Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là công trình xây dựng chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2014), được khởi công xây dựng từ tháng 10/2012 và mở cửa đón khách ngày 5/5/2014. Đây là điểm dừng chân mỗi khi du khách đến Điện Biên, là không gian sống động về chiến thắng chấn động địa cầu.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được thi công xây dựng từ tháng 10/2012, có diện tích trên 22.000m2. Sự hoành tráng trong thiết kế cùng với thủ pháp trưng bày độc đáo sẽ khiến người xem như được trở về để chứng kiến chặng đường 9 năm kháng chiến chống Pháp khi đi xuyên suốt không gian trưng bày của Bảo tàng.
Khu nhà chính được thiết kế hình chiếc mũ nan có mắc lưới để gài vật ngụy trang, giống như của chiến sĩ Điện Biên năm xưa, gồm một tầng hầm và một tầng nổi.
Tầng hầm sẽ là nơi đón tiếp khách tham quan, khu hành chính và không gian học tập tương tác; tầng nổi sẽ là không gian trưng bày cố định, không gian panorama (toàn cảnh) và bộ phận làm việc.
Bảo tàng rộng hơn 7.000m2, trưng bày gần 1.000 hiện vật và hình ảnh được chia làm 4 nội dung gồm: Chặng đường 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, từ 9/1945-9/1953; diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ; sự giúp đỡ của nhân dân thế giới đối với chiến dịch Điện Biên Phủ; tác động của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với thế giới; phòng tôn vinh.
Ngoài ra, toàn bộ phía trong tầng 2 của nhà bảo tàng sẽ được thiết kế bức tranh panorama, là một hạng mục rất quan trọng trong chuỗi nội dung trưng bày của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, dự kiến hoàn thành vào năm 2016.
Đây là bức tranh tròn đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam nhằm tái hiện một cách chân thực nhất chiến trường Điện Biên Phủ.
Toàn bộ Đề cương trưng bày trong Bảo tàng gắn với những sự kiện liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó điểm nhấn là “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, tôn vinh gương hy sinh của các anh hùng Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót…
Nhiều hiện vật mô tả công tác mở đường, kéo pháo, vận chuyển lương thực của quân và dân trong chiến dịch như chiếc xe cút kít của dân công Trịnh Đình Bầm với 1 phần bánh xe được làm từ bàn thờ tổ tiên, chiếc xe có thể chở tới 280kg/chuyến lương thực, nhờ vậy chỉ trong vòng 4 tháng, với quãng đường gian khổ 20km, cụ Bầm đã chuyển được hơn 12 tấn lương thực phục vụ chiến trường.
Đó là những hiện vật, kỷ vật minh chứng cho sự thần kỳ mà quân và dân Việt Nam đã làm nên trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bằng những vũ khí, phương tiện thô sơ nhưng đã đánh bại vũ khí, phương tiện tối tân của thực dân Pháp trong kháng chiến.
Đặc biệt, nhiều hiện vật mới đã được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng, là những hiện vật trước đây được trưng bày ngoài trời cùng với những hiện vật mà tỉnh Điện Biên trưng tập được trong cuộc vận động cựu chiến binh Điện Biên Phủ hiến tặng thời gian vừa qua như Bức tranh “Xuân trong hầm pháo” của Họa sĩ Phạm Thanh Tâm; con dao đa năng của Thiếu úy Nguyễn Dũng Chi thu được tại hầm De Castries; Sơn pháo 75 ly của Anh hùng Phùng Văn Khầu; khẩu pháo 105 ly đã bắn loạt ở trận đánh đầu tiên tại Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ…
Trong Bảo tàng cũng dành nhiều không gian để tôn vinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị Tổng Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ bằng nhiều hình thức trưng bày, triển lãm.
Trong những ngày đầu tiên mở cửa, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã đón rất nhiều du khách trong và ngoài nước, nhất là các cựu chiến binh, cũng như các em học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu những kiến thức lịch sử về Chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa và sự nhạy bén, tinh thông, tài tình của vị Đại tướng – Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp. Nhiều cựu chiến binh trở lại nơi đây đơn giản chỉ để sống lại những kỷ niệm gian khổ hào hùng của một thời trai trẻ.
Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ cuốn hút du khách bởi đây là một trong những điểm nhấn làm nên sức hấp dẫn độc đáo và riêng có ở Điện Biên.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn