Bến Tre: Cù lao Minh hành trình từ Sông ra Biển

0
Bến Tre: Cù lao Minh hành trình từ Sông ra Biển

Triển khai Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 20/7/2017 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương và nhân dân Bến Tre đang tích cực xây dựng sản phẩm và liên kết du lịch tạo chuỗi sản phẩm phong phú, đặc thù của Xứ Dừa. Cù lao Minh bắt đầu hành trình kết nối từ sông ra Biển.
 

Bến Tre được hình thành từ 3 cù lao lớn: Cù lao An Hoá gồm các huyện: Châu Thành và Bình Đại; Cù lao Bảo gồm một phần của huyện Châu Thành, Thành phố Bến Tre, huyện Giồng Trôm và Ba Tri; Cù lao Minh gồm các huyện: Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú. Cù lao còn giữ nguyên nét nguyên sơ, quang cảnh sông nước miệt vườn của Xứ Dừa với môi trường sinh thái trong lành của một màu xanh được bao phủ từ những rừng dừa, hoa kiểng, vườn cây ăn trái sum suê tạo nên một tiềm năng du lịch sinh thái mang đậm chất Nam bộ. Đặc biệt là “Sông nước sinh thái Xứ Dừa” không trùng lắp.

Cù lao Minh được hai nhánh sông: Hàm Luông và Cổ Chiên bồi đắp và bao phủ, bắt nguồn từ huyện Chợ Lách ra đến biển; chiếm gần 40% diện tích tỉnh Bến Tre, tương đương 960 km² với cư dân sinh sống khoảng 600 ngàn (chiếm 40% dân số của tỉnh). Bốn huyện đã xây dựng sự liên kết các sản phẩm du lịch với chủ đề “Hành trình từ Sông ra Biển”, tức từ: Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam đến Thạnh Phú với nhiều sản phẩm du lịch đặc thù của từng huyện từ vùng trái cây nổi tiếng cả nước, với nhiều làng nghề truyền thống như: Làng nghề Hoa kiểng – cây giống; làng nghề khai thác Dừa (Chợ nổi Dừa); làng nghề kẹo dừa, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa; làng nghề làm nón, làm bánh dừa, làm lu; kết hợp những ruộng dưa, rẩy sắn; những vuông tôm công nghiệp,… gắn nhiều di tích lịch sử văn hóa, cách mạng;… nên việc liên kết, hình thành tuyến du lịch liên huyện trong khu vực chắc chắn sẽ hấp dẫn và thu hút du khách đến trải nghiệm dài ngày trên mãnh đất cù lao anh hùng nầy.

Đến với Cù lao Minh bằng nhiều tuyến đường: tuyến từ Vĩnh Long hay từ Cái Bè (Tiền Giang) đi phà, tàu qua sông là đến huyện Chợ Lách; tuyến từ thành phố Bến Tre qua cầu Hàm Luông là đến Huyện Mỏ Cày Bắc; tuyến thứ ba là từ Trà Vinh qua cầu Cổ Chiên là đến Mỏ Cày Nam. Đây là ba huyện cửa ngõ của Cù Lao Minh và cũng là nơi giao thoa giữa rừng dừa và xứ sở hoa kiểng, cây giống, trái cây của tỉnh. Tài nguyên du lịch huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam cũng khá phong phú, đáp ứng yêu cầu kết nối tuyến du lịch từ Thành phố Bến Tre đến huyện Chợ Lách rồi qua Vĩnh Long; cũng như kết nối về Mỏ Cày Nam đến Thạnh Phú và qua tỉnh Trà Vinh. Đặc biệt là tuyến khám phá hành trình du lịch từ Sông ra Biển (Từ Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú).

Tạo hình kiểng thú tại huyện Chợ Lách (ảnh sưu tầm)

Chợ Lách được mệnh danh là Vương quốc hoa kiểng và cây giống, đất đai màu mỡ, khí hậu điều hòa, nhiều nghệ nhân tài danh, vườn cây ăn trái sum suê (bưởi da xanh, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, bòn bon, mít, …), hoa kiểng phong phú như vạn thọ, hoa giấy, cúc, sung, si, mai, đinh lăng tía, kiểng lá hồng lộc, kim phát tài, kiểng tắc, mai vàng, đặc biệt là kiểng thú hình hươu, nai, rồng, phượng… cùng hàng chục giống hoa treo. Huyện có trên 20 làng nghề hoa kiểng – cây giống; hiện nay Chợ Lách đang xây dựng Làng Văn hóa Du lịch gồm 4 xã: Vĩnh Thành, Vĩnh Hòa, Phú Sơn và Long Thới. Du lịch nơi đây được xem tuyến du lịch hoa – trên bến dưới thuyền, đan xen nhiều làng nghề truyền thống của mỗi xã theo mô hình du lịch nông thôn mới và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Ngoài ra, du khách có thể tham quan nhà thờ cổ Cái Mơn, một nhà thờ lớn nhất vùng (xây dựng năm 1872), Bia tưởng niệm nhà Bác học Trương Vĩnh Ký (thế kỷ 19), người biết trên 20 ngoại ngữ; một trong 18 nhà Bác học nổi tiếng thế giới; Ông là người đã đem nhiều loại cây giống đầu tiên từ khắp nơi về và gầy dựng làng hoa kiểng cây giống đến ngày hôm nay. Nhiều điểm du lịch sinh thái – miệt vườn hấp dẫn khác như: điểm du lịch Ba Ngói ở cồn Phú Đa (xã Vĩnh Bình) với vườn cây trái trĩu cành nhiều chủng loại; điểm du lịch sinh thái kiểng lá Hoàng Duy, kiểng hình dạng thú Năm Công, kiểng hoa treo Lâm Nga, hoa giấy Bảy Huyện, sầu riêng Bảy Thảo, …

Mỏ Cày Bắc, du lịch bước đầu thu hút được một số du khách nước ngoài sử dụng các dịch vụ ngủ đêm nhà dân (homestay) và trải nghiệm các tuyến sông nước. Những làng nghề truyền thống và các khu thờ tự, tâm linh khác được kết nối qua các đường làng rợp bóng cây trái, hoa kiểng. Một số điểm tham quan và tài nguyên du lịch như: Các cơ sở thu mua, chế biến dừa Vàm Nước Trong, cơ sở làm chổi dừa Chợ Xếp, cơ sở làm tương hột Tân Thành Bình, các điểm dừng chân Quốc lộ 60. Làng nghề hoa kiểng, Cơ sở làm đũa, Chùa Dừa, Khu lưu niệm giáo sư Ca Văn Thỉnh; Di tích cấp quốc gia Y4 (Khu Ủy Sài Gòn – Gia Định),… Tuyến du lịch bắt nguồn từ Mỏ Cày Bắc – Mỏ Cày Nam – Thạnh Phú hay Mỏ Cày Bắc – Mỏ Cày Nam – Chợ Lách rất tiềm năng và được nhiều công ty lữ hành quan tâm.  

Chợ nổi dừa trên sông Thom (ảnh Bến Tre Quê tôi)

Mỏ Cày Nam là trung tâm Cù lao Minh, có 2 quốc lộ 57 và 60 đi qua, có cầu Cổ Chiên nối qua tỉnh Trà Vinh – kết nối Du lịch liên tỉnh sông nước Xứ Dừa và Du lịch văn hóa Khmer Nam bộ. Mỏ Cày Nam có vị trí đẹp nhờ cảnh quan độc đáo của dòng sông Thom nối 2 nhánh sông Hàm Luông và Cổ Chiên thơ mộng, cùng làng nghề sơ chế trái dừa, chỉ xơ dừa hai bên sông tạo nên một không khí nhộn nhịp. Đoạn sông nầy đã trở thành một chợ Nổi Dừa mà không trùng lắp bất cứ nơi nào (Nếu Cần Thơ có chợ nổi Cái Răng, Tiền Giang có chợ nổi Cái Bè thì Bến Tre có chợ nổi Dừa). Vùng đất này cũng nổi tiếng với khu di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi, di tích cấp quốc gia chùa Tuyên Linh, cùng nhiều vườn dừa đẹp và làng nghề truyền thống làm hàng thủ công mỹ nghệ từ cây dừa. Đặc biệt nơi đây là cái nôi của kẹo Mỏ Cày (kẹo dừa ngày nay) mà cơ sở kẹo dừa Tuyết Phụng còn duy trì nghề truyền thống nầy.

Hiện nay, tài nguyên du lịch của huyện cũng đang củng cố và đưa vào khai thác du lịch như điểm du lịch ngủ nhà dân Coconut homestay, tham quan cơ sở kẹo dừa Tuyết Phụng, chèo xuồng trong rạch nhỏ, du thuyền trên sông Thom, trải nghiệm chợ nổi dừa Bến Tre… Từ đây, du khách có thể tiếp tục khám phá các sản phẩm du lịch ở các huyện Thạnh Phú hay Chợ Lách.  

Biển Thạnh Phú (ảnh XTDL)

Thạnh Phú; đi ngược về hướng đông nam là huyện biển Thạnh Phú nằm trên quốc lộ 57, cách thành phố Bến Tre khoảng 45 km và cũng là nơi mà chúng ta hành trình từ sông đã ra đến biển. Các điểm đến của huyện khá độc đáo và khác lạ so với các huyện khác trong tỉnh như: Du tích cấp quốc gia Kiến trúc nghệ thuật Nhà cổ Huỳnh Phủ (xã Đại Điền); tham quan hai hàng cây cổ thụ sao và dầu đẹp được trồng hai bên lộ vào xã Phú Khánh với chiều dài hằng 2km; làng nghề chằm nón lá truyền thống và hợp tác xã tép rang nước cốt dừa tại xã Mỹ Hưng, làng nghề bó chổi xã Mỹ An và thưởng thức bánh dừa Giồng Luông.

Đặc biệt, Bờ biển Thạnh Phú còn giữ nét nguyên sơ, trải dài khoảng 26km thuộc xã Thạnh Phong và Thạnh Hải. Đây là một trong những đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam gồm vàm Khâu Băng, cồn Bửng, cồn Lợi, cồn Lớn; được công nhận là di tích cấp quốc gia Đường Hồ Chí Minh Trên Biền. Tỉnh cũng thành lập Khu du lịch địa phương Thạnh Phong – Thạnh Hải gắn với khu Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa di tích Đường Hồ Chí Minh trên Biển.

 Sản phẩm du lịch nông nghiệp với nhiều vườn xoài tứ quý, dưa hấu, sắn, đậu phộng… và trải nghiệm du lịch sinh thái cộng đồng như giở lợp cua, giăng lưới, chài cá, hái bần, mò bắt sò huyết, nghêu,… Sau cùng là tắm biển tại biển Cồn Bửng, thưởng thức đặc sản như tôm, cua, cá, ốc, nghêu, sò tươi sống và gạo sạch không phân thuốc, xoài sạch,…. Hiện du lịch về nguồn, trải nghiệm, tâm linh đang là xu hướng và hướng đi phù hợp với huyện Thạnh Phú. Sắp tới, huyện Thạnh Phú sẽ có điện gió và điện năng lượng mặt trời, được các nhà đầu tư xây dựng dự án, đây là những sản phẩm mới sẽ thu hút du khách tham quan, đầu tư du lịch.

Các tuyến du lịch có thể giới thiệu đến du khách:

• Chương trình 01 ngày:

– Mỏ Cày Bắc: Du thuyền trên sông Hàm Luông, vào vàm Nước Trong, tham quan vườn dừa, vườn bưởi xã Tân Thành Bình. Ăn trái cây, uống nước dừa, nghe đờn ca tài tử. Đi xe lam tham quan làng nghề bó chổi. Xem làm kẹo dừa, chèo xuồng trong rạch dừa nước, xuồng kazak trên sông Cái Cấm,…

– Chợ Lách : Đi Cái Mơn, tham quan kiểng thú, cây giống, hoa treo, vườn cây ăn trái, làng hoa kiểng – cây giống. Đến Chợ Lách, đi tàu đến cồn Phú Đa – khu bảo tồn ốc gạo. Về lại Bến Tre trên đường ghé thăm lò kẹo và cơ sở mỹ nghệ,…

– Mỏ Cày Nam: Tham quan kẹo dừa Tuyết Phụng, cơ sở làm hàng thủ công mỹ nghệ; đi tàu trên sông Thom xem hoạt động chợ nổi dừa, tham quan làng nghề khai thác dừa. Uống nước dừa. Chèo xuồng trong rạch nhỏ xã An Thạnh. Tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Nhà truyền thống Đồng Khởi – Định Thủy.

– Thạnh Phú: Tham quan khu di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam, trò chơi và tắm biển, thưởng thức đặc sản biển tươi sống. Viếng lăng Ông Nam Hải. Tham quan nhà cổ Hương Liêm, hàng cây sao cổ Phú Khánh, các làng nghề truyền thống làm nón, bó chổi, bánh dừa…

• Chương trình các tuyến du lịch 02 ngày/01 đêm và 03 ngày/02 đêm tùy theo tính chất của đoàn khách và cách thiết kế các chương trình kết hợp các sản phẩm của các huyện cho hợp lý và độc đáo riêng. Chú ý các chương trình liên tỉnh với Vĩnh Long qua phà Đình Khao hay qua Trà Vinh qua cầu Cổ Chiên hoặc nối tuyến bằng tàu đánh cá từ Thạnh Phú qua thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh – đây là tuyến mới, đã có đơn vị lữ hành nghiên cứu, thiết kế tour mới lạ.

Có thể nhìn một cách tổng thể, bốn huyện trên Cù lao Minh có nhiều sản phẩm du lịch rất phong phú và mới lạ, độc đáo riêng có của vùng Cù lao Minh. Vùng đất nối tuyến thông thương với các tỉnh bạn bằng cả đường bộ và đường thủy với cảnh quan xanh, nguyên sơ, sông nước hữu tình. Vì thế, các địa phương, các hộ dân và các đơn vị lữ hành cần tiếp tục liên kết và phát triển, tạo nhiều sản phẩm khác biệt để thu hút khách; từng bước đầu tư và củng cố hệ thống cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng này./.

Thanh Sơn 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn