Theo thống kê của Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ, tính đến ngày 15/5/2017, các điểm di tích thuộc đơn vị quản lý đã đón tiếp tổng cộng 228.436 lượt người đến tham quan du lịch. Trong đó, khách trong nước 151.884 lượt người, khách nước ngoài 5.395 người, khách thuộc diện ưu tiên miễn phí (không phải mua vé) là 67.157 lượt người.
Nhiều năm qua, trong số các “điểm đến” của du lịch Điện Biên, Đồi A1 là nơi thu hút nhiều khách tham quan nhất. Ảnh: Thu Loan
Để làm nên con số ấn tượng trên, mấy năm gần đây ban lãnh đạo và tập thể cán bộ, nhân viên, người lao động của Bảo tàng không ngừng nỗ lực trong những điều kiện không phải lúc nào cũng thuận lợi, dễ dàng…
Trong cảm xúc ấy, chúng tôi lên thăm điểm di tích lịch sử đồi A1 để được tận tai nghe kể, tận mắt nhìn thấy những gì đã và đang diễn ra tại đây, trong nỗ lực chung đưa du lịch thành “ngành kinh tế mũi nhọn”. Tháng Năm, như để báo hiệu một mùa du lịch mới bắt đầu, đồi A1 đỏ chói chang bởi sắc hoa phượng vĩ. Dừng chân bên gốc cây phượng mấy chục năm tuổi gần xác chiếc xe tăng di tích, chị Cao Thị Nữ – Tổ trưởng tổ thuyết minh di tích Đồi A1 chia sẻ: Những vạt hoa lạc thấp lè tè thế này thôi, nhưng để có được những bông hoa vàng nhỏ nhoi, nền nã đó, anh chị em nhân viên của điểm di tích phải san gạt sườn đồi đến bật máu lòng bàn tay. Quả thực, những ai từng lên đồi A1 nếu để ý sẽ thấy mặt đồi rất nhiều sỏi đá, không chỉ san gạt mà còn phải lấy đất từ nơi khác về phủ lên trên mới có thể trồng hoa. Giờ thì nhiều chỗ hoa lạc khoe sắc vàng lung linh như trả công người vất vả, anh chị em ở đây cũng thấy hài lòng.
Theo chị Cao Thị Nữ, sau mấy lần trồng thử một số loài hoa khác nhưng không thành, cuối cùng cây hoa lạc tỏ ra phù hợp với chất đất của đồi A1. Việc trồng cây hoa lạc hay hoa gì cũng thế, không chỉ là động tác làm đẹp mà còn nhằm mục đích không có chỗ cho cỏ dại phát triển. Quả là “nhất cử lưỡng tiện”, vừa có hoa đẹp cho khách du lịch thưởng lãm, vừa đỡ công phát dọn cỏ hoang. Cảm kích trước nỗ lực và tấm lòng của chị em, một doanh nghiệp Điện Biên hiến tặng gần 500 gốc hoa hồng (thời điểm này đã đơm hoa). Thêm vào đó, một doanh nghiệp khác cũng tặng mấy chục vòm cổng sắt dựng trên lối xuống (phía Nghĩa trang A1). Chỉ ít ngày nữa thôi, giống hồng leo sẽ phủ kín các khung cổng sắt, tạo nên một cảnh tượng không chỉ đẹp mà còn huyền ảo như lối đi vào các “mê cung” mà chúng ta thường thấy trên sách báo, phim ảnh.
Để có một diện mạo của di tích lịch sử đồi A1 như hiện nay, trước hết phải kể đến vai trò của ban lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch mà trước hết là của giám đốc Phạm Việt Dũng. Điều đó thể hiện ở ý tưởng thành lập “Khu du lịch trải nghiệm” phía đông nam di tích. Bà Vũ Thị Tuyết Nga – Phó giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ – cho biết: Sau khi được lãnh đạo Sở cho chủ trương, dù kinh phí không có nhưng anh chị em trong khu di tích đã cùng nhau đóng góp kẻ nhiều người ít, thuê tư vấn, thuê thợ, thuê dân công… để dựng một sân khấu nhỏ và một số xe đạp thồ tái hiện cảnh dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong tiếp lương tải đạn cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Với quan điểm “không hiện đại hóa quá khứ”, nên “Khu du lịch trải nghiệm” được trưng bày chủ yếu là những hiện vật (phục dựng) chiến trường, đó là võng dù, hòm đạn, dây thép gai và ngay cả cái lọ cắm hoa cũng được chế tác từ vỏ đạn pháo cao xạ… Như người ta thường nói là “hiện vật cũng có linh hồn”, vì vậy mà thỉnh thoảng trong các đoàn khách du lịch, những cựu chiến binh Điện Biên Phủ và nhất là những người từng có mặt trong đội hình thanh niên xung phong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, nay đến đây ai cũng xúc động. Có cựu thanh niên xung phong lên sân khấu kể chuyện rồi làm động tác đẩy xe đạp thồ mà nước mắt tuôn trào, tự dưng thảng thốt, gọi rất to tên những đồng đội đã ngã xuống trong chiến dịch. Có cựu chiến binh gần 90 tuổi, phải nhờ người dìu lên sân khấu, nhưng khi kể chuyện chiến dịch Điện Biên Phủ thì tiếng hô “xung phong” như thể vỡ ra từ lồng ngực vạm vỡ thời trai trẻ…
Dịp này đang mùa vải chín, ngồi ở bàn nào của “Khu du lịch trải nghiệm” du khách cũng có cảm giác mơn man nơi khứu giác bởi hương thơm đặc trưng của giống vải Lục Ngạn. Chị Cà Thị Hà, người từng gần 20 năm làm công tác thuyết minh cho Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ trao đổi: Tại “Khu du lịch trải nghiệm” khách du lịch được uống nước miễn phí, với các cựu chiến binh Điện Biên Phủ thì còn được uống cà phê miễn phí. Hiện tại việc kinh doanh ở đây chưa có lãi, hơn nữa, đơn vị xác định phục vụ nhiệm vụ chính trị là chủ yếu. Chính vì vậy mà điểm di tích đồi A1 là nơi mà ban giám đốc yêu cầu không được “nói không” với khách. Kể cả trời mưa hay nắng, giữa trưa hay 9 – 10 giờ đêm, khách du lịch có yêu cầu tham quan là sẽ có nhân viên thuyết minh phục vụ và hơn nữa còn phục vụ tận tình, vui vẻ. Cũng theo chị Cà Thị Hà, tại đây mấy năm trước vấn đề bán hàng lưu niệm bị khách du lịch phàn nàn là “chặt chém” và thái độ không lịch sự. Tiếp thu ý kiến của du khách, ban giám đốc chỉ đạo một mặt quy hoạch lại vị trí bán hàng, một mặt lựa chọn kỹ lưỡng đối tượng ngồi bán vì chính họ là một phần bộ mặt của khu di tích thông qua các hành vi giao tiếp, ứng xử. Yêu cầu nhân viên bán hàng phải là người của khu di tích, hơn thế phải mặc đồng phục, đeo thẻ nghiêm chỉnh; hàng bán theo giá niêm yết, không chèo kéo và phải là hàng có chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ…
Cùng với Nhà trưng bày (tức Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ), thì Đồi A1 là hai trong số những điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất trong cụm di tích xếp hạng đặc biệt này. Biên chế của khu di tích Đồi A1 có tất cả 12 người. Những dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4, Quốc tế Lao động 1/5, Quốc khánh 2/9 và nhất là những dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, do lượng khách du lịch tăng đột biến so với ngày thường, nên lãnh đạo Bảo tàng huy động gần như toàn bộ anh chị em ra hiện trường. Ông Vũ Nam Hải – Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ – cho biết: Trong số 45 điểm di tích mà Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ đang quản lý, có những điểm thuộc dạng di tích phục hồi hoặc trùng tu, tôn tạo; nhưng có những điểm thuộc dạng di tích văn hóa – lịch sử. Giải thích cho những kiến thức chuyên ngành đó, theo ông Vũ Nam Hải, chẳng hạn như di tích hầm Đờ Cát, di tích cầu Mường Thanh, di tích Sở chỉ huy của quân ta tại Mường Phăng… thuộc dạng di tích phục hồi hoặc trùng tu, tôn tạo vì nguyên trạng chiến trường Điện Biên Phủ như thế hoặc gần như thế. Các di tích như: Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ, bia Hận thù Noong Nhai, Nhà văn hóa Cựu chiến binh trên đồi E, Công viên mừng chiến thắng tại Mường Phăng… là những công trình văn hóa được xây dựng trên khu (điểm) di tích lịch sử. Để giữ cho các điểm di tích được sạch đẹp, hàng tháng cơ quan chủ quản là Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ đôn đốc nhân viên dọn dẹp vệ sinh tại các điểm di tích.
Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ hiện quản lý 45 điểm di tích thuộc quần thể di tích cấp quốc gia Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ. Mùa du lịch mới đã bắt đầu, bên cạnh những giải pháp về nguồn nhân lực và công tác quản lý, đề nghị ngành Văn hóa – Thể thao & Du lịch nghiên cứu, xem xét các chính sách đãi ngộ như: Chế độ bồi dưỡng làm việc ngoài giờ, chế độ khen thưởng thích đáng. Bởi công tác hướng dẫn, thuyết minh tuyên truyền là công việc hết sức vất vả, phải di chuyển liên tục ngoài trời trong mọi điều kiện thời tiết, không có thời gian nghỉ ngơi và tiếp xúc với nhiều đối tượng khách tham quan. Hướng dẫn viên và thuyết minh viên phải thật sự tâm huyết với nghề và sức khỏe tốt để thực hiện yêu cầu nhiệm vụ; trong khi đó ngoài lương, hiện nay các hướng dẫn viên và thuyết minh viên không có bất kỳ khoản phụ cấp nào, dù nhỏ. Để động viên họ cống hiến hết mình, chúng ta cần có chế độ hỗ trợ, khuyến khích cụ thể hàng ngày, hàng tháng, hàng quý tại các đơn vị trực tiếp quản lý. Quan tâm việc đầu tư các trang thiết bị phụ trợ như loa, micrô, trang phục… để các hướng dẫn viên, thuyết minh viên có điều kiện thể hiện lời thuyết minh sao cho truyền cảm, hấp dẫn và tạo ấn tượng tốt nhất trong lòng du khách…
Trương Hữu Thiêm
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn