Sau khi quận 7 và huyện Củ Chi kiểm soát được dịch, TP.HCM sẽ đầu tư vaccine, thuốc và hệ thống y tế để các địa phương này đủ điều kiện mở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên lề buổi làm việc với UBND quận 7 vào sáng 5/9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ với báo chí về một số dự định của TP.HCM trong thời gian tới.
Ông cho biết thành phố đã giao cho các cơ quan, nhà chuyên môn nghiên cứu, xây dựng kế hoạch kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế dựa trên khoa học, thực tiễn và học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước. Mục tiêu là tìm lời giải cho việc con người và môi trường sống trong điều kiện có dịch thì thế nào.
Không thể vì lo dịch mà không sản xuất
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM nói nhiều người dân nóng vội muốn trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đây không phải hoàn cảnh bình thường mà là “bình thường mới”, tức là sẽ không làm những công việc giống ngày xưa bởi tình hình bây giờ đã rất khác.
“Nếu dịch tái trở lại thì rất khó vì ta không còn sức nữa. Đi qua cơn bão rồi, có khi hỏi lại làm sao đi qua mình không nhớ lúc đó mình xoay sở, vượt qua thế nào. Do đó, cần làm sao tránh đừng để chuyện đó xảy ra”, Bí thư TP.HCM bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Nên chia sẻ cuộc chiến chống dịch này không có tiền lệ và cũng không có bài học từ trước, phải chủ động ứng phó theo tình huống. “Ta không thể thực hiện giãn cách triệt để, nghiêm ngặt mãi được. Đây là điều chắc chắn, không thể chịu nổi được”, Bí thư nói.
Bên cạnh đó, ông Nên nhắc lại lời Thủ tướng và khẳng định không thể quét sạch F0. Vậy nên thành phố cần tính toán phương án sống trong điều kiện mới, điều kiện có dịch.
“Đó là cái đầu tiên không phải ai cũng hiểu. Sống trong điều kiện dịch giống như là sống chung với bão, với lũ”, ông Nên nói thêm.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên làm việc với UBND quận 7. Ảnh: Thu Hằng. |
Bí thư Thành ủy TP.HCM nói sống chung với lũ thì quan trọng phải biết bơi, có áo phao để giữ an toàn. Còn với dịch thì phải có vaccine, có thuốc và có tâm thế, ý thức. Đây là điều kiện cần và đủ để “vũ trang” cho từng người dân như những chiến sĩ để tự chiến đấu. Người dân phải sống chậm và ý thức rằng nguy cơ lây nhiễm luôn ở bên cạnh.
Lãnh đạo Thành ủy cho rằng ngoài thực hiện 5K, người dân nên thực hiện 7K, bao gồm: “Khẩu trang – Khoảng cách – Khử khuẩn – Không tụ tập – Khai báo y tế – Không khí trong lành – Khỏe mạnh”. Bên cạnh, mọi người cũng phải thực hiện 3T là “Tự phát hiện – Tự cách ly – Tự điều trị”.
“Bình thường mới trong điều kiện có dịch thì trước hết là tâm thế, thói quen sống của người dân là cực kỳ quan trọng”, ông Nên nói và đề nghị thành phố phải củng cố hệ thống y tế đủ mạnh. Khi đảm bảo những yếu tố trên, TP.HCM mới yên tâm sản xuất.
“Chúng ta không thể chỉ lo dịch mà không sản xuất, nếu như vậy chúng ta sẽ chết trước khi chết vì dịch, chết vì cái khác. Do đó, phải bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế, không để nó lụn bại”, Bí thư nhận định.
Để bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế, thành phố phải trở lại mục tiêu kép, làm sao sản xuất an toàn và an toàn thì mới sản xuất. Thành phố vẫn có thể phát hiện F0 trong xã hội, khi đó, cùng với hệ thống y tế, mỗi đơn vị có thể tách F0 ra, xử lý, điều trị, sau khi ổn sẽ tiếp tục chiến đấu.
Với biến chủng Delta, người dân phải cảnh giác khi ở những nơi đông người. Virus biến đổi thì phương án cũng phải phù hợp, tương xứng.
Tính toán di dời dân
Về kế hoạch cho quận 7 và Củ Chi – hai địa bàn đã công bố kiểm soát dịch – Bí thư TP.HCM nhận định địa bàn đã kiểm soát được dịch thì thành phố sẽ đầu tư để đi trước. Cụ thể là đầu tư vaccine cao nhất có thể, thuốc, hệ thống y tế…
Ông Nên nhấn mạnh đặc điểm của TP.HCM khác các địa phương khác, hơn 80% ngành nghề kinh doanh của thành phố là dịch vụ. Chỉ cần đóng cửa một thời gian ngắn thì nhiều người sẽ gặp khó khăn.
Bí thư Nên dẫn chứng nhiều người hiện trong nhà không có bếp ăn, chỉ đi làm rồi ghé mua đồ ăn ngoài tiệm, sau đó về nhà nghỉ. Một bộ phận rất lớn người dân sống quanh năm suốt tháng tháng theo cách này. Do đó, khi dịch vụ “tắc” một đoạn thì ảnh hưởng cả chuỗi.
Tuy nhiên, nếu mở cửa nếu không khéo thì không quản lý được và dịch bệnh lây nhiễm trở lại. Do đó, thành phố mở chậm nhưng mở đâu chắc đó, đảm bảo quản lý tốt.
Để bảo vệ “vùng xanh”, huyện Củ Chi đưa ra đề xuất được test nhanh từng người ra/vào huyện. Bí thư Nên bày tỏ sự thấu hiểu với đề xuất này nhưng ông cho rằng nếu quận nào cũng kiểm soát người như vậy thì không đơn giản. Việc mở cửa không thể chỉ tính từng quận mà phải tính toán cả TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Vấn đề quan trọng là quản lý người tham gia vào các hoạt động xã hội sau này, phải sử dụng công nghệ, ví dụ như giấy thông hành y tế, vaccine… Ông dẫn chứng nhiều nước khoa học tiên tiến như Mỹ, Úc… có hạ tầng, điều kiện nhưng còn gặp khó khăn trong việc này, nên TP.HCM sẽ càng khó khăn hơn.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết sẽ đề xuất Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thí điểm “bình thường mới” tại quận 7 và Củ Chi. Ảnh: Thu Hằng. |
Một đề xuất khác của quận 7 là được mượn khu đất trống để xây dựng khu lưu trú cho công nhân quay trở lại sản xuất. Bí thư cho rằng đề xuất này chính đáng nhưng cần xem xét trên cơ sở nguyên tắc và pháp luật. Từ góc độ Thành ủy, ông cho rằng trong giai đoạn này có thể giải quyết được nhưng tùy thuộc vào nguyên tắc.
“Trong tình trạng khẩn cấp, điều kiện có dịch thì có thể vượt lên trên một số khung pháp lý. Thẩm quyền cấp nào cấp đó sẽ tính”, Bí thư cho hay.
Ông Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố đang tính toán phương án, chuẩn bị kịch bản di dân an toàn nhưng rất khó do nhu cầu quá lớn mà nơi đáp ứng thì nhỏ. Các vùng như Bình Tân, Bình Chánh, quận 12… đều đề nghị di dân vì nhiều khu 5-6 người sống chung một phòng, nguy cơ lây nhiễm cao.
“Có người hỏi Bí thư sau khi kiểm soát được dịch điều đầu tiên làm là gì. Mình nói là xây nhà ở xã hội thôi vì mình bức xúc cái này quá rồi”, ông Nguyễn Văn Nên chia sẻ.
Cuối cùng, lãnh đạo Thành ủy nhấn mạnh ý thức từng người dân là điều kiện tiên quyết để quay trở lại bình thường mới. Nếu từng người dân không có ý thức, TP đóng cửa không được, quản không nổi thì nguy cơ rất lớn và rất đáng lo.
Nguồn: News.zing.vn