Bí thư TP.HCM: Đây là trận đánh quyết định nhưng chưa phải cuối cùng

0
Bí thư TP.HCM: Đây là trận đánh quyết định nhưng chưa phải cuối cùng

“Trận này là trận quyết định chứ chưa phải cuối cùng. Nhưng buộc phải thắng, dù thắng ở mức độ nào”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói về 2 tuần siết chặt giãn cách xã hội.

TP.HCM siet chat gian cach xa hoi anh 1

Thời gian qua, TP.HCM giãn cách xã hội chưa thật nghiêm như tinh thần của Chỉ thị 16, do đó, 2 tuần tới phải giãn cách thật nghiêm. Đó là nội dung được thống nhất cao tại cuộc họp giữa Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều tối 22/8.

Cả nước hướng về TP.HCM

Tại buổi làm việc, thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, bày tỏ một số quan ngại trong 2 tuần siết chặt giãn cách tới. Cụ thể như phân phối hàng hóa làm sao để tránh không lây nhiễm, đặc biệt tới điểm cuối. Nếu thành phố xét nghiệm diện rộng, quét ra số lượng lớn F0 thì phải tính toán, tiếp tục chuẩn bị các cơ sở thu dung cho trường hợp cần điều trị.

Mỗi phường, xã đã được quân đội điều động 3 cán bộ, chiến sĩ quân y đến để thăm khám, chữa bệnh. “Vấn đề gì giao quân đội cũng được, quan trọng là phối hợp với địa phương”, ông nói.

Quân đội, cảnh sát tuần tra giữa khuya ở TP.HCM 0h ngày 23/8, hàng chục cán bộ cảnh sát và quân nhân triển khai kế hoạch tuần tra, chốt trạm tại các cung đường để tăng cường biện pháp siết chặt giãn cách xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ Trung ương và nhân dân cả nước đang hướng về TP.HCM. Đa số người dân thống nhất “đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng” để cùng chiến đấu trận này.

Bí thư Nên dẫn lại lời Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và khẳng định quyết tâm chính trị của thành phố: “Trận này là trận quyết định chứ chưa phải là cuối cùng. Nhưng buộc phải thắng, dù thắng ở mức độ nào”.

Buộc phải thắng, dù thắng ở mức độ nào.

Bí thư Nguyễn Văn Nên

Bí thư nhấn mạnh yêu cầu phải triệt để, nghiêm khắc, quyết liệt, hiệu quả. Ông cho biết thời gian qua, một trong những khó khăn lớn của thành phố là dân số quá đông trong khi lực lượng mỏng. Thành phố có quy mô ngang một quốc gia nhưng bộ máy lại chỉ ngang cấp tỉnh. Trong khi đó, mật độ F0 rất cao nên lực lượng có lúc không theo kịp.

Bí thư Nên nhận định một trong những thuận lợi trong lần siết giãn cách này là có lực lượng đủ mạnh do Trung ương đưa quân xuống. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sẽ phát sinh nhiều vấn đề chưa lường hết nên phải bình tĩnh. Nếu phát sinh rủi ro, lực lượng cần xử lý khéo léo.

Ứng xử nghiêm ngặt như nhau

Về các biện pháp thời gian tới, ông Nên làm rõ 4 trụ cột là xét nghiệm, điều trị, vaccine và an sinh xã hội.

Thành phố có chiến lược xét nghiệm riêng cho từng vùng dựa trên bản đồ nguy cơ của 312 phường, xã, thị trấn, bao gồm loại mẫu xét nghiệm, số mẫu, thời gian… Tuy nhiên, là vùng xanh, vàng, cam hay đỏ, ông nhấn mạnh phải “ứng xử nghiêm ngặt như nhau, không phân biệt”. Người đứng đầu nhận định doanh nghiệp có khả năng tự lo rất lớn. Thành phố có thể giao chỉ tiêu xét nghiệm, quản lý F0.

Về vaccine, ông Nên cho biết sắp tới, nếu nguồn vaccine của Nanogen được cấp phép thì thành phố sẽ sử dụng ngay. Ông cũng đề nghị Bộ Y tế khi có vaccine thì phân bổ ngay cho TP.HCM, thành phố sẽ có cách tiêm đảm bảo tiến độ. Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cũng lưu ý cách tổ chức, không để người dân phải “chạy chọt” để tiêm vaccine.

TP.HCM siet chat gian cach xa hoi anh 2

Lực lượng y tế TP.HCM chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Ảnh: Phạm Ngôn.

Về điều trị F0, thành phố hiện có 4 cấp là ở nhà, cấp phường, cấp quận, và cấp thành phố. Ông đặc biệt lưu ý phải đưa thuốc cho F0 ngay khi phát hiện.

Về an sinh xã hội, thành phố đã thống nhất và có biện pháp cho nhóm người có điều kiện, nhóm cơ nhỡ và nhóm lang thang. Dù vậy, ông cho rằng chắc chắn sẽ có thiếu sót, ngay khi phát hiện phải có biện pháp xử lý.

Ngoài ra, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh công tác truyền thông phải nhất quán. Công nghệ cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng; tuy nhiên, ông lưu ý làm sao thực hiện công nghệ mà không ảnh hưởng đến đảm bảo giãn cách xã hội.

“Chuẩn bị cho trận chiến này có mấy niềm tin. Thứ nhất là quân tướng có. Thứ hai là phương tiện, trang thiết bị có. Thứ ba, quan trọng là có thuốc, vaccine, gói an sinh, có kế hoạch hệ thống tổ chức tới tận ‘pháo đài’ xã, phường”, Bí thư nói.

Người từ 12 đến 18 tuổi sẽ được tiêm Pfizer

Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ sau khi đi khảo sát một số nơi trước buổi họp, ông nhận thấy thành phố đã có phương án rất kỹ. Tuy nhiên, triển khai sẽ phát sinh vấn đề, quan trọng là cơ chế điều hành phải thống nhất.

Ông khẳng định từ trước tới nay, thành phố chưa kiểm soát được dịch tốt nên phải tăng cường. Nhiều việc trước kia không phải không thống nhất, mà không đủ lực lượng để làm. Hiện, thành phố đã có lực lượng thì cần triển khai ngay, nếu thiếu sẽ xin thêm.

Thành phố chưa kiểm soát được dịch tốt nên phải tăng cường.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

“Bản chất là trước đây, chúng ta chưa cách ly được theo đúng Chỉ thị 16 toàn thành phố. Tại sao không làm được? Vì thành phố quá rộng mà lực lượng quá mỏng. Do đó, Trung ương đã chi viện cho thành phố”, ông nói.

Phó thủ tướng nhấn mạnh từ nay phải làm nghiêm. Tất cả phường, xã coi như vùng đỏ, địa phương phải vận hành thống nhất để lo cho dân. Ông nhấn mạnh thành phố phải tăng cường lực lượng để kiểm soát chặt chẽ hơn người được ra khỏi nhà, chỉ cho phép trường hợp thật sự cần thiết. Trước đây ít người nên lực lượng chỉ kiểm tra tới phường, nay có lực lượng thì phải kiểm soát tới từng hộ dân.

Quân đội, công an là lực lượng nòng cốt, vừa kiểm soát, vừa tuyên truyền. Nếu gác chặt “tầng dưới” là các tổ dân phố thì “tầng trên” (các trục đường chính) sẽ không quá tải, lực lượng chức năng không mất thời gian kiểm tra quá nhiều người. Do đó, ông đề nghị công an, quân đội bám sát từng hộ dân.

Lễ xuất quân của gần 1.000 chiến sĩ hỗ trợ chống dịch ở TP Thủ Đức Đêm 22/8, TP Thủ Đức (TP.HCM) tổ chức lễ xuất quân làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19. Gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ đều xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt.

Về y tế, ông đề nghị tất cả phường, quận phải chuẩn bị thêm trung tâm thu dung, không để xảy ra tình trạng xét nghiệm xong, không biết đưa F0 đi đâu hoặc để F0 không có người chăm sóc. “Đề phòng trường hợp xấu nhất là trạm quân y dã chiến không đủ. Thừa còn hơn thiếu”, ông nói.

Đối với công tác tiêm vaccine, ông Vũ Đức Đam yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh, tinh thần là tiêm hết cho người trên 18 tuổi tại thành phố. Phó thủ tướng cũng trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và thống nhất sẽ cho phép nhóm 12 đến 18 tuổi được tiêm vaccine Pfizer, có thể thêm Moderna.

Nguồn: News.zing.vn