Bí thư TP.HCM: Chiến đấu 200% để phục hồi

0
Bí thư TP.HCM: Chiến đấu 200% để phục hồi

Dù đối mặt nhiều thách thức, kinh tế giảm sâu, TP.HCM quyết không thay đổi mục tiêu đề ra từ năm 2020 và đặt thêm nhiệm vụ sàng lọc cán bộ.

Năm 2021, ước tính tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM thấp nhất trong 35 năm (-6,78%), giảm 11% so với kế hoạch đề ra. Tăng trưởng kinh tế và tình hình dịch trong năm 2022 cũng được dự báo bấp bênh, nhất là khi có thêm sự xuất hiện của biến thể Omicron. Ngoài ra, đại dịch bộc lộ hạn chế trong bộ máy chính quyền, công tác cán bộ.

Đối diện với những thách thức kể trên, lãnh đạo TP.HCM quyết tâm không thay đổi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI đề ra năm 2020. TP còn bổ sung thêm nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong năm 2022.

Ủng hộ quyết tâm này, các chuyên gia góp ý những giải pháp cụ thể nhằm giúp TP phục hồi kinh tế và xây dựng chính quyền trong 4 năm tiếp theo của nhiệm kỳ.

Không sửa tới sửa lui mục tiêu chỉ để hoàn thành

Với kết quả kinh tế của năm 2021, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi bình luận vui rằng thành phố giống như đã “chấp hết một năm” và giờ khởi động lại cho kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm đã đề ra. Trong khi đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thừa nhận TP sẽ phải đối mặt nhiều thách thức khi quyết định không thay đổi mục tiêu đề ra từ năm 2020.

Tinh thần là chiến đấu, nỗ lực 200%

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên

“Nếu điều chỉnh để đạt, sửa tới sửa lui để hoàn thành thì không cần thiết. Cứ để đó cố gắng phấn đấu”, Bí thư Thành ủy TP.HCM nói.

Ông Nên thẳng thắn nhìn nhận rằng nếu tình hình tiếp tục xấu, TP có thể không hoàn thành mục tiêu. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh sớm ổn định, với sức bật, khí thế hiện nay, chắc chắn tốc độ phát triển của TP sẽ mạnh mẽ hơn và có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.

Người đứng đầu Đảng bộ TP nhận định TP mới chỉ trải qua năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết, việc điều chỉnh là quá sớm. Tinh thần là chiến đấu, nỗ lực 200%.

chien luoc phuc hoi cua TP.HCM anh 1

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: Chí Hùng.

Bình luận về quyết tâm của TP, TS Trương Minh Huy Vũ (Đại học Quốc gia TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn về chính sách phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế TP) gọi đây là quyết định “dũng cảm”, vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là sức ép cho cả bộ máy.

TP sẽ không đủ nguồn lực để làm tất cả, vì vậy phải có ưu tiên trong từng lĩnh vực

TS Trương Minh Huy Vũ

Nhìn vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội thành phố giai đoạn 2022-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, ông Vũ cho rằng cần có sự ưu tiên, lựa chọn trọng điểm, không nên dàn trải cùng một thời điểm hoàn tất nhiều vấn đề lớn và khó trong bối cảnh nguồn lực hạn chế.

“TP sẽ không đủ nguồn lực để làm tất cả, vì vậy phải có ưu tiên trong từng lĩnh vực; hoặc trong các lĩnh vực thì ưu tiên giữa các quận, huyện, TP Thủ Đức”, ông Vũ nêu ý kiến.

Chuyên gia cũng cho rằng TP.HCM cần tập trung đầu tư vào khâu tổ chức, triển khai từ cấp thành phố. Ông Vũ kiến nghị nếu TP thành lập Ban chỉ đạo phục hồi kinh tế thì phải có mục tiêu, chương trình chỉ đạo, đầu ra công việc trong từng tháng, quý, năm. Bên cạnh đó, chính quyền TP cần kết hợp với các thành phần khác như doanh nghiệp, nhà khoa học – trí thức, các nhóm dân sự.

TS Trương Minh Huy Vũ cho rằng phát triển kinh tế số và xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và thế giới là điểm đột phá quan trọng của nhiệm kỳ này. Do đó, Trung ương và TP.HCM cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng viễn thông, mạng Internet tốc độ cao, hạ tầng an ninh mạng theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Mục tiêu là phục vụ phát triển các dịch vụ dựa trên điện toán đám mây, tạo điều kiện cho người dân thuận tiện học hỏi, làm việc, sản xuất, mua sắm và hưởng các dịch vụ về giáo dục, y tế, văn hóa.

TP.HCM sẽ sàng lọc lại cán bộ

Trong khi đó, bình luận về tác động của dịch bệnh đến vấn đề quản trị của TP.HCM, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc chương trình Chính sách công tại Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng bộ máy chính quyền được thiết kế cho thời bình nhưng phải vận hành chống dịch Covid-19 như thời chiến nên không tránh khỏi ít nhiều trục trặc.

Cụ thể, thẩm quyền của các cấp chính quyền đan xen, chưa rõ việc nào của phường, việc nào của quận, việc nào của thành phố và việc nào thuộc thẩm quyền Trung ương. Thành phố đã chống dịch dựa trên các trụ cột như giãn cách xã hội, điều trị, vaccine, an sinh xã hội và truyền thông an dân. Song, trong việc thực hiện, thành phố chỉ được phân cấp quản lý một phần.

Cùng với đó, tình thế chống dịch thay đổi từng ngày, khó lường, chính sách của cấp nào cũng có thể sai. Song, không phải lúc nào cũng có sẵn các lãnh đạo táo bạo, dám chấp nhận sai và chịu trách nhiệm.

Chuyên gia chia sẻ TP.HCM được xem là giàu, là đầu tàu kinh tế, nhưng khi “đổ bệnh” thì thành phố cũng “tả tơi”. Nguồn nhân lực, kinh phí của cấp thực thi, nhất là ở cấp xã, phường rất hạn hẹp. Chính sách dù đúng đắn tới đâu, song nếu thiếu nguồn lực, thiếu tiền thì khó có thể thực thi được tốt.

chien luoc phuc hoi cua TP.HCM anh 2

Lực lượng y tế xã, phường mỏng nhưng phải chăm sóc lượng lớn người dân. Ảnh chụp một nhân viên y tế hướng dẫn người dân TP.HCM tự xét nghiệm hồi tháng 8/2021: Duy Hiệu.

Một hạn chế nữa là hành chính tuân theo lối cũ, chuyển đổi số diễn ra chậm chạp vì chưa được đầu tư nguồn lực tương xứng. “Lời hô hào về thời đại 4.0 trở nên sáo rỗng nếu các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân không có nguồn lực, không có lợi ích, không có động cơ để chuyển sang ứng dụng số”, ông Nghĩa nói.

Là đầu tàu kinh tế, nhưng khi “đổ bệnh” thì TP.HCM cũng “tả tơi”

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa

Ngoài ra, khi chống dịch, xã, phường là cấp thực thi cuối cùng của bộ máy nhưng nguồn lực con người, kinh phí hoạt động lại khiêm tốn. Ngân sách của cấp này rất hạn chế, ít việc liên quan chống dịch có thể do cấp xã, phường tự quyết.

TS Trương Minh Huy Vũ cũng chỉ ra rằng dịch bệnh đã làm lộ ra vấn đề quản trị công của TP. Càng xuống cơ sở – tức càng gần dân, càng quan trọng – thì càng thiếu và yếu trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn y tế cơ sở, dân vận cở sở, thông tin xuống xã, phường thuyết phục thực hiện chủ trương Nhà nước.

Đây là bài học mà TP.HCM cần củng cố trong năm 2022, nhưng không thể nói chung chung mà phải có gói đầu tư và chương trình củng cố thực sự. Trước mắt, ông Vũ cho rằng cần củng cố y tế cơ sở và cán bộ thực hiện công tác an sinh xã hội bởi đây là 2 nhóm bộc lộ hạn chế nhiều nhất trong 4-5 tháng chống dịch.

chien luoc phuc hoi cua TP.HCM anh 3

Cán bộ y tế cơ sở TP.HCM trực tiếp tới nhà xét nghiệm cho người dân hồi tháng 8/2021. Ảnh: Duy Hiệu.

Nhìn nhận rõ những hạn chế này, Đảng bộ TP.HCM đã lựa chọn chủ đề về công tác xây dựng Đảng năm 2022 là “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phát huy tính tiền phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên”.

Chia sẻ thêm với Zing về chủ trương này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố sẽ đánh giá lại dựa trên tiêu chí cụ thể để sàng lọc cán bộ.

“Ví dụ, đưa cán bộ lên để đào tạo, phát triển là phải có bản báo cáo suốt 150 ngày chống dịch anh làm gì? Anh núp ở đâu hay hoạt động cái gì phải báo cáo. Có người nói tôi không được phân công nên không làm. Không có chuyện đó. Người dân đâu ai phân công cũng vẫn ra chiến đấu đó thôi”, Bí thư nêu ví dụ.

Gắn với đánh giá, TP sẽ thực hiện quy trình theo công tác cán bộ, đảm bảo không hình thức để phát hiện những trường hợp né trách trách nhiệm. Mục đích đánh giá là để đào tạo, quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ.

Người đứng đầu Đảng bộ TP nhìn nhận trước nay, đánh giá vẫn là khâu yếu của TP, chưa đủ cơ sở về mặt định lượng. Từ nay, công tác này phải từng bước tịnh tiến theo hướng thực chất.

Nguồn: News.zing.vn