Những khó khăn luôn thường trực khi học trò phải bắt đầu năm học mới trong lúc dịch bệnh căng thẳng. Nhưng ngược lại, các con sẽ có những bài học đắt giá trong lúc ngặt nghèo.
Thạc sĩ Đinh Thu Hồng, giáo viên tiểu học học khu Gwinnett, bang Georgia, Mỹ, chia sẻ về kinh nghiệm dạy online ngay từ đầu năm học.
Không bàn về tình hình dịch bệnh và các điều kiện khác, Việt Nam đang bắt đầu một năm học chưa từng có tiền lệ, như tình hình ở Mỹ đúng một năm trước (tháng 7-8/2020). Phụ huynh ở Mỹ vào thời điểm đó cũng đứng trước những lựa chọn, băn khoăn, lo lắng giống như phụ huynh Việt Nam những ngày qua.
Năm qua, việc dạy học online ở Mỹ cũng khác nhau giữa các tiểu bang và giữa các học khu trong cùng một bang. Như tại học khu Gwinnett, bang Georgia của tôi, từ tháng 8 đến tháng 12/2020, học sinh phải học online hoàn toàn. Nhưng đến tháng 1/2021, 80% học sinh đã trở lại trường học trực tiếp. Trong khi nhiều học khu khác của bang vẫn duy trì học online đến hết năm học.
Năm học mới ở Mỹ đã bắt đầu, hiện các bang vẫn duy trì cùng lúc 3 hình thức lớp học: trực tuyến hoặc trực tiếp và lớp học kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp. Với hình thức lớp học kết hợp, học sinh có thể đăng ký một số buổi trong tuần đến trường học trực tiếp, còn lại học online.
Cô Thu Hồng trải qua một năm học vất vả, bị đảo lộn do đại dịch Covid-19. Ảnh: NVCC. |
Mỹ hoãn, hủy bỏ tất cả kỳ thi phổ thông năm 2020
Không phủ nhận, học sinh được tới trường học trực tiếp, hiệu quả tiếp thu tốt hơn nhiều so với online. Những học sinh cùng lớp, cùng xuất phát điểm nhưng sau một năm học vừa qua đã có sự khác biệt rõ rệt giữa nhóm học online hoàn toàn và nhóm học online thời gian đầu, sau đó quay lại trường.
Trẻ học online hoàn toàn rất ít khi làm bài tập về nhà. Nếu không có bố mẹ bảo ban thường xuyên, gần như không làm bài về nhà. Trong khi học sinh đến trường trực tiếp lại biết rất rõ bản thân cần làm bài đầy đủ và tự giác.
Sự khác biệt cũng đến từ chính giáo viên. Ví dụ khi dạy ngữ âm, có học sinh trước mặt, giáo viên sẽ dễ dàng làm mẫu, hướng dẫn, sửa phát âm của học trò. Trong khi dạy online, giáo viên phải rất nỗ lực tìm cách hướng dẫn, truyền tải một cách sống động.
Do đó, khi học online, học sinh cần sự tự giác, chủ động, hỗ trợ lớn từ phụ huynh và tận tâm từ thầy cô. Việc học hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của học sinh, phụ huynh, giáo viên và cả xã hội.
Năm ngoái, trước yêu cầu học online từ các học khu, phụ huynh bày tỏ quan ngại về máy móc, đường truyền Internet. Họ đặt ra các câu hỏi: con có hứng thú học không, có ảnh hưởng đến tinh thần không, phát triển kỹ năng mềm ra sao.
Học khu của tôi sẽ cho mượn máy tính, đầu phát WiFi, đảm bảo 100% học sinh được tiếp cận công nghệ. Giáo viên thường xuyên gọi điện thăm hỏi tình hình, trấn an học sinh, phụ huynh. Điều này diễn ra tương tự ở nhiều bang khác, đảm bảo tỷ lệ 1:1 (mỗi em có một máy tính hoặc thiết bị khác có thể học online). Các trường có thể hẹn phụ huynh đến để nhận máy tính và trả lại vào cuối năm học.
Ngoài ra, giáo viên có thể vận dụng thêm các phương pháp khác để việc học online hiệu quả như phát tài liệu, phiếu bài tập, ghi và xem lại các bà giảng phát qua truyền hình. Dạy online không có nghĩa là 100% giờ học đều phải thực hiện qua Zoom, Google Meet.
Ngoài ra, để không tạo áp lực cho học sinh, các kỳ thi định kỳ, quan trọng trong năm học qua đều được hoãn hoặc hủy bỏ. Bộ giáo dục Mỹ cho rằng những gì học sinh và gia đình các em đang trải qua trong thời kỳ dịch bệnh đã rất khó khăn. Họ không muốn tạo thêm áp lực, gánh nặng cho các em.
Giáo viên chuẩn bị túi học tập riêng cho từng học sinh gồm tài liệu, lịch năm học. Phụ huynh đến trường nhận. Ảnh: NVCC. |
Kiên nhẫn, tận tâm với học sinh lớp 1
Năm ngoái cũng là lần đầu tiên năm học mới bắt đầu bằng hình thức online với học sinh lớp 1, lớp 2 ở Mỹ (các trường phổ thông). Phụ huynh Mỹ không phản đối việc học online với lớp 1, lớp 2 như ở Việt Nam. Có thể vì thiết bị được hỗ trợ nên họ chỉ quan ngại tính hiệu quả.
Đối với học sinh lớp 1, lớp 2, giáo viên khi dạy online sẽ sử dụng tối đa hình ảnh, ký hiệu, gif, video thay cho chữ. Các hoạt động hoạt náo, trò chơi, cùng hát múa, kể chuyện về người bạn, người thân của các em giúp cô trò gia tăng kết nối, tình cảm. Học trò nhí cần được quan tâm, hỏi han và lắng nghe. Nếu giáo viên kiên nhẫn giải đáp, chia sẻ, các em sẽ rất hứng thú và thân thiết.
Trong buổi học đầu tiên, tôi tổ chức cho các em chia sẻ về món đồ mình yêu thích nhất để khoe với các bạn. Mọi thứ cần được dẫn dắt tự nhiên để trẻ không cảm thấy lạc lõng trong chính lớp học của mình. Nếu không, trẻ rất dễ chán nản.
Trong bối cảnh dịch bệnh, việc tạo ra không khí yêu thương, quan tâm lẫn nhau, yếu tố cảm xúc cần được chú ý, làm sao để xa mặt nhưng không cách lòng.
Để làm được điều này cần sự nhiệt tình, tâm huyết của người thầy. Tất nhiên, để duy trì sự kết nối tốt thì sĩ số nhỏ là điều lý tưởng. Nếu sĩ số lớp quá đông, giáo viên có thể chia lớp thành nhóm phù hợp để dạy trong thời gian này.
Ngoài ra, với học sinh trong độ tuổi lớp 1, thời gian học online hợp lý chỉ nên dừng lại khoảng 2 giờ/mỗi ngày. Năm ngoái, chúng tôi đã tương tác trực tiếp với học sinh trên Zoom, Google Meet khoảng 2 giờ vào buổi sáng. Buổi chiều các con có thể xem các bài học bằng video đã ghi sẵn, phát lại.
Một lớp học theo hình thức kết hợp, học sinh vừa có thể đến trường học trực tiếp một số buổi, còn lại học online. Ảnh: NVCC. |
Chỉ số vượt khó
Giáo viên, phụ huynh cần xác định mục tiêu thích hợp với trẻ. Trong bối cảnh hiện nay, thay vì điểm số, thành tích, chỉ số vượt khó nên là một điểm sáng để đánh giá học sinh.
Nhiều người bày tỏ lo ngại dịch bệnh dẫn tới việc trường đóng cửa, việc học tập của con ngắt quãng, chậm trễ, thậm chí thụt lùi. Đúng, các con có thể bị thụt lùi nếu nói về thành tích, điểm số học tập tại lớp. Thế nhưng, những bạn nhỏ đang trải qua kỳ dịch bệnh hiếm có trong lịch sử, không hề thụt lùi mà biết đâu lại có khả năng phát triển, tiến bộ.
Nếu được thầy cô, bố mẹ dành thời gian quan tâm, dẫn dắt, các con có thể biết đồng cảm, có sự gắn kết với gia đình, sáng tạo, biết tự tìm cách giải trí, đọc sách. Thời gian giãn cách không được đến trường, trẻ có thể học nấu nướng, giặt giũ, sắp xếp, thu vén việc nhà cùng những kỹ năng sinh tồn cơ bản.
Các con biết quý trọng đồng tiền và tiết kiệm, ít đòi hỏi hơn. Bố mẹ có thể dạy con biết trân quý những nỗ lực của thầy cô giáo, y bác sĩ, tình nguyện viên, người dọn rác, người bán hàng cùng nhiều người khác đang chăm lo cho chúng ta trong thời điểm này.
Thời gian khốn khó, ngặt nghèo có thể cho trẻ cơ hội để trải nghiệm, học hỏi, chia sẻ, đồng cảm nhiều hơn. Biết đâu bối cảnh hiện nay đang ươm mầm những nhà lãnh đạo mới, những người có lợi thế vì biết rằng những gì là quan trọng nhất trong cuộc sống sau khi đã có một quãng thời gian sống chậm rãi và đơn giản hơn.
Nguồn: News.zing.vn