nghề, nhưng người đam mê ít, người học thành tài cũng chưa có. Hiện chỉ có cụ Thỉnh thành nghề. Hai cụ thay nhau lúc người này đàn thì người kia cầm trống và ngược lại. Hai cụ còn truyền nghề cho hai trung tâm Tiểu Than, Đông Tiến nhưng đến nay vẫn chưa có người kế tục.

Cụ Lộ tâm sự, tuy ca trù đã được UNESSCO công nhận là loại hình nghệ thuật giá trị nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp nhưng đến nay các nghệ nhân vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Ngay ba dây đàn bằng tơ cũng không có, nay phải dùng bằng dây cước âm không chuẩn lại nhanh bị đàn hồi. Việc truyền nghề không có hoặc nếu có thì tiền bồi dưỡng thấp. Về phong tặng danh hiệu cho kép vẫn chưa có, hiện mới chỉ dừng lại phong tặng danh hiệu cho đào. Với những kép cuối cùng, báu vật sống của nghề mà như vậy thử hỏi làm sao hấp dẫn được lớp trẻ vào nghề. Người tám mươi truyền nghề cho người bảy mươi, tiếng đàn đáy giữ nhịp phách ca trù quả là đáng phải quan tâm của cả địa phương lẫn các cơ quan văn hóa cấp trên.

Phạm Thuận Thành

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn