Tính đa dạng trong hình vẽ của người Naza thách đố khả năng tưởng tượng của chúng ta, làm nảy sinh nhiều giả thuyết. Con người không mấy khi đúng khi nghĩ rằng mình đã nghiên cứu xong mọi bí ẩn và chắc chắn, thật đáng tiếc nếu điều này diễn ra.
Nét vẽ Nazca – bản vẽ trên diện rộng khắc axit trên sa mạc miền nam Peru – rất nổi tiếng nhưng vô cùng khó hiểu. Tiếng tăm là sự phản ánh bí ẩn bao quanh ý nghĩa: có phải những người quan sát bầu trời thời cổ đại tạo ra để đánh dấu các sự kiện thiên văn? Có phải những nét vẽ này hình thành một bộ phận sơ đồ tưới tiêu, xưởng dệt khổng lồ, đường đua ngựa hay dùng làm bãi đáp của các vị khách từ thế giới bên kia? Có phải chúng được thần thánh quan sát từ trên cao hay do các pháp sư tạo ảo giác nhảy qua? Có phải chúng cho biết các nguồn nước trong một cảnh quan khô hạn, hay những lối đi hành lễ, kết hợp lễ nghi thời cổ đại để làm ra nước?
Hình khỉ và các động vật khác ở Pampa. |
Hình vẽ, hay nét chạm trên đất, đều tập trung ở Pampa, đồng bằng Nazca, một vùng đất phù sa hình quạt khoảng 220 km2, kẹp giữa ba sông lớn nhất trong vùng, phía đông giáp các đồi thấp dưới chân núi Andes. Hình vẽ gồm các dạng hình học như hình thang, chữ nhật, đường thẳng, xoáy trôn ốc, chữ chi và các hệ thống toả tia đồng tâm. Hình thang lớn nhất dài hơn 1 km, trong khi đường thẳng thường kéo dài nhiều km. Hình người, động, thực vật như chim, cá voi sát thủ, khỉ, nhện, hoa cũng tìm thấy ở Pampa. Những hình này nhỏ hơn các hình dạng hình học tìm thấy trên một dải đất rộng 10 km2 ở rìa phía Bắc Pampa. Hình nhện dài hơn 50 m, hình khỉ rộng hơn 100 m. Cả hai đều vẽ đơn giản, không đứt quãng và không hề cắt nhau.
Cách vẽ hình
Câu hỏi đặt ra là: Vẽ như thế nào và ai vẽ? Sự tương đồng giữa hoạ tiết trên đồ gốm và vải dệt kiểu Nazca và hình vẽ đưa ra chứng cứ thuyết phục rằng, người Nazca cổ đại (có nền văn minh phát triển mạnh từ khoảng 100 TCN đến năm 700), tạo ra phần lớn hình vẽ động, thực vật ở Pampa. Thật ra, giới nghiên cứu còn tìm thấy các mảnh gốm vỡ ở Nazca, có lẽ là lễ vật để lại, rải rác ở Pampa. Trong khi các hình vẽ khác như đường thẳng và hình thang (một vài hình cắt ngang hình động vật hay thậm chí xoá mờ chúng) cũng do người Nazca vẽ, xuất hiện vào khoảng năm 700.
Công nghệ sử dụng để tạo ra các đường thẳng hoàn toàn đơn sơ: bóc lớp đất mặt sẫm màu của Pampa sẽ để lộ lớp đất màu sáng hơn phía dưới. Qua hàng thiên niên kỷ, mangan và oxit sắt lắng tụ ở Pampa vì các vi sinh vật trong không khí để lại một lớp gỉ đồng mỏng trên bề mặt, còn gọi là lớp vec-ni sa mạc. Phác thảo các hình vẽ này bằng việc xếp số đá di dời dọc theo rìa. Nhưng làm cách nào để xếp thẳng đá? Lại một lần nữa, công nghệ hoàn toàn đơn giản phát huy tác dụng. Trong một thử nghiệm tiến hành ở Nazca, cần đến 12 người trong hơn một tiếng để phát quang khu vực, tạo ra đường thẳng dài 12 m và kết thúc bằng một đường xoắn ốc dài 25 m. Người ta dùng dây và cọc để phân định đường biên của đường thẳng, dây dùng làm hình cung, như com-pa để tạo đường xoắn ốc.
Bất chấp thời gian – một số hình vẽ hơn 2.000 năm tuổi – nét chạm trên đất vẫn tồn tại vì lượng mưa trong vùng không nhiều lắm. Phần lớn hư hỏng bắt đầu từ thời xây dựng xa lộ xuyên châu Mỹ, do xe cộ và đường mòn giẫm lên chính vùng Pampa, đã không chừa lại dấu vết mà còn xoá sạch các hình này.
Hình vẽ chim ở Pampa. |
Thực ra, khu vực này luôn bị hạn hán. Mối bận tâm lớn nhất thời cổ đại có lẽ là nước, dẫn đến việc đánh dấu bằng hình trên mặt đất ở vùng Pampa. Nghiên cứu địa chất và thuỷ học gần đây nhận dạng các đường phay thuận và tầng ngậm nước. Giả thuyết rằng đường thẳng và hình thang hình thành một bản đồ khổng lồ về hệ thống nước ngầm trong vùng. Giới nghiên cứu cũng nhận dạng 62 cái gọi là trung tâm toả tia – đường thẳng hội tụ ở một vùng cụ thể. Những trung tâm tia này có mặt ở các gò cao trong tự nhiên nhìn xuống lòng suối và dọc theo các chân núi. Có lẽ việc phác họa dòng nước chảy băng qua vùng Pampa, trung tâm tia phải có liên quan đến một loại nghi lễ cầu nước, thật không ngạc nhiên trong một vùng hiếm khi có mưa và lượng nước sông tuỳ thuộc vào lượng mưa ở dãy Andes ở phía đông. Vì mây bao quanh đỉnh núi, người ta nghĩ núi kiểm soát thời tiết và thờ cúng núi, nơi được xem là nơi thần núi cư ngụ. Một số hình vẽ như hình nhện, khỉ, chim và đường xoắn ốc đều liên tưởng đến biểu tượng phì nhiêu của dãy Andes lâu đời kết hợp với nước.
Có lẽ quan điểm phổ biến được chấp nhận nhiều nhất là các hình vẽ tạo ra một bộ phận trong tấm lịch thiên văn khổng lồ báo hiệu sự bắt đầu của mùa mưa và đánh dấu các biến cố trên trời trong vùng Nazca. Thế nhưng, nỗ lực liên kết một vài hình vẽ với các chòm sao hay kết hợp các đường thẳng với ngày đông chí, hạ chí đều không đi đến kết luận cuối cùng.
Trong khi hầu hết các nhà nghiên cứu đều nhất trí không có giải pháp riêng lẻ nào đối với bí ẩn của các nét vẽ Nazca, nhưng người ta đồng ý cách giải thích thuyết phục nhất có cơ sở nghi lễ gắn liền với việc thờ cúng thần núi, nước và sự phì nhiêu.
(Theo sách 70 kỳ quan thế giới cổ đại)
Nguồn: Vnexpress.net