Những phượt thủ phương Tây ưa cảm giác mạnh thường rỉ tai nhau nơi phục vụ rượu rắn khi đến Hà Nội, theo tờ báo Hong Kong.
Gordon Ramsay từng uống trọn một ly rượu có quả tim rắn còn đập tại một nhà hàng ở Việt Nam khi tham gia show truyền hình Gordon’s Great Escape năm 2011. Đầu bếp sao Michelin này không phải vị khách nổi tiếng duy nhất đo tửu lượng bằng rượu rắn. Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts của bom tấn Kong: Skull Island cũng từng thử đặc sản này.
Rượu rắn không phải thức uống khó tìm trong nhà hàng ở Hà Nội, theo South China Morning Post.
Tại đó, nhân viên phục vụ sẽ cắt tiết và xẻ thịt rắn sống tại bàn để moi tim, lấy mật rồi pha vào rượu nếp cái hoa vàng. Người Việt Nam tin rằng rượu rắn có tác dụng bổ thận tráng dương, như chủ nhà hàng mời đầu bếp Mỹ Ramsay ví nó với bài thuốc “nhất dạ ngũ giao” của vua Minh Mạng.
“Phần lớn người Việt Nam chưa từng ăn thịt rắn, không kể đến việc uống rượu pha máu rắn. Đây không phải một phần văn hóa của chúng tôi, thực tế đặc sản này tồn tại trong ngành du lịch”, theo Tuan Bendixsen (sinh ra ở TP HCM), giám đốc văn phòng của quỹ phi chính phủ bảo vệ động vật Animals Asia Foundation tại Việt Nam.
Tổ chức này khuyến cáo khách du lịch tới Việt Nam không nên ăn thịt rắn hay uống rượu pha tiết hoặc mật rắn, để chấm dứt nạn ngược đãi động vật và tiếp tay cho hoạt động tiêu thụ động vật hoang dã.
Ngay cả khi nhà hàng khẳng định họ mua rắn từ trang trại, thực khách cũng khó lòng phân biệt đâu là rắn nuôi nhốt, đâu là rắn bị bắt từ tự nhiên. Có hơn 20 loài rắn được pháp luật Việt Nam bảo vệ, trong đó 4 loài là hổ mang.
Người tiêu thụ rượu rắn có thể nhiễm những loại virus, vi khuẩn trong rắn. Ảnh: Alamy. |
Ông Tuan Bendixsen khuyến cáo du khách không thử mọi loại rượu thuốc vì lý do an toàn và sức khỏe. Bởi thành phần của đồ uống này gồm rượu nếp chỉ có khoảng 30 – 40% cồn (ethanol) – không đủ mạnh để loại bỏ virus, vi khuẩn hay những tạp chất có hại.
Ngoài uống rượu, thực khách cũng có thể bị ngộ độc, tiêu chảy, thương hàn… do nhiễm trực khuẩn salmonella nếu ăn rắn sống.
Nếu phát hiện động vật hoang dã bị vận chuyển, quảng cáo và buôn bán, du khách và người dân có thể thông báo vi phạm tới đường dây nóng miễn phí 1800 1522 của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV).
Nguồn: Vnexpress.net