Bao giờ người Việt trở lại thời ‘đi Thái như đi chợ’?

0
Bao giờ người Việt trở lại thời ‘đi Thái như đi chợ’?

Một số người Việt vốn thường xuyên đi lại giữa Thái Lan và Việt Nam trước dịch mong các chính sách sẽ được nới lỏng giữa hai nước để trở về thời “đi Thái như đi chợ”.

Thai Lan mo cua anh 1

Trước năm 2020, Bangkok là một địa điểm du lịch quen thuộc với người Việt Nam. Khoảng cách ngắn, chuyến bay đa dạng, chính sách miễn visa giữa các nước ASEAN giúp nhiều người có thể đi và về giữa Hà Nội, TP.HCM với Bangkok trong thời gian ngắn. Những người Việt sống và làm việc ở Thái Lan cũng có thể về thăm nhà dễ dàng trong một kỳ nghỉ cuối tuần. Tất cả thay đổi vì Covid-19.

Đối với Trần Cẩm Tú, 37 tuổi, hiện sống tại Bangkok, những ngày đó có thể sắp trở lại khi Việt Nam và Thái Lan đều đang bắt đầu mở cửa lại cho du khách đã tiêm vaccine.

Ngày 1/11 đánh dấu cột mốc quan trọng của Thái Lan khi nước này mở cửa lại cho du khách đã tiêm vaccine từ 63 nước có nguy cơ thấp đến du lịch mà không cần phải cách ly, trong đó có Việt Nam. Đối với nhiều người, thông tin này đồng nghĩa việc những ngày có thể “đi Thái như đi chợ” sắp trở lại.

Tuy nhiên, Tú cho rằng việc đi lại vẫn chỉ phù hợp với những người sang và ở lại học tập, làm việc, cũng như sinh sống lâu dài tại Thái. “Không phù hợp với việc du lịch, đi ngắn ngày vì Việt Nam vẫn chưa mở cửa, việc về Việt Nam còn rất khó khăn”, Tú nói.

Mong mỏi sớm trở về Việt Nam

Mặc dù số ca mắc Covid-19 hàng ngày tại Thái Lan vẫn vào khoảng 8.000 ca, làn sóng dịch ở nước này đang có chiều hướng suy giảm. Việc mở cửa của Thái Lan nhằm hồi sinh ngành du lịch vốn chiếm hơn 11% GDP vào năm 2019, theo Reuters.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha gọi đây là “một bước nhỏ nhưng quan trọng để bắt đầu khôi phục cuộc sống thường ngày”.

Tú quen biết nhiều sinh viên đã tốt nghiệp, nhiều vị sư sang học tập, tu tập bị kẹt lại đã lâu. Nhiều người sang Thái Lan vì công việc nhưng vẫn chưa thể về nước.

“Bên cạnh đó, một số người đã định cư ở Thái Lan nhiều năm muốn về Việt Nam thăm gia đình, giải quyết công việc, giấy tờ cũng gặp khó khăn trong chuyến bay về nước”, Tú nói thêm.

Thai Lan mo cua anh 2

Trần Cẩm Tú (37 tuổi) tại khu vực tàu điện từ sân bay vào trung tâm Bangkok, Thái Lan hôm 29/10. Ảnh: NVCC.

Thảo Nguyên, 30 tuổi, sống tại Bangkok, nói rằng có nhiều công dân Việt Nam làm việc ở Thái Lan theo diện bất hợp pháp. Dịch bệnh ập đến đã “cướp đi việc làm” của nhiều lao động, khiến cuộc sống của họ khó khăn. Những người này đặc biệt mong chờ chuyến bay trở về nhà cùng gia đình.

Trong bối cảnh đó, một số người Việt tỏ ra hào hứng khi nghe thông tin Thái Lan mở cửa và hy vọng Việt Nam có thể sớm xem xét mô hình này.

Chị Tú kể lại bố chị mất năm 2020 và chị đã không thể về tang do đại dịch Covid-19. Phải đến mùa hè này, chị mới có thể trở về Việt Nam sau hơn hai năm nhưng theo chia sẻ của chị, giá vé vẫn còn đắt đỏ và thủ tục thì khá phức tạp.

“Giá vé tôi bay là 480 USD. Chuyến bay giải cứu đặc biệt thì không thể mua vé trên website hay bất kỳ đâu cả mà phải đăng ký theo đường link của Đại sứ quán Việt Nam để gửi danh sách cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 duyệt. Nếu không, sẽ không được nhập cảnh vào nước và được sắp xếp cách ly”, chị nói.

Trong khi đó, Nguyên nói rằng chị rất mong được về Việt Nam để thăm gia đình nhưng khi tính lại chi phí thì vượt quá khả năng cho phép.

Thai Lan mo cua anh 3

Chợ đêm The Proud Market RCA ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc bay và nhập cảnh vào Thái Lan đã dễ dàng hơn nhiều. Từ ngày 1/11, nước này thay thế hệ thống COE (Chứng chỉ nhập cảnh) tốc độ chậm, bằng hệ thống mới Thẻ thông hành Thái Lan (Thailand Pass) nhanh hơn kể. Giấy tờ của du khách sẽ được xác minh bằng mã QR, được cung cấp theo hệ thống Thẻ thông hành Thái Lan áp dụng tại tất cả sân bay của nước này.

Sau quyết định mở cửa đất nước nhằm hồi sinh ngành du lịch, theo ghi nhận của một số người Việt, Thái Lan cũng tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi tạo điều kiện tốt cho du khách. Các khách sạn, nhà hàng, các trung tâm thương mại đều chuẩn bị sẵn sàng. Một số điểm du lịch như chùa Phật Ngọc, các bảo tàng, triển lãm đã mở cửa trở lại.

“Trên thực tế mọi người đang rất mong mỏi mở cửa để đón khách vì nguồn thu nhập ở Thái Lan phụ thuộc nhiều vào du lịch”, chị Nguyên cho hay.

Đinh Thị Anh Trang, 35 tuổi, phiên dịch viên và chủ một cửa hàng đồ đông lạnh ở Thái Lan, định cư ở Bangkok trong 15 năm. Chị về nước từ ngày 6/4 để thăm ba mẹ, song bị kẹt ở Việt Nam 6 tháng.

Chị Trang chia sẻ bản thân chỉ định trở về Việt Nam trong một thời gian ngắn, nhưng do dịch, đến giờ chị mới có thể quay lại Thái.

“Thú thực, tôi từng có ý định đặt vé máy bay trở về Thái Lan trước đó. Tôi chấp nhận thủ tục phức tạp khi phải quá cảnh qua Singapore, chi phí cao và cách ly từ 7-10 ngày”, chị Trang nói. “Nhưng khi nghe tin sau ngày 1/11, Thái Lan sẽ có thay đổi cho người nhập cảnh từ Việt Nam, tôi quyết định đợi thêm”.

Thai Lan mo cua anh 4

Chị Trang tham quan thành phố Pattaya, Thái Lan. Ảnh: NVCC.

Và sự chờ đợi đó đã không làm chị Trang thất vọng. Thông tin Thái Lan giảm thời gian cách ly xuống còn một ngày quả thực đến “đúng lúc khiến chị không giấu nổi niềm vui sướng”. Chị cho biết đã chuẩn bị đủ giấy tờ cần thiết, tiêm đủ hai mũi vaccine và mua bảo hiểm Covid-19 để sẵn sàng cho chuyến bay thẳng đến Bangkok vào ngày 3/11.

Chi phí đi lại của chị Trang đã giảm đi nhiều dù vẫn cao hơn lúc trước đại dịch. Chị mong mỏi dịch sẽ sớm qua đi để có thể đưa cả gia đình về thăm Việt Nam thuận tiện như xưa.

Vẫn lo “chuyến đi du lịch, chuyến về giải cứu”

“Đây là điều mà tôi thực sự đã chờ đợi từ lâu”, Hải Linh, 22 tuổi, nói khi nghe tin Thái Lan “bật đèn xanh” cho du khách đã tiêm chủng đầy đủ từ 63 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Từng lang thang khắp trung tâm mua sắm Siam và chợ Chatuchak, Bangkok, Linh chưa từng đặt chân trở lại đất nước này trong hai năm trở lại đây. Giờ thì hình ảnh “tràn ngập trong tâm trí khi tôi nghe được tin (Thái Lan mở cửa – PV)”.

Là một chủ cửa hàng online chuyên buôn bán đồ dùng Thái Lan, trước dịch, có những thời gian Linh đến Thái mỗi hai tháng để lựa chọn những sản phẩm cho cửa hàng của mình, cũng như mua hàng theo yêu cầu của khách.

“Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, mình chủ yếu nhập hàng hóa qua trung gian. Mặc dù lợi nhuận không bị ảnh hưởng nhiều, tôi thích cảm giác được vi vu khắp Bangkok để tự tay chọn hàng”, Linh nói.

Thai Lan mo cua anh 5

Hải Linh trong một chuyến đi tới Thái Lan vào năm 2019. Ảnh: NVCC.

Khi nhận được thông tin Thái Lan miễn cách ly cho Việt Nam từ ngày 1/11, Linh liên tục tham khảo các thông tin về thủ tục cần có. “Tuy sự thuận tiện vẫn chưa so được với lúc trước đại dịch, tôi thấy đây vẫn là sự thay đổi rất đáng mong chờ. Mong rằng việc đi lại giữa hai nước sẽ sớm trở lại bình thường”.

Tuy nhiên, chi phí và thông tin hạn chế của chuyến bay trở lại Việt Nam lại khiến chị e ngại. Mặc dù rất nóng lòng quay lại Thái Lan, Linh cho rằng chị vẫn chưa dám ra quyết định vào thời điểm này.

Đồng quan điểm, Thu Hương, 21 tuổi, chia sẻ: “Theo mình, đây thực sự chưa phải lúc để đến Thái Lan du lịch”.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, chị từng có thời gian dạy tiếng Anh cho trẻ em theo một chương trình từ thiện ở Chanthaburi. Hương mô tả chị “nghiện Thái Lan như cách mà nhiều người Việt Nam nghiện Đà Lạt”, nên chị thường tụ tập cùng bạn bè tại Thái nhiều lần trong năm.

Thai Lan mo cua anh 6

Thu Hương tại một công viên ở tỉnh Chanthaburi, Thái Lan vào tháng 2/2019. Ảnh: NVCC.

Khi nghe tin Thái Lan miễn cách ly với du khách, Hương cho biết “tuy bản thân đã mong ngóng điều này từ lâu, tình hình dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp tại hai nước khiến chị rất băn khoăn”.

Với những thông tin hiện nay, chị lo ngại về một hành trình với “chuyến đi du lịch, chuyến về giải cứu”.

Nguồn: News.zing.vn