Bánh tét “mặt trăng”

0
164

Với hình ảnh, hương vị đặc trưng, từ lâu, bánh tét “mặt trăng” được nhiều người biết đến. Ít ai biết món bánh này được “khai sinh” tại làng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng; Quảng Trị. Cứ mỗi độ gần Tết Nguyên đán, bếp lửa nấu bánh tét “mặt trăng” của các hộ dân ở làng Đại An Khê lại bập bùng suốt ngày đêm. Ở làng quê yên bình này, nhiều gia đình đã 3, 4 đời gắn bó với nghề làm bánh tét truyền thống.

Những đứa trẻ lớn lên được lớp người đi trước truyền dạy cách ngâm nếp, làm nhân, gói bánh… rồi gắn bó, yêu thích nghề lúc nào chẳng hay. Bà Lê Thị Diễm (81 tuổi), một người dân trong làng kể: “Khi còn nhỏ, tôi đã thấy ông bà, bố mẹ say sưa ngồi làm bánh. Lớn lên, tôi được mẹ chỉ dạy rất cẩn thận, chu đáo. Bánh tét “mặt trăng” là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ dâng lên tổ tiên, ông bà ngày tết nên con cháu ai cũng phải biết cách làm”. So với bánh tét các vùng miền khác, bánh tét “mặt trăng” của người dân làng Đại An Khê mang những nét rất riêng. Bánh không tròn vạnh mà có hình bán nguyệt. Khi đem nấu, người ta cột hai chiếc bánh lại với nhau, có đôi, có cặp. Bà con làng Đại An Khê lý giải, đây là hình ảnh tượng trưng cho sự hòa hợp, hạnh phúc của vợ chồng. Khi cắt bánh tét “mặt trăng” ra, ấn tượng đầu tiên là sắc xanh của nếp bao quanh màu vàng óng của đậu khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh mảnh trăng treo trên bức phông nền màu xanh no ấm. Theo những bậc cao niên ở làng Đại An Khê, chiếc bánh chính là sự gửi gắm thông điệp về một miền quê thanh bình, yên ả. 

Hiện nay, một số người dân ở các miền quê khác cũng đã học được cách làm bánh tét “mặt trăng” nhưng không phải ai cũng có thể cho ra đời món bánh với màu sắc và hương vị đặc trưng như ở làng Đại An Khê. Theo ông Đào Bá Vây (một người dân làm bánh tét “mặt trăng” có tiếng ở làng), để bánh thơm ngon, trước hết, nguyên liệu phải được chọn lựa kỹ. Ông Vây cho biết, sắc xanh của bánh tét “mặt trăng” không phải làm do phẩm màu, hóa chất tạo ra mà nhờ một loại lá từ thiên nhiên đó là rau ngót. Người làm bánh ở làng Đại An Khê chú ý chọn rau ngót tươi xanh, xay nhuyễn lấy nước, rồi trộn với nếp trắng do chính tay mình gieo trồng. Không chỉ mang lại màu sắc như ý, lá ngót còn giúp bánh dẻo thơm, có thêm chất dinh dưỡng. Cũng theo ông Vây, trước đây nhân bánh làm từ đậu xanh luộc mềm, chà mịn đem xào với hành, tiêu, dầu ăn… cho đến khi dậy sắc, dậy mùi rồi mới đem đi gói. Ngày nay, đời sống khá giả hơn nên nhiều người cho thêm thịt heo ba chỉ vào để bánh có độ béo. 

Trong quá trình gói, người làm bánh phải vừa cột, vừa nén để lớp vỏ bỏ không bị bung ra và đảm bảo phần nhân nằm chính giữa. Điều này đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo và sự kiên trì của người làm bánh. Từ nhiều năm nay, bánh tét “mặt trăng” đã đến với thực khách các miền quê trong và ngoài tỉnh, thậm chí xuất ngoại. Một chiếc bánh thành phẩm nặng 1,3-1,4 kg có giá bán trên dưới 50 ngàn đồng. Trước đây, người dân làng Đại An Khê chỉ làm bánh chủ yếu vào các dịp lễ tết nhưng giờ đây vì số lượng đơn đặt hàng ngày càng nhiều nên gia đình ông Vây và tầm 10 hộ dân khác trong làng làm bánh bán quanh năm. Mỗi ngày, gia đình ông Vây làm trung bình 60 đòn bánh, lúc cao điểm lên đến 200 đòn. Vào dịp lễ tết, vợ chồng ông Vây phải thuê thêm nhân công mới hoàn thành xong số lượng đơn đặt hàng. Người dân ở làng Đại An Khê hiểu việc mình đang làm góp phần giữ gìn nét văn hóa, truyền thống tốt đẹp của làng quê, gia đình. Không những thế, nghề làm bánh tét “mặt trăng” còn mang lại nguồn thu khá. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người dân ở làng Đại An Khê vẫn không nguôi trăn trở bởi thấy nghề làm bánh truyền thống vẫn nằm trong khuôn khổ gia đình. Các hộ dân chưa có sự liên kết, hỗ trợ chặt chẽ với nhau sản xuất, kinh doanh. Bà con cũng không có bất cứ một “chiến lược” hay kế hoạch dài hơi nào để phát triển nghề, quảng báo thương hiệu… 

Theo ông Lê Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Hải Thượng, nghề làm bánh tét “mặt trăng” được người dân làng Đại An Khê gìn giữ, lưu truyền qua nhiều đời. Hiện nay, lãnh đạo xã đã có chủ trương thành lập tổ hợp tác để điều hành sản xuất, quảng bá thương hiệu, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm…nhằm giúp người dân sống được bằng nghề truyền thống để hương vị, danh tiếng bánh tét “mặt trăng” ngày càng đi xa.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Điểm đến du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn