Bác sĩ kể chuyện điều trị bệnh nhân Covid-19

0
66

Nhiều bệnh nhân nhập viện không triệu chứng, diễn tiến bệnh ở mỗi người khác nhau, đội ngũ y, bác sĩ luôn phải theo dõi chặt chẽ để phân loại và điều trị.

Hồi đầu năm, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Hải Dương, các bệnh viện dã chiến được thành lập để điều trị bệnh nhân mắc virus SAR-CoV-2. Bác sĩ Ngô Đức Hùng cùng đồng nghiệp ở Bệnh viện Bạch Mai tham gia công tác điều trị ở Viện dã chiến số 2 Hải Dương (tại Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương).

Bác sĩ Ngô Đức Hùng đã ghi lại những trải nghiệm của mình khi làm việc tại nơi này. Các ghi chép ấy được tập hợp trong cuốn Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể. Qua những việc mắt thấy tai nghe của một người chống dịch tuyến đầu, bạn đọc phần nào hiểu được cống hiến của đội ngũ y bác sĩ.

Trong vien da chien anh 1

Sách Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể. Ảnh: Y Nguyên.

Theo lời kể của bác sĩ Ngô Đức Hùng, sau khi viện dã chiến đi vào hoạt động vài ngày, bệnh nhân được chuyển đến “tăng chóng mặt”. Nhiều bác sĩ túc trực ở bệnh viên xuyên Tết, có hôm xuyên đêm. “Họ cũng có gia đình, có người thân và nhiều nỗi lo lắng về cuộc sống. Bây giờ dẹp hết qua một bên xuống đóng quân tại nơi này”.

Khi số người nhập viện tăng, đội ngũ y bác sĩ vất vả trong việc phân loại, sắp xếp chỗ nằm cho người nhiễm bệnh. Họ phải tận dụng hết thời gian để đào tạo nhanh các nhân viên về phác đồ cũng như cách theo dõi, sử dụng phương tiện bảo hộ.

Người nhập viện hầu hết đều không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Một số có tổn thương phổi lại rất ít có dấu hiệu lâm sàng, được phát hiện qua chụp X-quang hoặc cắt lớp vi tính. Nhưng theo thời gian, diễn tiến bệnh ở mỗi người khác nhau khiến đội ngũ điều trị luôn phải theo dõi chặt chẽ.

“Nhằng cái diễn tiến nặng lên, chụp lại cái phổi đã thấy tổn thương to hơn hôm trước… Những diễn biến không theo quy luật ấy khiến đội điều trị căng mình ra mà theo dõi, chả nhàn hạ được như các thánh cõi mạng bảo ối giời 80% không có triệu chứng thì chữa cái gì”, trích nội dung sách.

Có những bệnh nhân triệu chứng rầm rộ nhưng tổn thương phổi không nhiều. Cũng có trường hợp cả đội chữa trị toát mồ hôi khi nhìn thấy hình ảnh chụp một cái phổi “trắng xóa”, định đưa bệnh nhân nằm hồi sức, nhưng gặp bệnh nhân thì thấy “cậu bé đang đùa như giặc”. Những hiểu biết về virus SAR-CoV-2 đến nay còn hạn chế, vì vậy, việc dự báo hầu như không khả thi, y bác sĩ chỉ có cách theo dõi người mắc liên tục bằng xét nghiệm và hình ảnh chụp chiếu.

Có những đêm, tưởng các bệnh nhân đã ổn hết, thì nhận tin nhắn từ kíp trực về một trường hợp có dấu hiệu nặng, các bác sĩ lại mặc bộ đồ bảo hộ vào thăm khám, xét nghiệm.

Trong vien da chien anh 2

Bác sĩ Ngô Đức Hùng. Ảnh: FB Hung Ngo.

Trong viện dã chiến, cơ sở vật chất không thể làm hài lòng tất cả. Có những bệnh nhân không hợp tác gây cản trở công việc của đội ngũ y, bác sĩ. “Có bệnh nhân vừa vào đã làm náo loạn cả khu điều trị. Đòi hỏi hạch sách đủ thứ, dọa quen ông nọ bà kia ghê gớm lắm”, trích nội dung sách.

Lại có những người gây ầm ĩ chưa đủ, còn tự ý đi lại giữa các khu cách ly, từ khu người dương tính sang khu âm tính, gây nguy cơ, ảnh hưởng tới công tác truy vết.

Trong những ngày khu điều trị ổn định, không phải can thiệp y tế nhiều, đội ngũ y, bác sĩ được phép “thả lỏng” vào chiều tối. Chút bình yên ấy khiến bác sĩ khao khát một khoảnh khắc bình dị: “Giờ này, được mang cốc cà phê ra ngồi phơi nắng và đọc sách thì cuộc đời này thanh thản biết bao nhiêu”.

Bác sĩ Hùng ý thức đó là cái khao khát được tự do làm điều mình thích khi chưa có dịch bệnh. Còn hiện tại, anh và các đồng nghiệp đang trên con đường góp công sức giành lại ý nghĩa cuộc sống từ dịch bệnh.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn