“Triết lý chợ cá cho cuộc sống” là câu chuyện hấp dẫn, kể về khu chợ cá Pike Place nổi tiếng ở Seattle, Mỹ.
Câu chuyện bắt đầu khi nhân vật chính Mary Jane Ramirez phải vật lộn mưu sinh ở vùng đất mới với gánh nặng tài chính nuôi hai con nhỏ, sau khi chồng qua đời. Ba năm cố gắng, cô cũng có một vị trí khá vững trong công ty và được đồng nghiệp yêu mến. Nhưng bước ngoặt cuộc đời xảy ra, cô bị chuyển đến văn phòng làm việc mới, tầng ba của công ty, nơi được mệnh danh “bãi rác sinh lực độc hại”.
Đón nhận thử thách làm việc ở môi trường ngột ngạt, với những đồng nghiệp cáu bẳn và không có tinh thần trách nhiệm, Mary gặp áp lực vì bản thân và những đồng nghiệp đứng trước nguy cơ bị sa thải bất cứ lúc nào.
Trong lúc đang bế tắc, cô tình cờ đi ngang qua khu chợ Pike Place. Trải nghiệm đó đã thực sự khiến cô thay đổi tư duy của mình về công việc.
Sách Triết lý chợ cá cho cuộc sống. Ảnh: Thu Thủy. |
Chợ cá – nơi làm việc lý tưởng
Cô được tận mắt chứng kiến một nơi làm việc lý tưởng, mặc dù ở đó mọi người lao động chân tay vất vả, khối lượng công việc lớn và những công việc lặp đi lặp lại hàng ngày.
Những người lao động ở đây luôn lạc quan và tận hưởng. Mary gặp được Lonnie – người bán cá. Anh đã chia sẻ bốn điều giúp cho chợ cá từ khu chợ bình thường, trở thành nổi tiếng khắp thế giới.
Thứ nhất, lựa chọn thái độ của bạn. Thực tế, bản chất công việc luôn là như vậy, nhưng bạn có quyền lựa chọn làm với thái độ vui vẻ, nhiệt tình hay có thể hời hợt, chống đối. Nhiều người thường nhìn công việc với áp lực và chán nản nên khi thực hiện, cảm giác thật khó khăn. Họ đối phó với những thứ cần làm và nên làm trong cuộc sống của mình.
Thế nhưng, thực tế về những người bán cá tại Pike Place đã cho thấy dù là công việc nào, chỉ khi bạn làm với thái độ vui vẻ và say mê, nó đều trở nên dễ dàng và ý nghĩa.
Thứ 2, chơi đùa. Những người bán cá đã tìm ra niềm vui trong công việc của mình. Những chú cá được vận chuyển bằng cách ném như bay. Họ hô hào, tung hứng nhau khi ném chúng.
Tất cả khiến không khí trở nên vui nhộn và sầm uất. Điều ấy cũng đem lại động lực cho họ, vì được vui đùa với công việc của mình, thoải mái, không áp lực. Đem niềm vui vào công việc chính là liều thuốc giảm áp lực cho mỗi người.
Thứ 3, tạo nên một ngày đáng nhớ. Trong câu chuyện, những người bán cá luôn kéo khách hàng vào những trò chơi của mình. Họ giúp khách hàng không chỉ được mua sản phẩm mà còn có một ngày đáng nhớ khi được tận tay bắt cá.
Chính sự kết hợp đó đã khiến khách hàng thêm thiện chí và hưng phấn. Đối với khách hàng, đồng nghiệp hay bất kỳ ai liên quan công việc của chúng ta, việc khiến họ có một ngày đáng nhớ lúc làm việc, giao tiếp đều sẽ giúp xóa tan khoảng cách và thuận lợi hơn trong công việc.
Hình ảnh tại chợ cá Pike Place. Ảnh: VisitSeattle. |
Những điều giúp thêm yêu công việc và cuộc sống
Cuối cùng, hãy tập trung. Điều này không hề mâu thuẫn với việc chúng ta chơi đùa trong công việc. Tập trung là trạng thái chăm chú vào công việc của chính mình, loại bỏ những thứ khiến ta phân tâm. Chơi đùa là một cách làm việc hiệu quả hơn trong giới hạn mà sự tâp trung đã vạch ra.
Chúng ta có 8 tiếng để làm việc nhưng bao nhiêu phần trăm thời gian đó thực sự dành cho công việc mới là điều quyết định năng suất thực tế.
Với những bài học của khu chợ cá Pike Place, Mary đã vực dậy tinh thần và thái độ làm việc của mình cùng đồng nghiệp. Trong cuộc sống của những người trưởng thành, không ít người gặp phải những khó khăn, vướng mắc khiến mỗi phút giây nơi công sở trở nên áp lực.
Những trải nghiệm của nhân vật Mary dường như khiến chúng ta nhìn thấy hình ảnh của bản thân mình trong đó.
Cuốn sách mang lại những phút giây thư giãn, giải trí song cũng khiến mỗi người lắng lại suy nghĩ về những điều giúp ta thêm yêu công việc và cuộc sống này hơn.
Và có lẽ, đây cũng chính là kim chỉ nam cho mỗi người muốn thực sự làm mới tư duy, tác phong làm việc để xây dựng được một “chợ cá” của riêng mình.
Nguồn: News.zing.vn