Những con sông trên khắp thế giới đều chảy vào hồ và ra biển lớn, nhưng dòng sông ở bang Minnesota, Mỹ lại không như vậy.
Sông Brule trải dài khoảng 70 km quanh co giữa những miền hoang dã ở phía đông bắc bang Minnesota, từ hồ Vista cho đến biên giới Canada. Cái tên Brule có nguồn gốc từ tiếng Pháp, với nghĩa là “dòng sông cháy” – giống tên món kem nướng crème brûlée trứ danh. Nó xuất hiện như món quà của một trận cháy rừng thời xa xưa. Dòng sông là nơi yêu thích của những người bắt cá hồi nước ngọt hay chèo kayak vượt thác ghềnh.
Tại công viên của bang mang tên Thẩm phán C. R. Magney, sông Brule đổ những dòng thác ầm ầm chảy xuống hồ Superior. Tại thác nước, một tảng đá chia dòng sông thành hai nửa. Một nhánh bên trái đổ xuống hồ, trong khi nhánh bên phải biến mất trong hố Devil’s Kettle (Ấm đun nước của Quỷ). Không ai biết nó chảy về đâu và gọi đây là hố đen của Trái Đất. Người địa phương truyền tai nhau rằng một khách tham quan liều lĩnh từng đẩy ôtô xuống hố và chiếc xe biến mất mãi mãi, hoặc một chàng trai trẻ từng đu dây khoảng 8 m xuống hố nhưng không thể thấy đáy.
Dòng Brule được chia thành hai nửa trên thác nước, trong đó nhánh bên phải đổ xuống hồ trong khi nhánh còn lại đổ vào hố Devil’s Kettle. Ảnh: August Schwerdfeger. |
Không ít nhà khoa học nghiên cứu hiện tượng này trong hàng chục năm qua nhưng vẫn chưa có được kết luận thuyết phục. Chất nhuộm màu nước sinh học, bóng bàn hay khúc gỗ… được ném xuống chiếc hố lớn này để thí nghiệm, và chúng không bao giờ nổi lên ở phía hồ Superior.
Một giả thuyết cho rằng một nửa dòng sông đi theo một đoạn đứt gãy dưới lòng đất và chảy ra ở đâu đó dưới hồ Superior. Tuy nhiên, ý kiến phản bác cho rằng khe nứt cần hướng đến đúng phía hồ, và ngay cả khi tồn tại nó có thể đã bị tắc khi đá, cát, gỗ và nhiều vật liệu khác bị ném xuống hố trong những năm qua. Bên cạnh đó, không có bằng chứng về những khoảng đứt gãy ngầm trong khu vực này. Sự tồn tại của một hang động lớn dưới lòng đất cũng bị loại trừ, vì không có dấu hiệu đá vôi hình thành.
Một giả thuyết khác được đặt ra là hàng triệu năm trước, một hang dung nham núi lửa xuất hiện khi những tảng đá cứng lại. Song đá ở thác nước là đá núi lửa rhyolite, còn các hang dung nham chỉ hình thành trong đá bazan – lớp đá bazan gần nhất cũng nằm quá xa.
Năm 2017, chuyên gia lập bản đồ thủy văn Jeff Green và một số nhà nghiên cứu từ Bộ Tài nguyên thiên nhiên Minnesota (DNR) cho rằng hiện tượng xảy ra tại Devil’s Kettle chỉ là ảo ảnh quang học. Green nhận định hai nhánh của Brule chảy với tốc độ gần như tương đương, do đó dòng nước không hề bị phân nửa mà nhanh chóng tái hợp. Về phần những vật dụng như bóng bàn hay cành cây bị ném xuống hố, Green đặt ra khả năng rằng chúng đã bị dòng chảy nghiền nát hoặc kéo chìm xuống cho tới khi nổi lại ở một điểm nào đó phía hạ nguồn.
Những nhận định trên tới nay vẫn chưa đủ bằng chứng và sức thuyết phục với công chúng. Do đó điều gì xảy ra dưới Devil’s Kettle vẫn là một ẩn số, thu hút khách tham quan đến đây để tận mắt thấy thác nước hoặc tự làm thí nghiệm của mình.
Phạm Huyền (Theo Vice)
Nguồn: Vnexpress.net