Trong khoảng 2 tuần trở lại đây, số ca nhiễm nCoV mới ghi nhận trên địa bàn TP.HCM có xu hướng tăng trở lại sau giai đoạn dịch tạm lắng.
Theo khảo sát của Zing tại một số bệnh viện dã chiến, số ca bệnh nhập viện điều trị có xu hướng tăng nhẹ so với giai đoạn giữa tháng 10.
Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 đa tầng quận Tân Bình (TP.HCM) nhiều ngày qua phải kê thêm ghế xếp để bố trí cho bệnh nhân nhẹ nghỉ ngơi. Hầu hết giường cấp cứu cho người bệnh đủ cấp độ từ nhẹ đến nặng đều kín chỗ.
F0 tăng ở 3 tầng điều trị
Bác sĩ Hồ Hữu Đức, Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 đa tầng quận Tân Bình, cho biết số ca F0 có chiều hướng tăng mạnh trong khoảng từ đầu tháng 11, khoảng 70-100 ca/ngày.
So với giai đoạn đỉnh điểm căng thẳng của TP.HCM từ tháng 7 đến tháng 9, thời điểm này được xem như “đỉnh điểm” mới với số lượng F0 nhập viện tăng cao tương tự.
Hiện khu điều trị bệnh nặng của đơn vị này có khoảng 120 ca bệnh nặng cần hồi sức tích cực, số người cần can thiệp ICU là 40-50 ca, do các y bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM điều trị.
“Hiện chúng tôi có 4 bác sĩ, 7 điều dưỡng và một số tình nguyện viên phụ trách chăm sóc, điều trị cho 120 bệnh nhân nặng”, BCKII Nguyễn Duy Cường, Trưởng khoa Hồi sức tích cực tại tầng 3, nói.
Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 đa tầng quận Tân Bình kê thêm giường cho người bệnh nhẹ nằm. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tầng 2 của đơn vị này có 450 bệnh nhân do nhân viên y tế Bệnh viện quận Tân Bình phụ trách. Tầng 1 có 210 ca bệnh do Trung tâm Y tế quận Tân Bình phụ trách.
“Để đáp ứng số F0 có thể tiếp tục tăng, chúng tôi đã liên hệ UBND quận để tiến hành sửa chữa, tăng công suất của bệnh viện lên 1.000 giường”, bác sĩ Đức nói thêm.
Đa số F0 có triệu chứng và nặng chưa tiêm vaccine
Theo bác sĩ Hồ Hữu Đức, số ca tử vong gần đây cũng có chiều hướng tăng nhẹ. Trong đó, 90% là những bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền, một số người chưa tiêm vaccine hoặc chưa đủ liều.
“Gia đình của các bệnh nhân này có giải thích là do người cao tuổi không ra ngoài để tiêm vaccine được, hoặc thuộc nhóm chống chỉ định tiêm. Ngoài ra, khi cuộc sống về trạng thái bình thường, một số người trẻ là con, cháu ra ngoài sau đó mang mầm bệnh về lây cho người cao tuổi trong”, bác sĩ Đức nói.
Tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức), sau giai đoạn F0 nặng, nguy kịch giảm đáng kể, thời gian gần đây, số ca bệnh có chiều hướng gia tăng trở lại.
“Số ca bệnh nặng nhập viện những ngày này nhiều hơn hẳn”, một bác sĩ điều trị tại khu ICU nói.
Trao đổi với Zing, bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện dã chiến số 13 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM), cho biết F0 tại các quận, huyện và TP Thủ Đức thời gian gần đây có tăng nhưng ca bệnh chuyển đến bệnh viện dã chiến thành phố không tăng nhiều.
“Chúng tôi thường xuyên trao đổi số liệu F0 cách ly, điều trị với các địa phương để nắm được tình hình, sẵn sàng cho các tình huống mới. Ghi nhận chủ yếu F0 được cách ly tại nhà hoặc chuyển khu cách ly, bệnh viện dã chiến tuyến quận, huyện”, bác sĩ Tâm nói.
Hỗ trợ nhận bệnh chuyển tầng từ các Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 và các bệnh viện tuyến cuối tại Bệnh viện dã chiến số 13. Ảnh: Thành Tâm. |
Bác sĩ Tâm cho biết F0 được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 13 có tăng nhẹ, bởi chỉ ưu tiên bệnh nhân nguy cơ cao, lớn tuổi và có bệnh nền chứ không tiếp nhận hàng loạt như giai đoạn trước.
Hiện tại, Bệnh viện dã chiến số 13 có 291 bệnh nhân Covid-19 được điều trị. Đa số họ đều có triệu chứng bệnh hoặc trường hợp nguy cơ cao, một số bệnh nhân phải thở oxy.
Thống kê theo tiền sử tiêm chủng, bác sĩ Tâm cho biết hơn 90% bệnh nhân đã tiêm ít nhất một liều vaccine phòng Covid-19 (trong đó, hơn 70% tiêm 2 mũi, 20% tiêm 1 mũi) và chưa đến 10% F0 chưa tiêm vaccine.
“Chúng tôi có hỏi qua về tiền sử tiêm chủng, các bệnh nhân này cho biết họ có bệnh nền sợ và không đồng ý tiêm vaccine chứ không địa phương không gọi đi tiêm”, bác sĩ Tâm cho biết thêm.
Tương tự, số lượng F0 nhập viện tại Bệnh viện dã chiến số 3 (phường An Khánh, TP Thủ Đức) chủ yếu là người có nguy cơ cao, có triệu chứng. Đơn vị này đang bố trí, tăng cường nhân lực y tế dần để ứng phó trong tình huống F0 nhập viện tiếp tục tăng.
“Hiện thành phố cũng đã xây dựng nhiều khu cách ly, bệnh viện dã chiến tuyến quận, huyện nên F0 được chăm sóc tốt. Chúng tôi chủ yếu tiếp nhận F0 nguy cơ cao và có triệu chứng”, bác sĩ Phạm Gia Thế, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp phụ trách Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 3, nói.
Hiện Bệnh viện dã chiến số 3 điều trị khoảng 300 bệnh nhân Covid-19 trên tổng số 1.000 giường.
Nguồn: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC). |
Tại cuộc họp báo thông tin tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, chiều 25/11, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết số lượng F0 gia tăng trong thời gian gần đây xuất phát từ việc mở cửa trở lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và đây là diễn tiến đã lường trước.
Dù Thành phố cố gắng sử dụng rất nhiều biện pháp, số lượng F0 vẫn có chiều hướng tăng nhẹ, dẫn đến số bệnh nhân tử vong cũng gia tăng nhẹ theo.
Qua phân tích, các trường hợp tử vong trong những ngày qua đa số là người trên 65 tuổi, có nhiều bệnh nền và người chưa tiêm vaccine. Ngoài ra, số ca tử vong tăng liên quan những ca bệnh nặng và rất nặng từ bệnh viện các tỉnh khác chuyển về TP.HCM.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn