Bê bối tình dục phía sau chiếc khẩu trang hồng của VĐV Mỹ

0
54

Được đặc cách dự Olympic Tokyo 2020 bất chấp hàng loạt cáo buộc tấn công tình dục, VĐV đấu kiếm người Mỹ Alen Hadzic đang bị đồng đội cô lập, tẩy chay dưới nhiều hình thức.

Trong trận đấu hôm 30/7, 3 thành viên đội đấu kiếm Mỹ gồm Jake Hoyle, Curtis McDowald và Yeisser Ramirez đều đeo khẩu trang màu hồng. Duy nhất Alen Hadzic xuất hiện với chiếc khẩu trang màu đen.

Theo BuzzFeed, đây là cách các VĐV thể hiện sự tẩy chay đối với Hadzic, người vẫn góp mặt tại Thế vận hội 2020 bất chấp hàng loạt cáo buộc tấn công tình dục tại quê nhà.

“Tôi rất thất vọng khi phải ở cùng đội với anh ta. Tôi đã làm việc cả đời để đến được đây. Phải chứng kiến ​​con người tồi tệ ấy có thể chia sẻ khoảnh khắc này và đại diện cho Mỹ là điều thật đáng xấu hổ”, một kiếm thủ giấu tên, thành viên chính thức của đội Mỹ dự Olympic 2020, cho biết.

be boi tan cong tinh duc cua Alen Hadzic anh 1

Đồng đội thể hiện sự tẩy chay đối với Alen Hadzic thông qua màu khẩu trang. Ảnh: Dave Shopland Rex.

Bê bối tấn công tình dục chấn động

Hadzic đủ điều kiện tham dự Thế vận hội Tokyo vào tháng 5. Nhưng ngay sau đó, 3 phụ nữ đã cáo buộc VĐV 29 tuổi tấn công tình dục họ từ năm 2013 đến 2015.

Cùng lúc đó, 10 người khác cũng lên tiếng ủng hộ việc vạch trần hành vi tình dục sai trái của kiếm thủ trong quá khứ. Các cuộc phỏng vấn của BuzzFeed với hơn 30 VĐV đấu kiếm thậm chí cho thấy hành vi của Hadzic đã không còn xa lạ gì trong cộng đồng thể thao này.

Nhiều người mô tả Hadzic “rất đáng sợ”. Anh ta thường nhắm mục tiêu vào những cô gái trẻ say xỉn tại các bữa tiệc đại học để ép quan hệ tình dục.

Katya English, cựu VĐV từng hẹn hò với Hadzic thời đại học, kể rằng cô từng bị kiếm thủ mắng mỏ, ép buộc quan hệ tình dục trong phòng ký túc xá của anh ta.

“Nhìn lại những gì đã xảy ra với mình khi 18 tuổi, tôi mới thực sự hiểu đó chính là một hình thức cưỡng bức tình dục”, English cho biết.

be boi tan cong tinh duc cua Alen Hadzic anh 2

Alen Hadzic đang bị điều tra vì hàng loạt cáo buộc tấn công tình dục thời đại học. Ảnh: Danielle Richards.

Luật sư của Hadzic nói với New York Times rằng kiếm thủ này vô tội trước mọi cáo buộc dù thừa nhận anh ta từng bị Đại học Columbia đình chỉ trong năm học 2013-2014 sau một cuộc điều tra liên quan đến quan hệ tình dục không đồng thuận.

Ngày 2/6, Trung tâm SafeSport – tổ chức phi lợi nhuận chịu trách nhiệm giải quyết các cáo buộc lạm dụng trong tất cả môn thể thao Olympic và Paralympic của Mỹ – quyết định đình chỉ Hadzic trong thời gian điều tra vụ việc.

Tuy nhiên, Hadzic đã kháng cáo thành công và trở thành một trong 24 VĐV đấu kiếm của Mỹ dự Thế vận hội năm nay.

Thừa nhận mức độ nghiêm trọng của các cáo buộc, đội đấu kiếm Mỹ đã lập ra “kế hoạch an toàn” để giữ Hadzic tránh xa các VĐV khác. Anh không bay chung máy bay với đồng đội, ở khách sạn thay vì đến làng VĐV ở Tokyo.

Bị tẩy chay, cô lập tại Olympic

Sự có mặt của Hadzic tại Thế vận hội 2020 đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía các VĐV. Nhiều người gọi đây là “thái độ nhân nhượng vô lý”, chỉ trích sự thất bại của SafeSport và đội đấu kiếm Mỹ.

Không chỉ thể hiện sự tẩy chay bằng việc đeo khẩu trang khác màu, 6 VĐV nữ, trong đó có 2 người dự Thế vận hội, đã viết thư gửi Ủy ban Olympic Tokyo 2020 đề nghị gạch tên Hadzic để bảo vệ các VĐV khác khỏi lạm dụng.

Họ nói rằng sự hiện diện của Hadzic tại Thế vận hội là một “sự sỉ nhục trực tiếp” đối với các VĐV Mỹ và khiến họ gặp rủi ro.

be boi tan cong tinh duc cua Alen Hadzic anh 3

Hadzic bị cô lập tại Olympic 2020. Ảnh: Marie-Lan Nguyen.

Trong khi đó, toàn bộ thành viên đội đấu kiếm Mỹ đã ký vào một lá thư yêu cầu gia tăng hạn chế đối Hadzic ở Olympic. Dù đi máy bay riêng và nghỉ lại tại một khách sạn cách làng VĐV 30 phút di chuyển, kiếm thủ này vẫn ăn chung, tập chung với các thành viên trong đội.

“Nếu các cáo buộc được giải quyết thỏa đáng, anh ta sẽ không có cơ hội để góp mặt tại Olympic. Giờ đây, chúng tôi phải vừa giải quyết hậu quả khi có một kẻ như vậy trong đội, vừa phải cố gắng cạnh tranh trong sự kiện thể thao lớn nhất của cuộc đời mình”, một VĐV thuộc đội đấu kiếm Mỹ nói.

Đối với nhiều người trong cộng đồng đấu kiếm, trường hợp của Hadzic là ví dụ điển hình nhất cho sự thất bại của SafeSport trong việc bảo vệ các VĐV khỏi quấy rối, lạm dụng tình dục.

Essene Waters, VĐV, trọng tài đấu kiếm có hơn 10 năm kinh nghiệm, nói: “Đó là một nền văn hóa có tính hệ thống của những người đàn ông da trắng giàu có. Họ được dung túng hết lần này đến lần khác”.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn