Không còn vẻ lộng lẫy khi diện đầm đẹp, túi xách hàng hiệu, các nghệ sĩ Việt đã khoác lên mình trang phục bảo hộ, đeo kính chắn, khẩu trang và dấn thân vào tâm dịch TP.HCM.
100 NGHỆ SỸ TÌNH NGUYỆN GIỮA TÂM DỊCH TP.HCM
Không còn vẻ lộng lẫy khi diện những bộ đầm đẹp, túi xách hàng hiệu, các nghệ sĩ Việt khoác lên người trang phục bảo hộ, đeo kính chắn, khẩu trang và dấn thân vào tâm dịch TP.HCM để làm tình nguyện viên. Số khác tích cực làm công tác hậu cần, nấu những bữa ăn 0 đồng để hỗ trợ bà con nghèo chịu ảnh hưởng vì đại dịch.
– “Chiều nay, 13h30, chúng ta hỗ trợ điều phối tiêm vaccine Covid-19 cho công nhân ở khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Ai đi được đăng ký nhé”.
– “Tối nay, team hỗ trợ nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm ở phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân). Bạn nào đi thì tập trung ở Nhà văn hóa Thanh Niên”.
…
10h sáng hàng ngày, MC Quỳnh Hoa – phó giám đốc Nhà Văn hóa Thanh Niên đều đặn gửi thông báo lên group tình nguyện viên nghệ sĩ. Ít phút sau, Hoàng My, Phi Kha, Peter Phạm cùng nhiều nghệ sĩ khác nhanh chóng phản hồi với dòng tin ngắn gọn: “Em đăng ký”.
Từ 10 thành viên ban đầu trong nhóm, gần hai tháng sau, số lượng nghệ sĩ gia nhập vào lực lượng tình nguyện viên ngày càng đông. Đến nay, con số chạm mốc 100 người, với đủ lĩnh vực từ diễn viên, ca sĩ, đạo diễn đến MC, hoa hậu…
Hàng trăm nghệ sĩ tham gia vào việc hỗ trợ người dân tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Quỳnh Danh. |
“Khi số lượng ca nhiễm nCoV ngày càng tăng, TP.HCM cần nhiều tình nguyện viên để hỗ trợ y bác sĩ, nhân viên y tế. Tôi liên tục đăng kêu gọi trên trang cá nhân. May mắn là các nghệ sĩ nhiệt tình ủng hộ và không ngại khổ. Có những diễn viên đồng hành cùng nhóm suốt gần hai tháng qua và chưa ngơi nghỉ ngày nào”, cô cho hay.
Theo phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh Niên, công việc tình nguyện viên ngày càng vất vả và đầy rẫy hiểm nguy. Nhiều ngày qua, họ hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm ở các khu phong tỏa, cách ly và “ở gần” với F0.
Đội ngũ tình nguyện viên nghệ sĩ thức đến 2h sáng để hỗ trợ nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Chí Hùng |
Trong vai trò là người lãnh đạo team, MC Quỳnh Hoa chất chồng nhiều nỗi lo. Ở group chung, cô luôn nhắn tin động viên các nghệ sĩ, thường xuyên nhắc họ phải mặc, tháo bộ đồ bảo hộ đúng quy trình và thực hiện nghiêm túc những nguyên tắc khi tình nguyện viên.
“Tình nguyện viên là những người ở tuyến đầu trong công tác chống dịch. Đảm bảo an toàn cho bản thân cũng chính là bảo vệ những người xung quanh mình và rộng ra toàn xã hội. Đó là câu nói cửa miệng của tôi khi làm việc với nghệ sĩ trong nhóm”, cô nhấn mạnh.
Bi hài chuyện đi siêu thị giúp người dân
Khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, công việc tình nguyện viên của các nghệ sĩ chuyển sang giai đoạn mới. Ngoài hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, giúp nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19, nhóm còn cáng đáng thêm công việc đi siêu thị giúp người dân trong bối cảnh hạn chế ra đường.
9h30, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê diện bộ đồ đơn giản, đi dép lê, đội mũ lưỡi trai vàng và tập kết tại Vạn Hạnh Mall (quận 10). Khi đến nơi, cô đã thấy nhiều nghệ sĩ có mặt đông đủ ở đó để bắt đầu một ngày đi siêu thị giúp người dân.
“Đi mua hàng cho khách cũng như mua cho chính mình, phải chọn được quả dưa ngon, miếng thịt tươi nhất. Tôi học được kinh nghiệm chọn dưa hấu từ mẹ mình. Tôi nhìn hình dáng và khi vỗ nghe tiếng giòn rụm là dưa hấu ngon. Mong là khi về đến tay, khách hàng vừa lòng”, hoa hậu nói.
– “Cô ơi, con là tình nguyện viên, đang hỗ trợ mua hàng ở siêu thị X. Cô có đơn hàng từ 7/7 đến nay đã 5 ngày rồi. Không biết cô còn tiếp tục đặt hàng để bên con chuẩn bị”.
– “Chị ơi, hiện tại sản phẩm sữa rửa mặt này hết hàng. Chị muốn đổi qua sản phẩm khác không”…
Đó là những câu nói qua điện thoại mà người đẹp Ê Đê phải lặp đi lặp lại 150 lần mỗi ngày. Không khó chịu, không cáu bẳn, dù có những lúc H’Hen Niê phải gọi đến cuộc điện thoại thứ 10 mới gặp được chủ nhân của đơn hàng.
“Trải nghiệm công việc này, tôi có cơ hội rèn luyện tính tập trung, kiên nhẫn, mò mẫm, quan sát thật kỹ. Lắm lúc, tôi thấy mình như nhân viên tổng đài siêu thị”, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cười lớn nói.
H’Hen Niê nhớ lại ngày đầu đi siêu thị online giúp người dân, cô lúng túng khi thấy đơn hàng dài “1 km” và “toàn những cái tên kỳ lạ”. Trở ngại tiếp theo cô gặp phải là nhiều mặt hàng tại siêu thị không đủ cung cấp theo đơn người dân đặt mua online.
“Nhiều khi khách hàng đặt mì gói nhưng 10 loại khác nhau. Tôi phải căng mắt lên để tìm cho đúng loại, giá. Có những đơn hàng đặt từ ngày 7/7 nhưng 5 ngày sau vẫn còn tồn đọng. Tôi thấy việc đi siêu thị giúp dân nhẹ nhàng nhưng hữu ích. Điều này giúp giảm số lượng người phải đi ra đường, tập trung đông người”, cô cho hay.
Sau vài lần đầu, Hoàng Thùy rút ra kinh nghiệm trong việc mua hàng cho những ngày kế tiếp. Trước tiên, cô sẽ xem qua một lượt các đơn hàng để ưu tiên mua món gì trước. Á hậu sinh năm 1992 ưu tiên mua rau vì quầy này thường hết hàng nhanh chóng. Sau khi gom đủ rau và trái cây, cô đem đi cân theo đúng định lượng mà khách hàng muốn.
Tiếp đó, cô ghé những mặt hàng thực phẩm tươi sống, rồi đồ khô. Gia vị, gạo, bún, miến… là những sản phẩm cuối cùng mà Hoàng Thùy nhặt vào giỏ hàng. Đối với những sản phẩm không có hoặc bán hết, cô chủ động gọi điện thông báo cho khách hàng và đề xuất thay thế món khác.
Đôi khi, đội tình nguyện nhận được những đơn “khó nhằn”. Đứng trước gian hàng dành cho mẹ và bé, Ngọc Thảo, Hoa khôi Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM nói bản thân không phân biệt được sự khác nhau giữa tã quần và tã dán, bình sữa cổ rộng size S, size M hay ti giả.
Giống Ngọc Thảo, đạo diễn Thành Trung gặp tình huống dở khóc, dở cười khi nhận được đơn hàng của một phụ nữ, trong đó có món đồ cần mua là băng vệ sinh.
“Trong đơn, khách hàng mong muốn mua loại siêu thấm, siêu mỏng, đủ loại siêu. Lúc đó, tôi chỉ biết nhìn đơn và lẳng lặng đến gian hàng dành cho phái nữ. Tôi không ngại nhưng hơi bỡ ngỡ vì chưa khi nào ở trong tình huống này. Sau đó, tôi phải lên mạng, tìm loại giống vậy. Nếu quá khó thì cầu cứu tư vấn viên để được hỗ trợ. Đúng là một trải nghiệm khó quên trong đời”, nam đạo diễn cho hay.
Sau ca làm việc liên tục từ 9h30 đến 15h chiều, mỗi thành viên trong nhóm hoàn thành trên 10 đơn hàng. Hàng trăm gói đồ sau khi kiểm tra, thanh toán được chất lên xe để giao cho shipper.
“Gian bếp 0 đồng của nghệ sĩ”
– “Em ơi, nhanh tay đảo thịt gà không dính đáy chảo”.
– “Mọi người giữ khoảng cách giùm, mang bao tay và đội mũ trùm đầu 24/24 nghen”.
…
Nghệ sĩ Hữu Quốc vừa bưng thùng bánh ngọt, vừa nói lớn để mọi người cùng nghe. Giữa cái nắng gay gắt của TP.HCM lúc 12h trưa, tiếng xào nấu, tiếng người kêu nhau í ới, mùi thơm của đồ ăn lan khắp ngõ ngách của khu phố nhỏ ở quận 10.
Mỗi người một công việc. Ai nấy đều tập trung vào nhiệm vụ của mình. Góc này, hai bạn diễn viên trẻ của sân khấu kịch 5B ngồi sơ chế củ hành tây, Chỗ kia, một nhóm bà con ở khu phố xúm tay vào việc đóng gói. Ở khu vực trung tâm, hai đầu bếp chính đảm nhận công việc nấu và hoàn thiện món ăn.
Để bếp tình nguyện có thể đỏ lửa sau Chỉ thị 16, nam nghệ sĩ nói anh phải nhanh chóng liên lạc với UBND phường 2, quận 10 và đề nghị được hỗ trợ. Nhận thấy ý nghĩa và tính lan tỏa trong việc làm của Hữu Quốc, lãnh đạo phường sau đó đã cấp giấy thông hành cho các thành viên của đoàn.
Sau khi quán ăn đóng cửa, nghệ sĩ Hữu Quốc lấy nơi đây làm địa điểm nấu những bữa ăn gửi đến bà con nghèo ở khu phong tỏa, cách ly trên địa bàn TP.HCM. |
Nghệ sĩ Hữu Quốc lý giải mỗi lần nấu cơm từ thiện lên đến 800 suất, chỉ 3-4 người không thể đảm đương hết các khâu. Vì thế, anh phải nghĩ cách xoay xở để những bữa ăn ngon vẫn được đến tay bà con nghèo ở khu cách ly, phong tỏa.
Ban đầu, Hữu Quốc dự tính chỉ nấu khoảng 500 suất ăn và phát cho người dân nghèo vào mỗi chiều Chủ nhật. Song, ngày càng nhiều nghệ sĩ, khán giả, kiều bào gửi tiền về ủng hộ để chương trình được tiếp tục lan tỏa. Vì thế, bếp Chia sẻ yêu thương tăng con số lên 800 suất và phát vào hai ngày thứ Tư và Chủ nhật hàng tuần.
Lý do lớn hơn khiến nam nghệ sĩ đau đáu là mỗi ngày, anh nhận được vô số tin nhắn cầu cứu từ bà con nghèo, công nhân… ở nhiều địa bàn khác nhau tại TP.HCM.
“Những tin nhắn đó khiến tôi nhói lòng. Xung quanh tôi còn nhiều mảnh đời khó khăn, cần giúp đỡ, nhất là trong thời dịch. Tối nào, tôi cũng lên mạng đọc tin nhắn và ghi lại trong một cuốn sổ nhỏ về thông tin, địa chỉ những người cần giúp. Sau đó, tôi tính toán và phân bổ cho hợp lý để ai cũng nhận được bữa ăn ngon”, Hữu Quốc nói.
Nghệ sĩ tâm sự sau khó khăn ban đầu về nhân lực, bếp từ thiện của anh tiếp tục đối diện với thách thức về nguồn nguyên liệu khi nhiều siêu thị, chợ trên địa bàn đóng cửa vì dịch. Để mua được nguồn thực phẩm, rau củ tươi ngon như ý muốn, anh và đầu bếp chính phải thức dậy từ 4h sáng, chạy vạy nhiều nơi, tìm hiểu một số đầu mối thân quen.
“Có lần tôi vào siêu thị đặt mua bánh bông lan với số lượng lớn, không nhận được sự hỗ trợ. Nhân viên tại đây sợ tôi tích trữ đồ ăn mặc dù đã ra sức giải thích. Lần khác, tôi tìm được một nơi cung cấp gà thì không lâu sau, chỗ đó bị phong tỏa vì dịch. Khó khăn chồng chất nhưng tôi dặn lòng không được buông bỏ. Nếu mình dừng lại, nhiều bà con sẽ thiếu ăn. Bao nhiêu số phận ngoài kia lao đao”, nghệ sĩ bộc bạch.
Thế rồi, nhờ những lần “trợ duyên” (từ dùng của Hữu Quốc – PV), anh tìm đến được một số công ty, nhà máy cung cấp nguồn nguyên liệu với khối lượng lớn và có uy tín.
Điều đặc biệt nhất ở gian bếp 0 đồng của nghệ sĩ Hữu Quốc là không chỉ có sự đồng lòng của các diễn viên sân khấu mà còn được chung tay bởi bà con ở khu phố. Chứng kiến cảnh các nghệ sĩ nấu ăn, trao quà đến người dân nghèo, hàng xóm ở khu phố 2, quận 10 xúm lại giúp đỡ.
Cô Phụng (ngụ khu phố 2, quận 10) nhanh nhẹn ngồi gọt khoai tây, sơ chế nguyên liệu và đóng gói. Vừa làm, cô vừa kể: “Chiều hôm trước, tôi hỏi em Quốc coi có gì làm không cho chị phụ với. Bây giờ ở nhà cũng rảnh nên tôi muốn giúp các nghệ sĩ những công việc nhỏ như nhặt rau, rửa gà… Tôi cũng ăn thử đồ ăn do đầu bếp của Hữu Quốc làm rồi, ngon lắm, tiêu chuẩn nhà hàng luôn. Mong bà con ở khu cách ly, phong tỏa nhận đồ ăn sẽ vừa miệng”.
Đến khoảng 15h chiều, một xe tải chở hàng miễn phí có mặt tại bếp Chia sẻ yêu thương để nhận đồ ăn và chuyên chở tới những địa điểm mà nghệ sĩ Hữu Quốc đã lên danh sách từ trước. Diễn viên Khải Đăng (26 tuổi) và Hữu Tiến (29 tuổi) nhanh tay bốc vác những túi đồ ăn chất lên xe gọn gàng.
Hữu Tiến cho biết lần đầu gian bếp 0 đồng của nghệ sĩ Hữu Quốc mở ra, anh và đồng nghiệp chạy xe máy đến tận khu phong tỏa để trao cho bà con nghèo. Một số người khi nhận đồ ăn đã bật khóc vì xúc động.
“Họ khóc và gửi lời cảm ơn, động viên chúng tôi giữ gìn sức khỏe để bếp ăn được tiếp tục. Vì nếu một trong số các thành viên của nhóm mắc Covid-19, bếp ăn sẽ không hoạt động được. Tôi sẽ đồng hành cùng chương trình đến khi dịch được đẩy lùi hoặc tài chính của bếp ăn cạn kiệt”, nam diễn viên tâm sự.
70 suất ăn sau đó đã được đưa tới “xóm ve chai” ở quận 8. Bước ra từ mái nhà lụp xụp, tồi tàn, chị Gái (35 tuổi) mắt sáng lên, nụ cười rạng rỡ khi nhận suất đồ ăn từ thiện.
“Chúng tôi vui lắm. Bà con cảm ơn sự yêu thương của các nghệ sĩ. Mong mọi người giữ sức khỏe để những bữa ăn tiếp tục đến với người nghèo”, chị bày tỏ.
“Với người lao động nghèo, những bữa ăn từ thiện giống như “cơn mưa rào” trong đại hạn. Nếu có cơ hội, tôi sẵn sàng cho đi. TP.HCM đang ốm nên mỗi chúng ta cần dang tay, ôm ấp, bảo vệ nhau vượt qua trận dịch này”, chị Hoàng Kim – một người làm thiện nguyện lâu năm – tâm sự.
Sau cơn mưa chiều, trời Sài Gòn hửng sáng. Những tia nắng ấm áp bao phủ khắp nơi.
Nguồn: News.zing.vn