Để khám phá nghệ thuật giải trí truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản – Geisha, du khách có thể tìm đến các “quận geisha” ở Kyoto.
Miyagawa-cho là một trong những “quận Geisha” nổi tiếng ở Kyoto. Ai đến đây dường như đều bị cuốn hút bởi vẻ đẹp hoài cổ của mê cung các con đường. Nơi đây vẫn là khung cảnh của Nhật Bản thời xưa – những ngôi nhà gỗ tối màu cao không quá 2 tầng, với những bức mành tre phủ kín tầng trên, những chiếc đèn lồng đỏ ngoài cửa và những con đường bé xíu chạy quanh những góc tối.
Phảng phất trong không khí là thứ mùi dìu dịu của gỗ và tre mới. Khi xưa ở đây là những con đường nhựa thô, giờ đã được lát phẳng phiu bằng những phiến đá hình chữ nhật, nhiều ngôi nhà ở ngoài đã lát gỗ hung, với những cây cột nhà bằng tre bóng loáng.
Thỉnh thoảng trên phố lại xuất hiện một vài maiko (geisha tập sự), mặt đã tẩy trang còn tóc vẫn được làm theo kiểu trái đào tách ra, giống như đôi cánh ở hai bên khuôn mặt. Sau thời kỳ thực tập, các cô maiko sẽ trở thành geisha qua buổi lễ được gọi là eriage.
Geisha – “nghệ giả” có nghĩa là “con người của nghệ thuật”, nhưng ở Kyoto người ta thường dùng từ geiko – “nghệ tử”. Các geisha học việc phải dành 5 năm để học nhạc và múa. Một số người có khả năng chuyên về nhạc cụ như đàn shamisen, tương tự banjo của phương tây; những người khác tập trung vào hát hoặc múa. Các maiko cũng phải học cách nói chuyện thu hút khách hàng – chủ yếu là những nam giới giàu và quyền lực, thường già hơn họ rất nhiều.
Hơn 500 năm về trước, vào năm 1603, một vũ công tên là Izumo no Okuni đã dựng một sân khấu trên bờ sông Kamo và biểu diễn những điệu múa sống động và những tiểu phẩm hài. Người ta kéo nhau đến xem cô biểu diễn, và không lâu sau nhiều phụ nữ khác cũng tham gia vào hoạt động ăn khách này. Trở thành một hiện tượng mới lạ, hình thức biểu diễn này đã được đặt cho một cái tên – “kabuki”, xuất phát từ động từ “kabuku”, nghĩa là “trở nên khác thường”, mô tả chính xác tính “tiên phong” hay “kỳ lạ” của tiết mục này. Trong khí đó, từ “kabuki” khi viết ra thì được cấu thành bởi 3 chữ Hán “hát”, “múa” và “kỹ năng”. Đây chính là khởi đầu của kịch kabuki cổ điển thời nay.
Vào thời đó, sông Kamo như một bức tường chia cắt thành phố làm 2 nửa, phía tây là thế giới thường ngày với công việc và gia đình, còn phía đông là khu vực giải trí với các sân khấu, nhà hát kịch và geisha.
Đi dọc theo bờ sông Kamo du khách sẽ đến phố Shijo (Cây cầu thứ tư) – trái tim của quận Geisha. Trên vỉa hè lát đá là những cửa hiệu nối nhau, bán những đồ vật cá nhân của geisha, như lược, trâm cài tóc, guốc bánh,… phía cuối đường dẫn tới những cánh cổng đỏ của Miếu Yasaka. Đằng sau miếu là khu đồi Higashiyama xanh um và tươi tốt.
Con phố Shijo chạy qua 3 trong 5 quận Geisha của Kyoto, còn được gọi là hanamachi (phố hoa): Gion, Gion Higashi và Miyagawa-cho. Quận thứ tư, Pontocho, nằm ở bên kia sông, được đánh dấu bởi những ruộng bậc thang trải dài qua dòng nước, nơi mọi người vẫn ăn uống bên ngoài vào mùa hè. Quận thứ 5, Kamishichiken, khá tách biệt với những quận còn lại..
Phần lớn thế giới geisha là không dành cho người ngoài. Dù cho bạn có là ai đi nữa, thì cũng chỉ có thể tham dự một bữa tiệc Geisha nếu được giới thiệu. Còn khách du lịch thì cùng lắm cũng chỉ được thấy các geiko hay maiko khi họ rảo bước đi từ nhà Geisha đến những phòng trà nơi họ làm việc, hay khi đi xem các điệu múa hoa anh đào.
Các Geisha thường thức dậy muộn, do vậy bạn phải đến phòng trà sau 12 giờ trưa, nhưng cũng không được quá muộn vào buổi chiều vì họ còn phải chuẩn bị cho các hoạt động vào buổi tối.
Buổi tối là khoảng thời gian kì diệu nhất ở đây. Những đèn lồng được thắp lên làm khu phố rực ánh đỏ, những chiếc xe người kéo đang miệt mài chở khách du lịch đi tham quan.
Xuất hiện trong nghi lễ misedashi (nghi lễ xuất hiện trước công chúng), maiko thuờng khoác lên mình bộ kimono đen lộng lẫy với những họa tiết lượn sóng và một chiếc đai lưng vàng được trang trí bắt mắt. Tóc được tô điểm bởi nơ, ruy băng và trang sức hình san hô. Khuôn mặt được sơn trắng và chỉ có phần môi dưới được tô son đỏ, đây là dấu hiệu của một maiko trong năm đầu tiên. Sau đó, maiko sẽ phải dành 5 năm tiếp theo cho khóa huấn luyện geisha.
Vậy là lại một thế hệ maiko mới ra đời. Thế giới đang thay đổi quanh lối sống truyền thống này. Không ai có thể biết được liệu những thiếu nữ này sẽ dành cả đời làm Geisha giống như phụ nữ thời xưa, hay họ sẽ bỏ cuộc và quay trở về lối sống hiện đại sau khi kết thúc năm năm huấn luyện vào tuổi 20.
Vương An
Nguồn: Vnexpress.net