Khi số bệnh nhân mắc Covid-19 ở Mỹ là trẻ em gia tăng, các bác sĩ Nhi khoa lo lắng, áp lực khi phải chăm lo sức khỏe thể chất, tinh thần cho các bé và người thân.
Mỗi lần tiếp xúc với một bệnh nhân Covid-19 nhỏ tuổi, Tiến sĩ Sarah Ash Combs sẽ chào đón các bé bằng câu hỏi: “Hôm nay con đi tất màu gì vậy?”.
Khi bắt gặp bệnh nhi nửa tò mò, nửa dè chừng nhìn cô trong bộ đồ bảo hộ kín mít, Combs sẽ kéo hờ ồng quần, để lộ những đôi tất sặc sỡ, nhiều họa tiết, đôi khi không cùng bộ để xóa tan khoảng cách với các bé.
Tỷ lệ trẻ em Mỹ mắc Covid-19 gần đây gia tăng do chủng Delta hoành hành và các bé chưa đủ điều kiện tiêm vaccine. Ảnh: TIME. |
Do chưa đủ điều kiện tiêm vaccine, trẻ em trở thành đối tượng có nguy cơ cao khi biến chủng Delta hoành hành tại xứ cờ hoa.
Trước tình hình này, các nhân viên y tế khoa Nhi nay đối diện với nhiều thách thức mới: chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ tâm lý cho các F0 nhí, trấn an gia đình bệnh nhi…
“Tôi muốn các bé thấy thoải mái trong quá trình điều trị. Tôi không ngại đi đôi tất lấp lánh, đeo huy hiệu hoạt hình, nói chuyện với tông giọng kỳ cục để bệnh nhi cảm thấy an tâm”, nữ bác sĩ Combs nói.
Đau đớn khi thấy F0 nhí mắc bệnh
Sau thời gian nghỉ sinh con, bác sĩ Combs quay lại công tác tại phòng cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia (Washington, D.C.). Chia sẻ với CNN, cô cho biết mình hiểu nỗi lo của các bậc cha mẹ khi con mắc Covid-19.
Ngày đầu tiên quay trở lại bệnh viện, cô gặp một người mẹ đưa đứa con 2 tháng tuổi tới kiểm tra. Khi xác nhận đứa bé nhiễm nCoV, Combs không khỏi sợ hãi khi nghĩ tới con mình ở nhà.
May mắn thay, bệnh nhi đã bình phục.
Bác sĩ Combs thường đi tất sặc sỡ, mang theo hình dán, huy hiệu hoạt hình để làm thân với bệnh nhi, giúp các bé thoải mái tâm lý hơn. Ảnh: CNN. |
Combs nói rằng ngoài việc điều trị và tạo không khí thoải mái cho bệnh nhi, các nhân viên y tế ở khoa cô còn đối diện với nhiều áp lực từ phía gia đình F0.
Dữ liệu mới từ Học viện Nhi khoa Mỹ cho thấy 26% ca nhiễm Covid-19 mới trên toàn quốc lại là trẻ em. Ngày 26/9, CDC Mỹ cũng cho biết có khoảng 290 trẻ em phải nhập viện vì Covid-19 mỗi ngày.
Nhằm đảm bảo quy định phòng dịch, chỉ một người thân được phép ở lại chăm sóc các bé. Vì thế, không ít người cảm thấy căng thẳng, lo sợ, cáu giận khi thấy con nằm trên giường bệnh.
“Chấp hành quy định là tất yếu nhưng với tư cách một người mẹ, tôi hiểu họ đang đau đớn ra sao. Chúa ơi, tôi không thể tưởng tượng được nếu con mình rơi vào cảnh đó”, nữ bác sĩ nói.
Ảnh hưởng tâm lý
Khi F0 nhỏ tuổi gặp vấn đề tâm lý trong quá trình điều trị, Tiến sĩ Sanchita Sharma, nhà tâm lý học lâm sàng tại Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia, sẽ tới nói chuyện với các bé.
Cô cho biết dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề lên các gia đình gặp khó khăn về kinh tế. Ngoài F0 ở bệnh viện, cô cũng giúp nhiều trẻ em đang vật lộn với nỗi đau mất người thân do Covid-19.
Tiến sĩ Sanchita Sharma cho biết nhiều trẻ em bị ảnh hưởng tâm lý khi chứng kiến người thân mất vì Covid-19. Ảnh: MedPage. |
Ngoài ra, với những gia đình kinh tế khó khăn, phụ huynh phải ở nhà tự cách ly nếu con mắc Covid-19. Điều đó có thể tạo thêm gánh nặng cho tài chính của gia đình.
Mặt khác, nhiều gia đình da màu cũng lo lắng, ngờ vực với y tế cộng đồng.
“Họ nghĩ rằng: ‘Có phải con tôi sẽ chết hay không?’, sợ rằng đứa trẻ sẽ không được nhận đủ sự chăm sóc y tế cần thiết vì là người da màu”, Sharma nói.
Chuyên gia tâm lý cho rằng qua việc trò chuyện với các bậc cha mẹ, cô sẽ giúp họ thêm hiểu biết về dịch bệnh để giải thích cho trẻ, tỉnh táo và lạc quan để hỗ trợ con điều trị bệnh và giải tỏa căng thẳng cho họ.
“Sức khỏe tinh thần của các bậc cha mẹ liên quan trực tiếp tới tâm lý của trẻ”, Sharman nói.
Điều trị hậu Covid-19
Khi đại dịch kéo dài, Tiến sĩ Alicia Johnston, bác sĩ khoa Nhi tại Bệnh viện Nhi Boston, quyết định đưa các trò chơi như Simon Says, búp bê vào quá trình khám chữa, điều trị cho trẻ em.
Do nhiều gia đình ngại ra ngoài vì sợ nguy cơ lây nhiễm, cô thường thăm bệnh trực tuyến với các bậc cha mẹ.
Bác sĩ Johnston sử dụng trò chơi, búp bê vào thăm khám trực tuyến cho trẻ em. Ảnh: CNN. |
Cô cho biết biện pháp này giúp trẻ em cảm thấy thoải mái hơn, giúp cha mẹ có thời gian trao đổi với y bác sĩ trong khi các con chơi đùa.
Tuy nhiên, thách thức nằm ở việc không thể trực tiếp kiểm tra sức khỏe của bệnh nhi, trẻ em lại khó mô tả rõ tình trạng sức khỏe của mình.
Vì thế, cô thử chơi trò Simon Says qua cuộc gọi video, khuyến khích trẻ thực hiện theo mệnh lệnh của bác sĩ và cha mẹ để kiểm tra sức khỏe, dùng búp bê để mô phỏng quá trình khám.
Hiện tại, cô và các bác sĩ chuyên khoa cùng nhau điều trị cho các bệnh nhi mắc chứng Covid-19 kéo dài (Long Covid) sau khi khỏi bệnh.
“Bệnh nhi và các bậc phụ huynh đều cảm thấy được quan tâm, lắng nghe và hỗ trợ từ đội ngũ bác sĩ”, cô nói.
Nguồn: News.zing.vn