Bí mật pháo đài ma Aksai

0
168

Vì một số lý do khó hiểu, các cuộc khai quật khảo cổ đối với pháo đài cổ Aksai vùng Rostov (Nga) bị tạm ngưng. Những hiện tượng kỳ quặc diễn ra trong pháo đài đã gây sự hoảng sợ không chỉ cho nhân viên bảo tàng mà còn cho cả dân chúng trong vùng.

Ông Viacheslav Zaporozhtesev, nhân viên bảo vệ pháo đài đã chứng kiến nhiều hiện tượng lạ không thể giải thích. Một lần, khi kết thúc ca trực, ông tắt đèn trong các hành lang để chuẩn bị ra về nhưng tất cả các bóng đèn đều vẫn sáng, dù công tắc không có gì trục trặc. Ông đang băn khoăn không hiểu tại sao thì một con mèo chạy vụt qua sau lưng, phóng về phía cửa ra vào. Zaporozhtesev tưởng rằng ai đó trong số dân chúng trong vùng tới chơi, bèn đi vòng quanh các hành lang để tìm. Bỗng ông lạnh người khi trong đường hầm, một người phụ nữ mặc áo choàng trắng lướt ngang qua trước mặt mà không hề gây tiếng động. Giây lát trấn tĩnh lại, ông quyết định đi theo người phụ nữ lạ mặt xem bà ta có ý định gì. Nhưng lạ thay, ở cuối đường hầm cụt, người đàn bà mặc áo choàng trắng bỗng biến mất như thể tan biến vào bên trong bức tường đất ẩm.

ád

Một mặt của pháo đài Aksai.

Sợ mọi người chế nhạo, Zaporozhtesev không dám kể chuyện này với ai, mãi sau mới thổ lộ với Vladimir Gladchenko, Giám đốc bảo tàng. Ông giám đốc không những không ngạc nhiên mà còn cho biết, trước đây, khi còn làm cán bộ phụ trách công tác trùng tu pháo đài cổ, nhiều hôm phải ngủ lại qua đêm trong pháo đài, ông thường xuyên nghe thấy tiếng xích sắt khua loảng xoảng và nhìn thấy những hình bóng kỳ dị trên tường. Nhờ đó, ông Zaporozhtesev chẳng còn hoảng sợ trước những chuyện kỳ lạ như thế. Ông còn cho biết thêm, những hiện tượng kỳ quái diễn ra nhiều hơn mỗi khi có đoàn chuyên gia khảo cổ tới tiến hành nghiên cứu, khai quật hay những đoàn khách phương xa tới tham quan. Theo ông, những chuyến tham quan đó làm kinh động những âm hồn đang yên nghỉ trong pháo đài, vì thế oan hồn mới hiện lên. 

Từ các tài liệu dự trữ, người ta biết được rằng trong thập niên 1920 tại vùng Akasya hoành hành một băng cướp khét tiếng tàn bạo, cầm đầu là Gherasim Valdanov, một cư dân địa phương. Valdanov có một lữ quán gần ga xe lửa, nhiều thương nhân nhỡ độ đường ưa nghỉ trọ tại quán này. Ông chủ thường tỏ ra niềm nở, hiếu khách, cơm nước, rượu thịt luôn chu đáo. Nhưng thật khốn cho những vị khách vô tội: đêm trong lúc ngủ, họ bị siết cổ bằng thừng da bện; tiền bạc, tư trang, hàng hóa dĩ nhiên bị chủ quán lột sạch. Tương truyền, Valdanov cho đào một đường hầm bí mật nối tầng hầm quán trọ với hầm mộ trong pháo đài, thêm một đường hầm nữa từ pháo đài ra bờ dốc đứng của sông Đông. Xác của những nạn nhân bất hạnh bị bỏ cho thối rữa trong pháo đài, xương cốt bị mang ra đường hầm bí mật ném xuống sông. Valdanov hành động không đơn độc. Đám tay chân của y giúp sức rất nhiều trong việc sát hại các khách trọ giàu có. Ngoài ra, chúng còn tổ chức trấn lột, kể cả giết người để cướp của đối với những hành khách trên những chuyến tàu đi ngang qua khu vực đó.

Cuối cùng, chính quyền Xô Viết cũng dẹp tan băng đảng này, Valdanov bị xử bắn. Khi chủ tọa phiên tòa hỏi: “Bị cáo đã sát hại bao nhiêu nạn nhân cả thảy?”. Valdanov trả lời gọn lỏn: “Không nhớ hết”.

Sau khi vụ án kết thúc, tên đầu đảng và các thành viên đã nhận bản án thích đáng. Từ đó dân chúng trong vùng thỉnh thoảng lại nhìn thấy các nạn nhân đã bị sát hại xuất hiện quanh khu vực pháo đài cổ. Những người tỉnh táo cho rằng đó chỉ là hiện tượng trông gà hóa cuốc do hoảng loạn tinh thần, song những lời đồn đại mạnh đến nỗi rất nhiều người tin chắc rằng oan hồn của các nạn nhân vẫn lẩn quất quanh pháo đài cổ. Còn dân chúng trong vùng thì tìm mọi cách lánh xa khu vực này.

Những chuyện rắc rối quanh pháo đài cổ Aksai rộ lên đến mức báo chí phải vào cuộc. Từng trang lịch sử của pháo đài được lật lên. Từ thế kỷ 18, khi bắt đầu khẩn hoang vùng Rostov, người Nga cũng bắt tay xây dựng pháo đài này. Thoạt đầu, nơi đây chỉ là một dạng đồn tuần, tức trạm thu thuế theo cách gọi ngày nay, được lập trên một gò đất cao bên bờ sông Aksaya – chi lưu lớn của sông Đông.

Pháo đài Aksai là một gò đất cao khoảng 10m, được bao quanh bằng tường gạch cổ dày và chắc chắn. Ở những khoảng cách nhất định trên bức tường, có những ô cổng che giấu một đường hầm khá cao và rộng đặt sâu trong lòng gò đất. Hệ thống đường hầm khá chằng chịt, thỉnh thoảng giao nhau, có chỗ hợp lại thành căn phòng rộng. “Trần” của những căn phòng như thế được chống đỡ bằng thân gỗ sồi và những thanh đà sắt. Trên trần có treo khá nhiều những vòng sắt to như ngón tay cái, rộng cỡ bàn tay xòe. Hơn hai thế kỷ trôi qua, nhiều đoạn đường hầm bị sạt lở, sụp đổ hoàn toàn, vì vậy người ta cho rằng có thể còn có không ít những căn phòng, đường hầm chưa được các nhà khảo cổ biết tới vì lối vào đã bị đất lở bít kín. Như vậy, còn biết bao điều bí ẩn vẫn bị giấu kín trong pháo đài Aksai, và dân chúng trong vùng vẫn còn có lý do để lo sợ.

(Theo Kiến Thức Ngày Nay)

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn