Vịnh Hạ Long thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan mỗi năm. Bên cạnh những nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị vốn có, trong quá trình đô thị hoá, phát triển kinh tế, Vịnh Hạ Long cũng đứng trước những thách thức không nhỏ về vấn đề môi trường. Phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hoàng Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long về vấn đề này.
– Được biết, thời gian qua, Hạ Long đã tích cực triển khai các nội dung xây dựng thành phố du lịch văn minh, thân thiện, trong đó bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long là một trong những nội dung trọng tâm, vậy thành phố đã có những giải pháp gì, thưa đồng chí?
+ Thực tế công tác bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long đã là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thành phố duy trì thực hiện trong nhiều năm qua. Cụ thể, hiện thành phố đang triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường Vịnh theo Quyết định số 1798/QĐ-UBND, ngày 18/8/2014 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quyết định số 3068/QĐ-UBND, ngày 30/10/2016 của UBND thành phố về việc phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường TP Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Công tác bảo vệ môi trường Vịnh được thực hiện theo 5 nhóm giải pháp trọng tâm, trong đó đặt lên hàng đầu là công tác quản lý. Thành phố chỉ đạo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và các đơn vị của thành phố thực hiện nhiệm vụ tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với Vịnh Hạ Long, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trên Vịnh Hạ Long. Cùng với đó là công tác thu gom rác thải trên Vịnh Hạ Long, nguồn nước thải sinh hoạt tại các điểm tham quan trên Vịnh đều được xử lý trước khi thải ra môi trường. Tính riêng năm 2016, thành phố đã tổ chức thu gom được 709 tấn rác thải trên Vịnh.
Công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào bảo vệ môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long được triển khai với các biện pháp: Lắp các thiết bị phân ly dầu nước trên tàu du lịch, hệ thống xử lý chất thải tại các điểm tham quan, thay thế phao xốp bằng các vật liệu thân thiện với môi trường… Thành phố cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, trong đó đã phát động phong trào toàn dân làm vệ sinh môi trường vì một Hạ Long xanh, huy động đông đảo người dân tham gia.
Một nội dung quan trọng nữa là công tác tuần tra, kiểm soát và phối hợp bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long được thành phố thường xuyên thực hiện, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tài nguyên, cảnh quan môi trường Vịnh…
– Theo phản ánh của một số người dân và du khách, trên Vịnh Hạ Long có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng rác thải gây ô nhiễm, đồng chí có thể làm rõ hơn về vấn đề này?
+ Vịnh Hạ Long rộng trên 1.500km2, riêng khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đã rộng hơn 430km2, diện tích quản lý rất rộng, trong khi thực tế nhân lực để thực hiện công tác thu gom rác thải còn ít, chưa kể đến các điều kiện đặc thù như trên Vịnh có nhiều đảo nhỏ, vụng, chế độ thuỷ văn… gây không ít khó khăn cho hoạt động thu gom rác thải trôi nổi trên Vịnh. Mặt khác, ý thức của một số du khách, người dân tại khu vực ven bờ chưa cao, vẫn có hiện tượng lén lút vứt, xả rác xuống Vịnh. Trong khi đó, Vịnh Hạ Long tiếp giáp nhiều khu đô thị nên công tác bảo vệ môi trường Vịnh chịu áp lực về rác thải rất lớn từ các khu dân cư này.
– Trước những tồn tại trên, thời gian tới, thành phố có những biện pháp gì để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trên Vịnh Hạ Long, thưa đồng chí?
+ Thời gian tới, thành phố sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả Quyết định 4216/QĐ-UBND ngày 15/12/2016 của UBND tỉnh về ban hành quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long; kế hoạch quản lý di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long giai đoạn 2016-2020; các giải pháp trong quy hoạch bảo vệ môi trường Vịnh… Trong đó tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên biển, cư dân sinh sống ven bờ Vịnh Hạ Long, có hình thức xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thành phố cũng tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại vị trí giao mặt nước biển để các hộ nuôi trồng thuỷ sản và kinh doanh dịch vụ trên Vịnh Hạ Long theo quy định. Bên cạnh đó, UBND thành phố đã giao Ban Quản lý dịch vụ công ích thành phố tăng cường hơn nữa việc tổ chức thu gom rác thải tại các điểm du lịch, rác thải trôi nổi ven bờ, trôi nổi trên biển để đảm bảo môi trường Vịnh Hạ Long luôn sạch đẹp. Mặt khác, thành phố cũng tập trung thu hút các nguồn lực bên ngoài từ các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế đầu tư vào công tác bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long để triển khai các đề tài khoa học, chương trình, giải pháp bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long một cách hiệu quả nhất… Đồng thời, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân, du khách tập trung để nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long.
– Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thanh (Thực hiện)
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn