Da mẩn đỏ là biểu hiện của viêm nhiễm, do nhiều tác nhân đến từ môi trường hoặc thói quen chăm sóc da không phù hợp.
Tình trạng kích ứng, mẩn đỏ trên da gây khó chịu, đồng thời là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, theo Good Housekeeping.
Bác sĩ da liễu Dendy Engelma ở New York, Mỹ nói về những nguyên nhân gây mẩn đỏ: “Chứng mặt đỏ (rosacea), di truyền, dị ứng với các thành phần chăm sóc da, nhiệt độ cao, tiếp xúc ánh nắng mặt trời, đồ ăn cay, mụn trứng cá, da bị khô hoặc tẩy da chết quá mức”.
Tác nhân gây mẩn đỏ trên da
Mẩn đỏ do mụn: Đẩy lùi mụn bằng salicylic acid trong sản phẩm tẩy da chết hóa học. Salicylic acid giúp loại bỏ các tế bào già cỗi ở lớp trên cùng, làm đều màu da, giảm tắc nghẽn và đẩy lùi mụn trứng cá. Kết hợp sử dụng với kem dưỡng ẩm không dầu nhằm bảo vệ da không bị khô, đồng thời không khiến mụn phát sinh.
Mẩn đỏ do da khô: Da khô thường xuất hiện những vết nứt li ti, dễ bị tổn thương, viêm nhiễm cho vi sinh vật gây ra, tạo nên mẩn đỏ. Để ngăn chặn tình trạng mẩn đỏ liên quan đến da khô, bạn nên giảm tần suất tẩy da chết. Bên cạnh đó, sử dụng kem dưỡng ẩm chứa ceramide, hyaluronic acid và glycerin nhằm củng cố hàng rào bảo vệ da, chống mất nước.
Nên dùng kem dưỡng ẩm chứa thành phần củng cố hàng rào bảo vệ da. Ảnh: Getty. |
Chứng đỏ mặt: Rosacea (chứng đỏ mặt) là một tình trạng viêm da mạn tính khiến gương mặt bị ửng đỏ. Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ về các phác đồ cũng như thuốc đặc trị.
Viêm da tiết bã: Tình trạng này do vi nấm Malassezia chuyển hóa gây ra. Bác sĩ da liễu Michelle Henry nói về cách điều trị: “Làm sạch vùng da bị ảnh hưởng bằng cách dùng sản phẩm làm sạch nhẹ nhàng, không mùi thơm”. Theo bác sĩ Michelle Henry, thuốc uống chống nấm tại chỗ có thể giúp giảm viêm. Ngoài ra, một số loại kem chứa bơ hạt mỡ cũng góp phần làm dịu vết mẩn đỏ do viêm da tiết bã.
Viêm da tiếp xúc: Xảy ra khi có vật gì đó chạm vào da, gây kích ứng da hoặc phản ứng dị ứng trên da. Bảo vệ da khỏi các chất gây kích ứng, bao gồm nước hoa, thuốc nhuộm. Bên cạnh đó, nên sử dụng sữa tắm, sữa rửa mặt và những loại mỹ phẩm được thiết kế cho da nhạy cảm.
Giải pháp
Tìm hiểu yếu tố gây kích ứng từ môi trường: Ánh nắng mặt trời, khói bụi ô nhiễm, khói thuốc lá… có thể khiến các nốt mẩn đỏ bùng phát.
Tránh thức ăn cay, chất kích thích: Đồ ăn cay, rượu, bia là những loại thực phẩm khiến da dễ bị đỏ thường gặp.
Tránh tiếp xúc những chất dễ gây kích ứng: Nếu có làn da nhạy cảm, dễ mẩn đỏ, bạn nên tránh sản phẩm làm đẹp chứa hương liệu, tinh dầu, hợp chất sulfate, cồn, nước cây phỉ, formaldehyde, paraben, tricolsan.
Tìm hiểu kỹ về thành phần trong mỹ phẩm để hạn chế nguy cơ bị kích ứng, mẩn đỏ. Ảnh: Revivelighttherapy. |
Dùng kem chống nắng: Kem chống nắng không chỉ trung hòa sự xuất hiện của nốt mẩn đỏ, nó còn làm giảm sự bùng phát do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Kem chống nắng khoáng chất, chứa zinc oxide là loại thích hợp cho làn da nhạy cảm.
Tìm kiếm thành phần có lợi trong mỹ phẩm: Niacinamide cung cấp nhiều lợi ích trong việc chăm sóc da. Nó xoa dịu chứng viêm, giúp da đều màu và khỏe hơn. Hyaluronic acid được sử dụng để làm đầy đặn, tạo trạng thái ngậm nước cho da. Panthenol và glycerin làm da mềm mịn, phục hồi làn da khỏe mạnh, đồng thời giảm khô và kích ứng.
Công thức giảm mẩn đỏ tại nhà
Một số nguyên liệu thiên nhiên tại nhà góp phần làm dịu da, giảm mẩn đỏ và kích ứng:
Trà hoa cúc: Hoa cúc La Mã được biết đến với đặc tính làm dịu, giảm sưng tấy. Ngâm miếng bông tẩy trang vào trà hoa cúc và chườm lên vùng da bị ảnh hưởng.
Mặt nạ dưa chuột: Mặt nạ DIY đơn giản gồm sữa chua, dưa chuột xay nhuyễn giúp làn da cảm thấy dễ chịu hơn.
Mặt nạ miếng: Mặt nạ miếng chứa tinh chất tràm trà, lô hội có tác dụng làm mát, xoa dịu vùng da ửng đỏ nhanh chóng.
Nguồn: News.zing.vn