Tại nơi điều trị những bệnh nhân Covid-19 nặng, nhiều nhân viên y tế kiệt sức, ngất xỉu khi trên người vẫn mặc bộ đồ bảo hộ ướt sũng mồ hôi.
Hơn 2 tháng qua, kể từ khi được phân công nhiệm vụ Trưởng khoa 7B tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, bác sĩ CK1 Trần Hữu Chinh (Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy) không về nhà.
Vào năm 2020, bác sĩ Chinh cũng đã tăng cường ra Đà Nẵng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trong một tháng. Nhiệm vụ khi ấy rất khó khăn, nhưng với anh, đó chưa là gì so với tình hình hiện tại tại TP.HCM, nơi đang ghi nhận đến hàng nghìn ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày.
“Đợt dịch lần này tại TPHCM khốc liệt hơn rất nhiều bởi số lượng bệnh nhân quá lớn, trường hợp nặng đông và diễn tiến rất nhanh”, bác sĩ Chinh chia sẻ cùng Zing.
Bác sĩ Chinh xuống ca, trở về phòng nghỉ dã chiến là những buồng bệnh chưa đưa vào sử dụng. Ảnh: Duy Hiệu. |
Cường độ làm việc vượt qua công suất bản thân
Theo bác sĩ Chinh, trong giai đoạn này, mỗi ngày Bệnh viện Hồi sức Covid-19 tiếp nhận 50-70 bệnh nhân Covid-19 tình trạng nặng và nguy kịch, trong đó khoa 7B nhận 10-15 trường hợp.
Ngoài nhiệm vụ là bác sĩ điều trị, anh còn kiêm công việc quản lý khoa, điều phối bệnh nhân nặng chuyển lên từ các bệnh viện phân tầng dưới và bệnh viện dã chiến. Theo anh, công việc của mình nhiều hơn gấp 3 lần so với những đợt dịch trước.
“Một ngày, tôi hội chẩn vài chục bệnh nhân từ bệnh viện dã chiến hoặc bệnh viện ở tầng điều trị thứ 2, nhận diện tình trạng bệnh của họ. Đối với các trường hợp diễn tiến nặng, tôi điều chuyển đến Bệnh viện Hồi sức Covid-19 để giúp họ được can thiệp y tế kịp thời, từ đó làm giảm đi số lượng bệnh nhân tử vong. Ngoài ra, tôi còn hỗ trợ chuyên môn cho những bệnh viện tuyến dưới trong phương pháp điều trị và xử trí những bệnh nhân Covid-19 nặng”, bác sĩ Chinh nói.
Bác sĩ Chinh làm việc nhiều hơn gấp 3 lần trong đợt dịch này. Ảnh: NVCC. |
Không riêng bác sĩ Chinh, tất cả bác sĩ, nhân viên y tế cũng như tình nguyện viên tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đều đang phải làm việc với cường độ rất cao.
Bác sĩ Chinh chia sẻ rằng đã có nhiều người phải kiệt sức, thậm chí ngất xỉu ngay tại buồng bệnh, trong bộ đồ bảo hộ y tế ướt sũng mồ hôi. Hầu hết mỗi ngày, nhân viên y tế đều làm việc liên tục 10-12 tiếng, phải hạn chế ăn uống và đi vệ sinh.
“Trong bệnh viện, cường độ làm việc của các bác sĩ luôn vượt xa so với công suất bản thân. Thật sự tôi rất thương các anh em, nhưng vì bệnh nhân, chúng tôi chỉ có thể động viên nhau rằng đã cố gắng thì hãy cố gắng hơn nữa”, bác sĩ Chính nói.
“Tôi nhớ vào tháng đầu tiên của đợt dịch này, với lượng bệnh nhân tình trạng nặng nhiều quá sức tưởng tượng, hầu như ngày nào nhân viên y tế cũng phải mặc đồ bảo hộ đến 12 tiếng. Toàn bộ thời gian, họ liên tục làm việc hối hả, gấp gáp”, bác sĩ Chinh kể lại.
Bất lực
Khối lượng công việc lớn khiến các y bác sĩ kiệt sức, nhưng họ lại càng nản lòng hơn nữa khi phải đối mặt với những ca bệnh khó, làm mọi cách vẫn không thể níu giữ tính mạng người bệnh.
Bác sĩ Chinh cho biết mình thường rất lo lắng khi tiếp nhận những trường hợp là sản phụ đang mang thai còn non tháng. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hồi sức Covid-19 là đã rơi tình trạng rất nặng, phải thở máy, lọc máu hoặc chạy ECMO.
Có nhiều sản phụ, dù đã được bác sĩ cố gắng chữa trị, nhưng họ vẫn không qua khỏi, thậm chí con sơ sinh cũng qua đời.
“Thật sự những lúc không cứu được bệnh nhân, chúng tôi rất nản chí. Nhiều con người như vậy, thiết bị, máy móc như vậy, thế mà không thể giữ được một tính mạng”, anh bày tỏ.
Bác sĩ Chinh (ngoài cùng, bên phải) cùng đồng nghiệp trong những lúc nghỉ ngơi. Ảnh: NVCC. |
Dẫu vậy, ngay sau những ca bệnh khó lại tiếp tục là những trường hợp nặng khác. Bác sĩ Chinh không cho phép tâm trạng xấu ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Anh và đồng nghiệp lại kéo nhau đứng dậy, chạy đến nơi có tiếng gọi gấp của nhân viên y tế.
Tất bật suốt hơn 2 tháng qua không một ngày nghỉ ngơi, sự đền đáp lớn nhất đối với bác sĩ Chinh chính là lời động viên của gia đình và sự hồi phục tích cực của người bệnh.
Theo anh, mỗi lần cứu sống được bệnh nhân, anh và đồng nghiệp rất vui sướng. Những người bệnh khi tỉnh lại luôn bày tỏ sự cảm kích, họ cảm ơn và coi nhân viên y tế như người thân của mình.
“Động lực lớn nhất của chúng tôi chính là nụ cười của người bệnh sau khi vượt qua cơn nguy kịch. Nhìn những bệnh nhân được bước lên xe đi về với gia đình, đó là một niềm vui không có gì diễn tả nổi với chúng tôi”, bác sĩ Chinh nói.
Nguồn: News.zing.vn