Bên trong quán cà phê Triều Tiên duy nhất ở Tây Ban Nha

0
Bên trong quán cà phê Triều Tiên duy nhất ở Tây Ban Nha

Khi Matthew Bremner, nhà báo Scotland, tới Cafe Pyongyang (Cà phê Bình Nhưỡng) ở thành phố Tarragona phía đông bắc Tây Ban Nha, cánh cửa khép chặt, phố xá xung quanh vắng lặng.

Matthew nhấn chuông nhiều lần, nhưng anh tới quá sớm – không ai trả lời, chỉ có chiếc camera an ninh vô hồn nhìn anh chằm chằm. Lối vào nhỏ trên một con phố vô danh xứ Catalonia này trông không giống một nơi để mở quán cà phê mang phong cách Triều Tiên.

Sau khi uống hết một vại bia trong quán bar gần Cà phê Bình Nhưỡng, chủ quán mở cửa cho Matthew. Thấp và tròn trịa, người đàn ông này mặc lịch thiệp và chào hỏi nhà báo lạ mặt. Ông là Alejandro Cao de Benos, 43 tuổi, quyết định mở quán vào năm 2016 như một trung tâm dành cho những người muốn biết về Triều Tiên.

Alejandro Cao de Benos trong quán Cà phê Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP.

Alejandro Cao de Benos trong quán Cà phê Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP.

Quầy bar Triều Tiên bày kimchi Hàn Quốc

Ông chủ đưa Matthew vào quầy bar trống trải, nơi quốc kỳ Triều Tiên khổ lớn được vẽ trên tường. Gần đó là một thư viện nhỏ trong góc phòng, xếp đầy sách của các nhà lãnh đạo họ Kim và những tờ báo Hàn Quốc in bằng tiếng Anh.

Giá để đồ của quầy bar bày trà sâm Triều Tiên, thứ Alejandro giới thiệu là đồ được uống nhiều nhất tại quốc gia này. “Dù đang dần phổ biến, cà phê vẫn không được uống nhiều tại đó”, chủ quán nói.

Matthew từng thử trà sâm và không thích thứ đồ uống đắng mang vị kim loại như vậy, nên hỏi liệu quán có bia không – ông Alejandro gật đầu. Nhìn lên trên tủ trà, Matthew chỉ thấy bia Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Thái Lan.

Những đồ uống trong quán. Ảnh: AFP.

Những đồ uống trong quán. Ảnh: AFP.

Thực tế, Alejandro thừa nhận quán gần như không thể nhập sản phẩm gì của Triều Tiên, một phần vì lệnh cấm vận thương mại. Điều này lý giải về sự hiện diện của những gói mì ramen Nhật Bản và kimchi Hàn Quốc xếp trên giá. Dù Matthew chưa từng tới Triều Tiên, quán cà phê này gợi cho anh nhớ tới hình ảnh những cửa hàng chỉ bán cho khách du lịch ở Bình Nhưỡng trong các tài liệu anh từng đọc. Đó là nơi du khách có thể mua các sản phẩm không lưu hành nội địa.

Không chỉ vắng bóng đồ uống, quán cũng không phục vụ ẩm thực Triều Tiên. Matthew rất nóng lòng ăn thử vài món ăn của đất nước bí ẩn nhất thế giới, nhưng Alejandro bộc bạch rằng ông chưa được cấp phép lắp quạt thông gió nên không thể mở bếp nấu nướng. Matthew liền nhắc tới tình trạng thiếu hụt lương thực tại Triều Tiên mà báo đài đưa tin, Alejandro không hề thấy ý mỉa mai. Ông phân trần người dân nước này có thực phẩm và cơ hội việc làm phong phú hơn nhiều quốc gia châu Âu.

Nhà báo Scotland bắt đầu nhìn nhận ra vấn đề: một trung tâm văn hóa giới thiệu với khách tham quan về một Triều Tiên “chân thực” lại không có bất kỳ đồ ăn, thức uống hay nguyên liệu nào từ đất nước bí ẩn này. Quán cà phê này có rất ít hiện vật mà dường như chỉ kể lại cho thực khách về Triều Tiên – không hề giống trải nghiệm bình thường của một du khách tại đất nước này.

Cà phê Bình Nhưỡng không quá đông khách. Alejandro giải thích: “Tuần trước vài vị khách cực đoan đã tới đây. Họ vờ như muốn khám phá Triều Tiên, nhưng đột nhiên tất cả đập bàn ghế và la hét. Giờ chúng tôi chọn lọc khách hơn”. Trước đó, ông nói rằng quán thường đón khoảng 35 khách từ khắp nơi trên thế giới mỗi ngày.

Không gian quán cà phê mang tên thủ đô Triều Tiên ở Tây Ban Nha. Ảnh: Lonely Planet.

Không gian quán cà phê mang tên thủ đô Triều Tiên ở Tây Ban Nha. Ảnh: Lonely Planet.

Ông chủ mê Triều Tiên

Alejandro lớn lên từ một trong những gia đình quý tộc có tiếng ở Tây Ban Nha. Ông đã có cơ hội đặt chân đến Triều Tiên: “Đất nước đó giống như một đại gia đình, nơi mọi người quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Khái niệm thành công cá nhân không tồn tại”. Điều này trái ngược với văn hóa phương Tây nơi con người đề cao cái tôi.

Thậm chí Alejandro còn tiết lộ mình có cha nuôi người Triều Tiên là Lee Jong-un, một chính khách. Năm 2000, ông lập ra Hiệp hội hữu nghị Triều Tiên (KFA) và cho biết tổ chức này có khoảng 15.000 thành viên trên thế giới. Alejandro thường lên kế hoạch những chuyến thăm Triều Tiên dành cho khách nước ngoài và diễn thuyết khắp châu Âu.

Khi mở Cafe Pyongyang, Alejandro hy vọng sẽ có một trụ sở để vừa làm việc, vừa giới thiệu về Triều Tiên cho khách tham quan thông qua ẩm thực, truyền thống, phim ảnh và hành trình du lịch.

“Cuộc đời trở nên phức tạp khi tôi giữ quan điểm không theo số đông trong xã hội này. Tôi đã nhiều lần mất việc, mất bạn, không phải vì lối ứng xử tệ hại, mà bởi mọi người sợ hãi khi quen biết tôi”, Alejandro tâm sự.

Điều an ủi duy nhất với Alejandro không phải công việc của tư vấn viên công nghệ thông tin, mà là đam mê theo đuổi lý tưởng của mình. Ông khẳng định quán cà phê là nơi để mọi người nhìn Triều Tiêu dưới một góc khác so với những gì báo chí phương Tây phản ánh. Ông sẽ tiếp tục những việc đang làm cho tới tuổi về hưu và sống trong một căn hộ ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Theo Vice

Nguồn: Vnexpress.net