Bánh tét Trà Cuôn

0
Bánh tét Trà Cuôn

Sản phẩm làng nghề bánh tét Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh nổi tiếng thơm ngon, hương vị đậm đà và đã được vinh danh vào tốp ẩm thực tiêu biểu của Việt Nam. Cứ vào các dịp lễ, Tết hằng năm, các cơ sở, hộ gia đình ở làng nghề bánh tét Trà Cuôn hối hả với các hoạt động sản xuất, kinh doanh.


Cơ sở kinh doanh bánh tét Hai Lý, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh gói bánh phục vụ nhu cầu thị trường.

Theo các nghệ nhân làng nghề bánh tét Trà Cuôn, gói bánh tét là nghề truyền thống được gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ. Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh cũng đã công nhận làng nghề bánh tét Trà Cuôn theo Quyết định số 2085/ QĐ-UBND ngày 13/12/2011. Làng nghề bánh tét Trà Cuôn có khoảng 30 cơ sở, hộ gia đình tại các huyện Cầu Ngang, Châu Thành, thành phố Trà Vinh duy trì thường xuyên các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mỗi cơ sở, hộ gia đình có khả năng cung ứng ra thị trường từ 200-300 đòn (chiếc) bánh tét/ngày; vào các dịp lễ, Tết thì từ 10.000-12.000 đòn bánh tét/ngày, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn.

Chị Nguyễn Thị Diễm Phúc, cơ sở kinh doanh bánh tét Hai Lý, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang cho biết: “Các sản phẩm bánh tét ba mầu, bồ ngót, tứ quý của cơ sở là sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, được người tiêu dùng khắp mọi miền đất nước ưa chuộng”. Hằng ngày, cơ sở kinh doanh bánh tét Hai Lý cung ứng ra thị trường khoảng từ 300- 400 đòn bánh tét, mức giá từ 50.000-150.000 đồng/đòn tùy loại bánh. Nguyên liệu chính dùng để chế biến bánh gồm nếp sáp, đậu xanh, chuối, trứng muối, thịt mỡ, lá ngót; sản phẩm có hương vị thơm ngon tự nhiên, không phẩm mầu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cứ vào dịp Tết Nguyên đán, hay Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer Nam Bộ, cơ sở cung ứng ra thị trường hơn 10.000 đòn bánh tét/ ngày, giải quyết việc làm cho khoảng từ 70-80 lao động nhàn rỗi địa phương.

Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cơ sở kinh doanh bánh tét Hai Lý đặc biệt chú trọng đến các khâu thiết kế bao bì, nhãn hiệu, áp dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; đồng thời, đưa sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, 4 sao lên sàn thương mại điện tử, trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện lễ hội, hoạt động thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh…

Hằng năm, cứ vào dịp lễ, Tết cổ truyền của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh, cơ sở bánh tét 9 Di của chị Thạch Thị Di, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tất bật với các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo chị Di, gói bánh tét là nghề truyền thống lâu đời của gia đình. Bánh tét 9 Di, một trong những sản phẩm của làng nghề bánh tét Trà Cuôn, đã được tái công nhận sản phẩm đạt hạng OCOP 3 sao. Trong tháng 4, cơ sở bánh tét 9 Di cung ứng ra thị trường từ 3.000-4.000 đòn bánh tét các loại, với trọng lượng 500g, 800g, từ 1-2 kg. Bánh tét là sản phẩm được rất nhiều người sử dụng làm quà biếu, món ăn trong các buổi tiệc, ngày Tết.

Nhiều năm qua, chị Di tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ nữ doanh nhân của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh. Tại đây, chị Di thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, truyền cảm hứng khởi nghiệp cho các thành viên câu lạc bộ, hội viên phụ nữ. Từ đó, lan tỏa phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn. Nói về bí quyết để làm nên thương hiệu đặc sản bánh tét 9 Di, chị Di cho biết thêm: Các khâu chuẩn bị nguyên liệu, cách gói và nấu bánh là rất quan trọng. Nguyên liệu để chế biến bánh tét được chọn từ loại nếp sáp thơm ngon của địa phương, đậu xanh được tách vỏ, hấp chín, tán nhuyễn, thịt mỡ ba rọi ướp gia vị vừa miệng.

Những người thợ làng nghề bánh tét Trà Cuôn luôn tìm tòi, sáng tạo, chế biến các sản phẩm bánh thơm ngon, hương vị đậm đà. Theo đó, để đòn bánh tét có vị ngon phong phú hơn, thợ làm bánh bổ sung một số nguyên liệu như trứng muối, tôm khô, lạp xưởng. Đặc trưng của bánh tét truyền thống là có màu trắng của nếp sáp, khi người thợ cho thêm nước cốt lá cẩm, bánh có mầu tím; nước cốt trái gấc thì bánh có mầu đỏ; nước cốt lá bồ ngót thì bánh có mầu xanh, trông bắt mắt, hấp dẫn hơn.

Theo ông Kim Ruône, Bí thư Chi bộ ấp Bót Chếch, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, trong phong tục, tập quán của đồng bào Khmer Nam Bộ, bánh tét là thứ không thể thiếu trong các lễ hội, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây. Trong các dịp lễ, Tết, các hộ gia đình người dân tộc Khmer thường tổ chức gói bánh tét, dùng làm món ăn đón khách đến gia đình, dâng tặng các vị chư tăng chùa Phật giáo Nam tông. Các sản phẩm làng nghề bánh tét Trà Cuôn rất thơm ngon, hợp với khẩu vị gia đình; do vậy, cứ mỗi dịp lễ, Tết, các gia đình đều đặt mua bánh dùng làm món ăn, biếu tặng khách đến chơi nhà.

Bài và ảnh: Minh Khởi

Nguồn: Dulichvn