Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản – Kỳ quan Vịnh Hạ Long: Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ

0

Vịnh Hạ Long là vùng biển đảo có giá trị to lớn về đa dạng sinh học, văn hoá lịch sử, là nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế, xã hội liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Kể từ khi Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới đến nay, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản đã được các cấp, ngành quan tâm và đạt được những kết quả nhất định. Vị thế và uy tín của Vịnh Hạ Long được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là khi Vịnh Hạ Long được công nhận là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ khách du lịch tham quan Vịnh đã từng bước được hoàn thiện và đồng bộ hơn.

 

 

Để nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan du lịch, bên cạnh việc bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, công tác đầu tư, tôn tạo các dự án phục vụ bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long cũng được nâng lên một bước. Cơ sở hạ tầng điểm đến, bến cập tàu, đường đi, đèn chiếu sáng trong hang động v.v. đã được đầu tư nâng cấp đảm bảo tham quan thuận tiện, an toàn cho du khách.

 

Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã đầu tư hàng trăm dự án với tổng số tiền hàng trăm tỷ đồng, như: Tôn tạo động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt, bãi tắm Ti Tốp, bãi tắm Soi Sim, Trung tâm văn hoá nổi Cửa Vạn, nâng cấp các điểm lưu trú nghỉ đêm trên Vịnh; xây dựng đề án điểm dừng chân cho khách du lịch tại khu vực Ba Hang, Hoa Cương; lập dự án điều chỉnh điểm đỗ nghỉ đêm từ Hồ Ba Hầm về hang Tiên Ông; phối hợp với Sở Giao thông – Vận tải, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng các tuyến điểm tham quan trên Vịnh Bái Tử Long; xây dựng hồ sơ thiết kế và lựa chọn nhà thầu thi công dự án bến cập tàu đảo Ti Tốp v.v.. Chỉ tính riêng trong năm 2013, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã đầu tư khoảng hơn 24,115 tỷ đồng để phục vụ cho công tác đầu tư, tôn tạo các dự án, công trình phục vụ bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long. Cụ thể, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã hoàn thành công trình bến cập tàu Thiên Cung – Đầu Gỗ và triển khai thi công 3 công trình: Cải tạo nhà làm việc, sân đón khách, nhà vệ sinh, đường đi khu vực Thiên Cung, Đầu Gỗ; tiếp tục xây dựng biển quảng bá Vịnh Hạ Long tại TP Móng Cái; cải tạo, nâng cấp bến cập tàu đảo Ti Tốp. Đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát các công trình xây dựng, các cảng, bến, điểm neo đậu lưu trú trên Vịnh, đôn đốc nhà thầu sửa chữa công trình và hoàn thiện hồ sơ quản lý chất lượng của dự án chiếu sáng trang trí nghệ thuật ven bờ Vịnh Hạ Long… Đầu năm 2014 này, hệ thống cập tàu mới trên đảo Ti Tốp chính thức đưa vào phục vụ khách tham quan.

 

Bên cạnh việc đầu tư, tôn tạo các công trình phục vụ bảo tồn, để làm phong phú các sản phẩm du lịch tham quan trên Vịnh, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng đưa ra một số định hướng phát triển sản phẩm du lịch như: Tham quan các hang động có giá trị đa dạng sinh học cao như: Tam Cung, Hồ Động Tiên, các điểm đến có giá trị lịch sử: Hang Quan, Soi Nhụ… Đặc biệt, năm 2013, Quảng Ninh đã triển khai mở rộng không gian du lịch Vịnh Hạ Long xuống Vịnh Bái Tử Long, vùng giáp ranh với di sản Vịnh Hạ Long, bước đầu đã hình thành được 3 tuyến du lịch bao gồm: Hạ Long – Công viên Hòn Xếp, tuyến Vũng Đục (TP Cẩm Phả) – Công viên Hòn Xếp và tuyến Cái Rồng – Minh Châu… Cũng như việc kết nối các sản phẩm trên Vịnh với khu vực ven bờ như khu vực bến phà Bãi Cháy, núi Bài Thơ. Theo lãnh đạo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, trong thời gian tới, để mở rộng không gian du lịch, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục mở rộng các tuyến, tour du lịch xuống Vịnh Bái Tử Long, đây cũng là cách bảo tồn giảm bớt việc khai thác du lịch trong vùng lõi di sản, phát triển các vùng phụ cận để  khách du lịch sẽ có thêm những trải nghiệm, khám phá mới ở một vùng rộng lớn hơn của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Hiện nay Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng đang phối hợp với các sở, ngành liên quan khảo sát và đề xuất các phương án cải tạo, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng để đưa các điểm tham quan như: Lờm Bò, Hồ Động Tiên, Động Tam Cung… vào quản lý, khai thác, tạo ra các điểm tham quan mới, phục vụ khách du lịch. Đồng thời, hoàn thành đề án bảo tồn và phát huy sản phẩm du lịch văn hoá làng chài trên Vịnh Hạ Long.

 

Với những nỗ lực hiện tại và các định hướng đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ khách du lịch tham quan Vịnh Hạ Long đang dần được hiện thực hoá, Vịnh Hạ long sẽ mang một diện mạo mới, hấp dẫn hơn với du khách. Vị thế, uy tín của Vịnh Hạ Long sẽ ngày càng được nâng cao, các giá trị cảnh quan môi trường trong khu vực di sản được giữ vững và ngày càng phát huy có hiệu quả.

Thu Nguyên

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn